IV. Đánh giá việc ứng dụng Basel về Quản trị rủi ro thị trường của các NHTMCP tại Việt Nam
a) Môi trường pháp lý
Theo quy định của Hiệp ước Basel, để quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, các NHTM được lựa chọn một trong các phương pháp đánh giá đối với từng loại rủi ro sao cho phù hợp với năng lực hiện tại của ngân hàng và được sự đồng ý của cơ
quan giám sát. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn thực thi các phương pháp đo lường đối với 3 loại rủi ro này. Trong những năm gần đây, chế độ kế toán và CMKT Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn, thậm chí chúng ta đã dùng một số CMKT quốc tế và chuẩn mực BCTC quốc tế (IASs/IFRSs) áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có những điểm khác nhau rất đáng kể giữa CMKT Việt Nam và CMKT quốc tế.
Tại Việt Nam, hệ thống CMKT hiện hành do Bộ Tài chính ban hành được Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam đánh giá là đã tuân thủ khoảng 95% CMKT quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống kế toán áp dụng đối với các TCTD Việt Nam mới chỉ tuân thủ khoảng 50% CMKT quốc tế, do Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành các CMKT về trình bày, ghi nhận và đo lường công cụ tài chính.
Do hệ thống kế toán áp dụng đối với các NHVN mới chỉ tuân thủ khoảng 50% CMKT quốc tế nên kết quả kiểm toán theo VAS và IAS có sự khác biệt về một số chỉ tiêu như số liệu dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập, dự phòng rủi ro tín dụng, nguồn vốn chủ sở hữu ... Có thể thấy rõ điều này thông qua số liệu BCTC của BIDV năm 2009, 2010 do Ernst & Young Vietnam Limited kiểm toán (Phụ lục 11). Do đó, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, được áp dụng từ năm 2011 trở đi.
Ngoài một số vấn đề nêu trên, có thể nói môi trường pháp lý của Việt Nam hiện nay đang trong quá trình xây dựng, cải cách nên còn rất nhiều bất cập, phức tạp, chung chung, nhiều văn bản hướng dẫn, chồng chéo, chưa là nền tảng pháp lý cơ bản cho điều hành hoạt động kinh doanh của hệ thống NHVN, rất khó cho việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mà cụ thể là các chuẩn mực của Basel trong điều hành hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro...