5. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Cải cách thủ tục hành chính là một công việc trực tiếp liên quan đến quyền lực, thẩm quyền, lợi ích của các bộ phận trong hệ thống hành chính. Vì vậy, đây là công việc khó khăn, phức tạp, có nhiều lực cản.
Cải cách thủ tục hành chính trong điều kiện của nền kinh tế sản xuất nhỏ, tâm lý tiểu nông, tùy tiện, lại đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Đây là những lực cản tác động vào mọi lĩnh vực của nền hành chính, trong đó đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.
Cải cách thủ tục hành chính được tiến hành từ điểm xuất phát của một nền hành chính quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền chuyển sang xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, làm dịch vụ công cho xã hội, cho công dân; tuân theo những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính không thể ngày một ngày hai là có kết quả, là xong được.
Cải cách thủ tục hành chính tiến hành trong quá trình hội nhập quốc tế với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ dẫn đến xu hướng tất yếu phải hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nước ta còn nghèo nàn, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Điều đó cũng đang chi phối đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Cải cách thủ tục hành chính để hướng tới xóa bỏ quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân. Nhưng một bộ phận không nhỏ những doanh nghiệp luôn tìm cách đi tắt, lách luật, làm ăn theo lối phi vụ “đánh quả” nên bất chấp các nguyên tắc, thủ tục hành chính. Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định của cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết thủ tục hành chính.
Cải cách thủ tục hành chính là công việc trước hết thuộc về chủ thể là hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Song việc nhận thức tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính như một khâu đột phá trong cải cách hành chính nhà nước chưa sâu sắc, chưa được quan tâm đúng mức. Ngay ở các bộ, ngành trung ương cũng chưa có quyết tâm cao, thái độ chưa kiên quyết, triệt để và nhất quán trong tổ chức thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tục hành chính là quy định trình tự thực hiện thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. Phần lớn các thủ tục hành chính là do cơ quan hành chính trung ương quy định. Vì vậy, muốn đơn giản hóa, thay đổi hay bãi bỏ phải do các cơ quan hành chính trung ương thực hiện. Trong khi rà soát, sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính thì các cơ quan trung ương
Trong quá trình thực hiện triển khai cải cách hành chính, nhận thức và trình độ của lãnh đạo xã còn hạn chế; một số cán bộ, công chức có tâm lý ngại thực hiện quy trình giải quyết công việc theo kiểu mới. Một số cán bộ công chức chưa tạo được thói quen, lề lối làm việc bằng phần mềm tin học nên hiệu quả công việc chưa cao. Trong thời gian dài chúng ta quản lý Nhà nước theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp nên khi đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức vẫn chưa xóa bỏ hết lề lối tác phong làm việc cũ, khả năng thay đổi thích nghi còn chậm. Tư duy “cai trị vẫn còn nặng nề”.
Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức làm tại Bộ phận “một cửa” chưa được hưởng chế độ phụ cấp như quy định nên vẫn chưa tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức; trong khi đó trách nhiệm thẩm định hồ sơ là rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới kết quả giải quyết công việc của các bước tiếp theo. Đồng thời, chất lượng cán bộ công chức tại Bộ phận này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công việc còn nhiều mới mẻ, các cán bộ, công chức phải tiếp cận với công nghệ mới, tương đối phức tạp, phần mềm tác nghiệp yêu cầu các quy trình thực hiện chặt chẽ, trong khi đó thời gian tập huấn không nhiều, khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Chính những nguyên nhân này đã dẫn đến chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức công dân còn nhiều bất cập và hạn chế, kéo dài thời gian giải quyết, làm mất thời gian và tiền của của tổ chức, công dân.
Một bộ phận nhân dân trình độ dân trí còn thấp, ý thức, sự hiểu biết về pháp luật chưa cao, họ không nắm rõ được quyền lợi và vị thế của mình, khi gặp phải những hiện tượng tiêu cực xảy ra tại Bộ phận “một cửa” thì vẫn còn e ngại, không mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thậm chí còn tiếp tay cho một bộ phận cán bộ công chức bằng hình thức bồi dưỡng để họ giải quyết công việc của mình nhanh hơn. Chính điều này đã làm cho việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” chưa thể phát huy được hết ý nghĩa về mặt kinh tế- chính trị, văn hóa cũng như chủ trương, đường lối của các cấp ủy Đảng và chính quyền đề ra trong các văn bản pháp lý.
Như vậy, cho dù việc chậm trễ hồ sơ là do sự tắc trách của CB, CC hay do sự bất cập trong các quy định thì sự thiệt thòi vẫn ở phía người dân, dẫn tới lãng phí thời gian, tiền của, công sức của công dân và điều cốt lõi là chưa đúng tinh thần cải cách hành chính. Vì vậy, mỗi CB, CC phải đặt tinh thần "phục vụ nhân dân" lên hàng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ và khi thực hiện các quy định về thủ tục hành chính, nếu gặp vướng mắc ở khâu nào thì phải sớm báo cáo các cấp, ngành liên quan để sớm tháo gỡ. Những khó khăn và bất cập trên cần được chấn chỉnh và sửa đổi để việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” đem lại hiệu quả cao hơn nữa.