Khuynh hướng sử học của những người yêu nước đầu thế kỷ

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 41)

Sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp tất yếu gây ra sức phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Sử học đã sớm trở thành một công cụ, vũ khí đấu tranh của những nhà nho tiến bộ và yêu nước vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX.

Khi Pháp đã hoàn thành việc “bình định” và thiết lập bộ máy cai trị, nhiều nhà nho yêu nước, tiến bộ không thể trực tiếp đấu tranh vũ trang chống Pháp, đã gửi gắm tấm lòng mình vào các bộ sử tự soạn, hi vọng thức tỉnh thế hệ trẻ tiếp tục đứng dậy đấu tranh. Tiêu biểu:

- Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910) quê Nam Định, đỗ Tiễn sĩ năm 1858, làm quan, rồi bỏ về nhà mở trường dạy học, viết sách. Trong số sách về lịch sử, đáng chú ý có Sử học bi khảo, Đơn phương danh vật bi khảo, Việt sử cương mục toát yếu, nhằm bổ sung các tài liệu cho chính sử về các mặt thiên văn, địa lý, quan chế. Ông cũng phê phán những quan điểm sai lầm của sử quán nhà Nguyễn đối với Tây Sơn.

- Hoàng Đạo Thành (1838 – 1908) – quê Hà Đông (Hà Nội), đậu cử nhân, làm giáo thụ rồi về nhà nghỉ viết sách. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Duy Tân. Sách Việt sử tân ước toàn biên của ông được in nhiều lần. Đây là loại sách giáo khoa lịch sử, trong đó ông đã mạnh giản trình bày rõ về lịch sử phong trào Tây Sơn mặc dù còn sơ lược.

- Lê Trọng Hàm (1872 - 1931) Giao Thủy – Nam Định, cùng với nhóm Việt Nam đồng thiên hội biên soạn quyển Minh đô sử (sử nước Nam). Sách chép lịch sử nước ta thời cuối Lê đến đầu Nguyễn, tuy nội dung và

quan điểm không mới nhưng đã có sự đánh giá khách quan đối với phong trào Tây Sơn và triều Tây Sơn, đồng thời ca ngợi công lao người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

- Nổi bật trong sử học Việt Nam đầu thế kỷ XX là Phan Bội Châu. Trong hoạt động yêu nước chống Pháp, Phan Bội Châu viết nhiều sách văn học, sử học, triết học, “cốt để vận dụng kinh nghiệm và kiến thức đời trước vào chính trị cứu nước”, “lấy câu chuyện và nhân vật lịch sử làm tỉ dụ để giáo dục một tư tưởng, một đường lối”. Sách sử của Phan Bội Châu có nhiều thể loại với những nội dung khác nhau:

+ Các quyển Song Tuất lục, Hà Thành liệt sĩ (truyện) ghi chép về lịch sử một phong trào cụ thể.

+ Các quyển Kỷ niên lục, Sùng bái giai nhân, Hoàng Phan Thái, Việt Nam nghĩa liệt sử chép về cuộc đời hoạt động và thành tích chiến đấu của những anh hùng xả than cứu nước.

+ Việt Nam vong quốc sử: nói về lịch sử mất nước của Việt Nam. Đây được coi là một bản cáo trạng đanh thép đối với tội ác của bọn thực dân Pháp cướp nước và ca tụng lòng yêu nước, chí khia anh hùng của các nghĩa sĩ chống Pháp mưu cầu độc lập, tự do cho đất nước.

+ Việt quốc sử khảo chép đầy đủ có hệ thống về lịch sử nước ta từ các vua Hùng đến khi mất nước vào tay thực dân Pháp.

Qua những tác phẩm sử học của Phan Bội Châu, chúng ta có thể nhận thấy quan điểm sử học tiến bộ và khác biệt của ông đối với tất cả các sử thần hong kiến trước kia. Nếu sử thần phong kiến viết sử để phục vụ nhà vua, củng cố vương triều thì Phan Bội Châu với tư cách là nhà yêu nước xem sử học là một công cụ, một vũ khí chống kẻ thù, giải phóng đồng bào, đem lại độc lập cho đất nước. Vì vậy, nội dung chủ yếu trong sách sử của Phan Bội Châu là mô tả hành động anh dũng vì dân, vì nước của nhứng bặc anh hùng dân tộc trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Có thể khái quát quan điểm sử học của ông như sau:

+ Theo Phan Bội Châu, lịch sử không phải là lịch sử của vua chúa, quan lại mà trước hết là lịch sử công cuộc xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, bảo vệ chủ quyền. Qua Việt Nam quốc sử khảo và Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu không quy lịch sử của đất nước cho lịch sử một gia đình, dòng họ như cách viết sử của các sử gia phong kiến, thay vào đó ông bước đầu nêu quan điểm lịch sử là lịch sử của quần chúng nhân dân. Ví như khi bàn về cách chép sử của sử gia nhà Lê sơ: “Xét theo sử đều gọi Lê tổ là Thái tổ, là đức tổ sáng nghiệp. nay tôi gọi là tổ trung hưng, kẻ thức giả sẽ trách mắng tôi. Nhưng đây tôi bàn về Quốc sử. Quốc sử sao lại theo lẽ gia sử được? Lấy riêng một nhà Lê mà nói thì Lê tổ là Thái tổ và là tổ nghiệp. lấy

cả nước Nam mà nói thì Lê tổ là Trung hưng lần thứ hai”. Đây là một quan điểm khá mới mẻ lúc bấy giờ.

Tư tưởng này thể hiện trong nhiều tác phẩm của Phan Bội Châu, khi ông hô hào đồng bào hợp quần với nhau để cùng nhau đánh Pháp cứu nước. Bởi vì, ông ý thức được rằng nhân dân là một trong ba yếu tố lớn hợp thành một quốc gia (đất đai, nhân dân, chủ quyền), và là yếu tố căn bản không thể thiếu được (chủ nhân của đất nước). Trên cơ sở đó, ông hô hào, kêu gọi tha thiết người dân mất nước đứng dậy giành chủ quyền và phê phán những kẻ hờ hững với vận mệnh dân tộc. Mặt khác, ông cũng chỉ ra con đường đấu tranh là “đồng tâm hiệp lực”, đoàn kết một lòng ắt đánh thắng kẻ thù.

+ Từ xác định đối tượng lịch sử, Phan Bội Châu khái quát nhận thức, kinh nghiệm của mình thành câu trả lời có tính chất phương pháp luận về vấn đề “vì sao phải học sử? học sử để làm gi?”. Ông khẳng định sự cần thiết phải học sử để biết về nguồn gốc, tổ tiên như cách nói của ông: “Quốc sử ở một nước như gia phả ở một nhà. Nhà mà có gia phả thì con cháu mới biết cao tằng khảo tông của nhà mình. Nước nhà có sách sử thời dân trong nước mới biết công lao khó nhọc về sự nghiệp khai sáng của tiền nhân mà sinh mối cảm tình mật thiết…”. Tuy chú trọng việc học quốc sử, song ông cũng không bác bỏ học lịch sử nước ngoài, chỉ có điều biết việc nước ngoài mà không hiểu sử dân tộc thì chẳng khác nào: “Phật trong nhà cầu Thích Ca ngoài đường”.

+ Khi xác định sự cần thiết phải học sử ta, Phan Bội Châu nêu rõ là để giáo dục truyền thống dân tộc, đặc biệt là lòng yêu nước. Trong Việt Nam quốc sử khảo sau khi giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử dân tộc, ông kết luận: “Đáng yêu thay! Thật là tấc đất tấc vàng những thứ mà tiên vương, hiền nhân để lại cho con cháu thật là vô cùng phong phú. Địa hình thì hiểm trở như vậy, địa sản thì phì nhiêu như vậy, hiện tại không có vốn để làm bá vương mà lại chực làm nô lệ suốt đời sao?”. Theo ông, việc học sử là phải làm sao cho mọi người không thể ngồi im nhìn quân thù giày xéo quê hương mà phải đứng lên đấu tranh. Phải học tập truyền thống dân tộc qua tìm hiểu lịch sử vì ông đã chỉ ra rằng dân tộc Việt Nam vốn có bản tính chống ngoại xâm nên không cúi đầu cam chịu làm nô lệ mãi mãi. Ông khuyến khích học tập gương Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và các vị anh hùng xả thân thực hiện chí lớn trong lịch sử để phát triển phong trào yêu nước, phong trào cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, làm sống mãi truyền thống dân tộc trong các thế hệ kế tiếp.

+ Phan Bội Châu qua nhiều tác phẩm của mình đã có một quan điểm khá đúng đắn về người anh hùng, về vai trò cá nhân trong lịch sử, bên cạnh việc thừa nhận vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Đây là một bước tiến trong nhận thức lúc bấy giờ bởi không chỉ những cá nhân vua chúa làm nên

lịch sử mà còn cả những anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó ông cùng sớm nhìn thấy mối quan hệ giữa anh hùng và quần chúng nhân dân và vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. So với sử thần phong kiến thì quan điểm này tiến xa vượt bậc và càng đi gần đến nhận thức đúng đắn về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

+ Phan Bội Châu cũng là một người đầu tiên của nước ta nhìn thấy sự vận động và phát triển của lịch sử. Ông đã nêu lên các thời đại tiến hóa trong lịch sử nước ta, thời đại sau cao hơn thời đại mới, đó là:

1. Thời đại động vật

2. Thời đại từ động vật sang dã man 3. Thời đại dã man

4. Thời đại từ dã man sang khai hóa 5. Thời đại khai hóa

6. Thời đại từ khai hóa xu hướng lên văn minh.

Tuy sự phân kỳ lịch sử trên chưa có cơ sở khoa học thực sự, song đã thoát hẳn khỏi kiểu tư duy giải thích do “ý trời”. Đáng lưu ý là ông nhìn thấy sự vận động của lịch sử dân tộc từ thời nhà Đinh đến nhà Nguyễn, tuy có bước phát triển song vẫn nằm trong “thời đại dã man”. Để thoát khỏi tình trạng dã man cần có sự khai hóa, ông cho rằng những tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch,… “đã giồng những cái mầm khai hóa trước tiên” và khẳng định: “Bao giờ nước ta độc lập hoàn toàn thì mới có văn minh thực sự”. Bên cạnh đó, ông còn dựa vào sự vận động của lịch sử để tiên đoán tương lai của đất nước.

+ Trong viết sử, Phan Bội Châu rất coi trọng công tác tư liệu, bao giờ cũng chú thích rõ ràng, chỗ nào chưa rõ thì “còn đợi xét”.

Với qua điểm và những thành tựu nghiên cứu lịch sử cũng như các tác phẩm văn học có chủ đề lịch sử, Phan Bội Châu đã đóng góp lớn cho sự phát triển của sử học Việt Nam. Có thể nói ông là tiêu biểu cho một khuynh hướng sử học mới ở nước ta đầu thế kỷ XX – Khuynh hướng dân chủ tư sản. Điều quan trọng là ông sử dụng sử học như một phương tiện để thức tỉnh đồng bào đánh giặc cứu nước.

Vào đầu thế kỷ XX, Đông kinh nghĩa thục1 cũng có nhiều đóng góp vào việc biên soạn giảng dạy lịch sử dân tộc. Nó là một nội dung quan trọng trong chương trình giảng dạy và hoạt động của nhà trường. Nhiều sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý được biên soạn như: Nam quốc giai sử, Nam quốc vĩ nhân, Quốc sử giáo khoa, Nam quốc địa dư, Bài ca địa dư và Lịch sử nước nhà. Những người sáng lập ra Đông kinh nghĩa thục phần lớn đều là những

1 Một trường tu thục, do các nhà yêu nước như Lương Văn can, Nguyễn Quyền,… lập ra ở Hà Nội với mục

đích là truyền bá tri thức, phát triển văn hóa dân tộc, cổ động lòng yêu nước. Trường bị đóng của tháng 12 năm 1907.

sĩ phu yêu nước tiến bộ, nên việc biên soạn các sách giáo khoa lịch sử nhằm để phục vụ cho việc giáo hóa dân chúng mở mang tri thức, làm tiền đề cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn, song Đông kinh nghĩa thục cũng góp phần vào việc xây dựng và củng cố những quan niệm tiến bộ về lịch sử dân tộc, phổ biến rộng rãi tri thức lịch sử vào đông đảo nhân dân, thức tỉnh lòng yêu nước.

Phan Kế Bính (1875 - 1921), đỗ cử nhân, không ra làm quan, có hưởng ứng phong trào Đông kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân. Ông chuyên viết báo và có nhiều đóng góp cho việc khảo cứu và dịch thuật từ Hán Nôm ra Quốc ngữ các sách lịch sử. Các tác phẩm chính của ông gồm:

Nam Hải dị nhân (1909) viết về danh nhân Việt Nam (dựa theo Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam liệt truyện…). Tuy có nhiều chi tiết hoang đường, song sách làm sống lại những đóng góp của các danh nhân, có tác dụng giáo dục.

Quyển Việt Nam phong tục (1909 - 1915) khảo cứu công phu về sinh hoạt gia đình xã hội Việt Nam. Ông trân trọng những thuần phong mỹ tục và phê phán những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ngoài ra, còn có một số tên tuổi các nhà yêu nước có đóng góp cho nền sử học thời kỳ này, như: Nguyễn Hữu Tiến (1874 - 1941), Đặng Xuân Việt (1880 - 1958), Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940),…

Nhìn chung, sử học Việt Nam vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX do những điều kiện của xã hội đã nổi lên hai khuynh hướng đối địch nhau giữa thực dân phong kiến tay sai với những người yêu nước tiến bộ có tư tưởng dân chủ tư sản.

Một phần của tài liệu Lịch sử sử học việt nam và thế giới (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w