Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
Năm 2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48 – NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Nghị quyết hướng tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật (văn bản pháp luật) đồng bộ, thống nhất, khả thi và minh bạch nhằm đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó chúng ta ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 2001-2010 nhằm hướng tới nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường. Một trong những nội dung để triển khai chương trình này đó là chương trình cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
Theo đó, trong năm 2008, khi chúng ta xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đưa chế định RIA vào nhà làm luật đã kỳ vọng và hướng tới các mục tiêu sau:
Thứ nhất, nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tính minh bạch của chính sách và quy định luật.
Thứ hai, đảm bảo tính công khai, hiệu quả trách nhiệm giải trình trong xây dựng pháp luật, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ ba, chế định RIA sẽ tạo được bộ lọc có thể giảm đi ¼ đề xuất văn bản và tiết kiệm được hàng tỷ đồng chi phí cho hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.
Như vậy, khi đưa quy định bắt buộc RIA vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì nhà làm luật không chỉ mong muốn nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thảo luận và thông quá chính sách mà còn thiết lập quy trình sàng lọc bớt các dự thảo văn bản không cần thiết trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thông qua chính sách và nâng cao chất lượng dự thảo văn bản thông qua việc đánh giá chi phí tuân thủ và mục tiêu của chính sách.
Trên cơ sở những mục tiêu ban đầu khi đưa chế định RIA vào quy trình xây dựng chính sách, luật người nghiên cứu lấy đó làm tiêu chí để đánh giá lại một cách tổng thể việc thi hành chế định RIA trong 3 năm qua để thấy được những điểm tích cực cũng như hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện chế định RIA để từ đó có những giải pháp để hoàn thiện thể chế để đưa chế định RIA ngày càng chuyên nghiệp trong hoạt động xây dựng chính sách, luật ở Việt Nam.
Kết luận chương 1
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong hoạt động đánh giá tác động pháp luật, chúng tôi cho rằng, Việt Nam khi thể chế hóa các quy định RIA trong hoạt động xây dựng văn bản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến thời điểm thực hiện RIA - phải thực hiện sớm trước khi người có thẩm quyền ra quyết định; phạm vi chính sách phải thực hiện đánh giá tác động RIA cần đánh giá theo nội dung chính sách không nên đánh giá theo hình thức văn bản như hiện nay; đối với vấn đề nhân lực cần có cơ chế, cách nhìn mới trong việc cử, sử dụng cán bộ xây dựng báo cáo đánh giá tác động, đặc biệt lưu ý sử dụng cơ chế chuyên gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước liên quan đến mô hình cơ quan kiểm soát, đánh giá chất lượng báo cáo RIA cũng như các biện pháp khác để đảm bảo RIA được thực thi trên thực tế.
Chương 2
PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG
XÂY DỰNG PHÁP LUẬT TẠI VIỆT NAM