Sử học thời Tây Sơn (SV tự tìm hiểu) 4.1.5 Sử học triều Nguyễn

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 36)

4.1.5. Sử học triều Nguyễn

Sau khi đánh bại triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn, khôi phục chế độ phong kiến trong cả nước và duy trì sự thống trị của mình trong gần một thế kỷ trước khi bị thực dân Pháp đô hộ (1884).

Dưới tác động của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thời Nguyễn, sử học thời kỳ này tiếp tục đi lên và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh lịch sử vốn có nhiều biến động lúc bấy giờ.

Trước hết, nhà Nguyễn chăm lo tổ chức bộ máy chép sử để biên soạn Quốc sử và sử của đương triều. Quốc sử quán ra đời đã tập hợp được nhiều sử gia giỏi việc. Nhờ có tổ chức chặt chẽ, nên công việc biên soạn lịch sử bước đầu đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những bộ sử đáng chú ý dưới vương triều Nguyễn được Quốc sử quán biên soạn gồm những cuốn sau:

Đại Nam thực lục gồm hai phần: Tiền biênChính biên, chép sử từ năm 1558 liên tục đến đời Khải Định. Để biên soạn bộ sử này, Quốc sử quán triều Nguyễn đã sử dụng một khối lượng lớn tài liệu gồm chiếu chỉ, sắc dụ, các bản tấu trình ở địa phương và tài liệu lịch sử các triều đại trước. Phương pháp biên soạn theo lối biên niên, ghi chép các sự kiện về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,… xảy ra dưới thời các vua Nguyễn. Các vua là trung tâm của việc chép sử. Tuy nhiên, với quan điểm lấy việc biên soạn chính xác làm chính nên các tư liệu ghi chép về hành động của vua do viện Đô sát đảm nhận được chuyển sang Quốc sử quán làm sử liệu mà không thông qua nhà vua. Do đó, những hành động có ảnh hưởng đến quốc gia đại sử của các ông vua vẫn được phản ánh (việc Tự Đức xây Khiêm lăng). Dẫu vậy, do bị chi phối bởi lập trường, quan điểm chống Tây Sơn, nên trong cách viết các sử gia triều Nguyễn không tránh khỏi những thiếu sót như việc xuyên tạc phong trào Tây Sơn, coi Tây Sơn là giặc,…

Khâm định Việt sử thông giám cương mục là bộ sử đồ sộ được khởi thảo từ 1856 đến năm 1884 mới hoàn thành với hơn 30 người tham gia biên soạn. Bộ sách này gồm hai phần: Tiền biênChính biên, ghi chép lịch sử từ thời Hùng Vương đến năm 1789. Toàn tập gồm 53 quyển.

Với mục đích viết sử để nêu gương theo lệnh vua (đúng như tên gọi của tác phẩm), vì vậy, cách viết hoàn toàn theo tiêu chuẩn cương thường đạo lý của nho giáo. Hơn nữa, việc đề cao thái quá các vua triều Nguyễn mà xem nhẹ tiền nhân, coi những người chống chúa Nguyễn, vua Nguyễn là giặc, là nghịch thần, Tây Sơn là ngụy triều,.. làm cho cuốn sách bị hạn chế không ít về việc khôi phục lại quá khứ lịch sử của dân tộc mà các triều đại trước phần nào đạt được trong sách sử đã biên soạn.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy ưu điểm của bộ sách là tinh thần độc lập tự chủ, tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Thông qua việc biên soạn công phu, phương pháp tỉ mỉ và công tác tư liệu chỉn chu cho thấy bộ sử này là một di sản sử học quý báu của dân tộc ta, nêu cao được tinh thần dân tộc, góp phần làm cho nhân dân ta chú trọng, quý mến lịch sử.

Loại lịch sử diễn ca đã có từ lâu ở nước ta, rất được nhân dân ưa chuộng, vì vậy vua Tự Đức đã chú ý đến việc biên soạn loại sách sử này để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Tiêu biểu có Sử ký quốc ngữ ca do Lê Ngô Cát biên soạn năm 1858 trên cơ sở sửa chữa tác phẩm cùng tên của một tác giả khuyết danh thời Lê, diễn ca lịch sử từ thời Hồng Bàng đến khi mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê. Ngoài việc sửa chữa, ông còn biên soạn bổ sung tiếp phần lịch sử thời vua Lê, chúa Trịnh. Về sau Phạm Đình Toái đọc lại, sửa chữa, bổ sung, rút gọn thành một tác phẩm lục bát với 2054 câu đặt tên là Đại Nam quốc sử diễn ca.

Đáng chú ý là sự xuất hiện thể loại “chí” - những ghi chép khá toàn diện về mọi phương diện về lịch sử, văn hóa... của các địa phương mà tiêu biểu là các tác phẩm như Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt dư địa chí, Gia định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức),

Nghệ An chí (của Bùi Dương Lịch), Phương Đình dư địa chí (của Nguyễn Văn Siêu), Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,…

* Kết luận và nhận xét:

Nhìn chung, sử học Việt Nam thời phong kiến dân tộc là một thành tựu lớn của văn hóa nói chung, của sự nhận thức lịch sử nói riêng. Có thể rút ra một số điểm đáng lưu ý sau:

- Ý thức tìm hiểu cội nguồn, quá khứ của tổ tiên mình đã hình thành cùng với sự xuất hiện của con người trên đất nước Việt Nam, đặc biệt từ thời dựng nước. Buổi ban đầu, tri thức lịch sử còn đơn sơ, ấu trĩ, mang màu sắc hoang đường, được thể hiện trong truyền thuyết, thần thoại, ca dao, tục ngữ, …Tuy đó không phải là một bộ phận của khoa học lịch sử nhưng là nguồn tư

liệu dân gian quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử ngày nay, miễn là biết lựa chọn và xứ lý khoa học.

- Quá trình hình thành và phát triển của nền sử học Việt Nam gắn liền với thời kỳ hình thành và phát triển của các nền văn hóa Đại Việt, do đó, sử học cũng là một bộ phận của nền văn hóa Đại Việt, góp phần tích cực thức đẩy nó phát triển.

Bên cạnh dòng chính thống của các bộ sử do cơ quan biên soạn lịch sử của nàh nước phong kiến (Quốc sử) nhằm phục vụ việc củng cố vương triều, cũng đã xuất hiện những tác phẩm sử học của các nhà nho – nhà sử học uyên bác hoặc các nhà sử học khuyết danh. Tất cả tạo nên một nền sử học Việt Nam mà tên tuổi gắn liền với Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú,… và các tổ chức nghiên cứu lịch sử như Viện Quốc sử, Quốc sử quán của các triều đại phong kiến trong lịch sử.

- Quá trình hình thành và phát triển của sử học từ thời Lý đến thời Nguyễn nổi bật trên các giai đoạn chủ yếu lớn:

+ Thế kỷ XII – XVII: Thời kỳ hình thành và bước đầu phát triển của sử học Việt nam và Lê Văn Hưu được xem là người xây dựng nền móng cho việc biên soạn lịch sử dân tộc (Quốc sử). Trải qua hàng trăm năm, bộ quốc sử có sự đóng góp của các sử gia nước ta ở các triều đại khác nhau đã ra đời, đó là bộ Đại Việt sử ký toàn thư (in năm 1679) – đánh dấu sự phát triển của sử học Việt Nam.

+ Thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, trong xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển to lớn, chế độ phong kiến dần dần suy yếu. Tuy nhiên, do sức sống mãnh liệt của dân tộc và sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa Việt Nam nói chung, sử học nói riêng vẫn được giữ vững. Điều này được thể hiện trong các công trình sử học của nhà bác học Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú…

- Qua các tác phẩm, các sử gia thời phong kiến dân tộc, chúng ta có thể rút ra một số nét chung của quan điểm lịch sử thời kỳ này:

+ Ở mức độ khác nhau, sử học các triều đại phong kiến thể hiện nhân dinh quan của Nho giáo: lấy chuyện đời xưa làm gương cho đời nay.

+ Viêt sử là để phục vụ nhà vua, củng cố chế độ phong kiến, làm cho dân chúng trung với vua và yêu nước. Do đó, cách viết sử này là làm cho rõ chính thống. Tư tưởng này thể hiện ở chỗ: triều đại phải là của người bản quốc chứ không phải ngoại bang, đất nước phải quy về một mối chứ không để phân tán, triều đại được thành lập và cai trị phải phù hợp với “chính nghĩa”,… Quan điểm chính thống nhằm mục đích củng cố uy lực của vương triều đang ngự trị, lên án các triều đại như Mạc, Tây Sơn,… Tuy nhiên, nó

cũng khiến cho nhà sử học lung túng khi xem xét Triệu Đà có phải là vua mở đầu chính thống hay không?...

Việc đánh giá con người theo cương thường nho giáo được xem là chuẩn mực khi xem xét cá nhân. Ví như Lê Văn Hưu phê phán Đinh Tiên Hoàng lập nhiều hoàng hậu, xem Trưng Trắc là vua đàn bà…

+ Về phép chép sử, nhìn chung đều theo cách biên niên, cương mục và thực lục, tức là trình bày sự kiện theo thứ tự năm tháng diễn ra, theo lối việc lớn, việc nhỏ có quan hệ với nhau và sử dụng tài liệu chính xác. Do đó, phần lớn bị chi phối bởi quan điểm lịch sử phong kiến, bỏ qua hay ít đề cập đến đời sống nhân dân. Sự kiện đúng sai là do quan điểm người chép sử, nhận thức của người chép sử, phục vụ cho triều đại nào, vua nào.

- Tuy nhiên, ưu điểm nổi bật trong việc biên soạn lịch sử dân tộc thời phong kiến đó là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, do đó, ý thức ghi lại những sự việc chân thực của các sử gia được nâng cao. Những thành tựu của sử học phong kiến là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đáng được trân trọng, khai thác để phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w