II. UY THẾ CỦA THẦN LINH LIÊN KHU VỰC TRONG TÌNH HÌNH ĐỔ VỠ QUYỀN UY NHÀ NGUYỄN
c. Một thần biển biến dạng: thần Bạch Mã Thái Giám
Tập họp ĐNNTC về miền Bắc cho thấy tên thần Bạch Mã nơi đền thờ thần Long Độ/ Đỗ cũ, mà theo VĐULT thì thần này đã từng cầu cạnh Cao Biền trước khi thành kẻ cản trở thù địch, khiến ông tiết độ sứ này đoán ra sự thất thế trên đất phủ Đô Hộ phía Nam – và người nay thì coi là lời thú nhận thất bại của chính quyền cai trị phương Bắc. Nhưng
ĐNNTC cũng cho thấy rằng thần Long Độ của thời Bắc thuộc, của Lí, của Trần không còn linh thiêng nữa và đã bị “truất phế” – chắc là sau thế kỉ XV – thay vào đó là con ngựa thần dẫn đường cho họ Lí xây thành Thăng Long, như một thoại khác mượn từ câu chuyện xây thành Cổ Loa trong đó thần Kim Quy bị thay thế vai trò. Thế rồi lại thêm một lần hạ cấp nữa với triều Lê tàn tạ, họ Nguyễn chiếm lĩnh rồi mất quyền, thần đi xuống làm thành hoàng làng.
Nhưng trên các phần đất phía Nam, người ta hay nói và thờ một vị thần Bạch Mã khác mà tên thường được ghép với danh xưng chỉ nhân vật trong tổ chức nội cung của vua chúa: thái giám. Truyền thuyết về con ngựa bạch trung thành, có đầu được thờ ở thôn Phú Lương (Phú Yên) kéo dài sự tích từ đất Bình Định qua Phú Yên đến đèo Cổ Mã thuộc Khánh Hoà, và còn dài đường đất hơn nữa nếu ta bám theo mình con ngựa rơi xuống biển.(32) Văn tế đình của tỉnh Khánh Hoà có kêu cầu đến vị “Thái Giám Bạch Mã Tôn Thần.” Một bản sao văn tế đình từ bản gốc 1809 ở vùng Gia Định cũng có tên vị “Trung đẳng thần” đó giữa 43 vị thần được kể ra.(33) Chúng tôi gặp được ở đất Bình Thuận, câu chuyện về một ông Bạch Mã Thái Giám tên Tài Công Lan(34) áo giáp kết bằng tiền (chắc có thêm ý nghĩa bùa chú), đi đánh trận bị tên, cưỡi ngựa chạy về làng quê (gần tháp Phố Hài) mới ngã xuống chết. Dân lập miếu thờ và có lời đồn trước khi bị phá dỡ năm 1945, trong miếu còn treo chiếc áo giáp kia. Thần Bạch Mã cũng có mặt ở miếu Phước Hưng, làng Vĩnh Phước (Bạc Liêu),(35) chưa kể các con ngựa trắng được thờ trang trọng trong đền các công thần nhà Nguyễn như Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu (có cả giỏ cỏ tươi!), trong đình Phong Phú (Thủ Đức).
Như vậy, ta thấy có một vị thần gốc là con ngựa – thêm chi tiết màu trắng, con ngựa kim như giới bình dân thường gọi. Thần về sau có tên Bạch Mã Thái Giám mà sự xáo trộn văn pháp Hán Việt cũng sinh ra tên Thái Giám Bạch Mã, hay, được kiêng tên chính chỉ gọi trống trơn là Thái Giám như vị thần thờ ở Quảng Ngãi – theo ĐNNTC, chung với thần Ngũ Hành, và thần thờ ở An Lương (Khánh Hoà) cùng với chúa Ngọc, Thuỷ Long, thành hoàng.(36)
Con ngựa trắng là vật linh thiêng của tín đồ nhà Phật. Trong truyện về đạo Phật lần đầu truyền đến kinh đô Lạc Dương (thế kỉ II) có con ngựa trắng chở kinh. Không những chỉ có truyền thuyết nói về con ngựa trắng giúp Lí Thái Tổ xây thành Thăng Long mà lịch sử cũng ghi ông có con “Bạch long thần mã” biết trước lúc nào vua ra đi, còn con vua, Lí Thái Tông sau này – thì có tên là Phật Mã, con ngựa đưa Phật xuất gia, con ngựa được trọng vọng cả ở một đạo Phật cách tân, có tượng đài trên Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh. Con ngựa như thế ở phía Bắc giúp vua Lí thì ở phía Nam, theo sự tích truyền qua những lưu dân Trung Quốc vùng miếu Phước Hưng, cũng từng giúp vua Chân Lạp dựng và giữ nước.
Mọi thần tích bắt đầu từ một truyện Tiền thân: con ngựa Balaha.(38) Đây là câu chuyện 500 người lái buôn Ấn ra ngoài biển đến một hòn đảo có đám nữ nhân ăn thịt người, nhưng lại tha và chịu lấy họ. Chuyện chấm dứt ở đây nếu tình hoài hương không lôi kéo họ sống trong đau khổ nhớ nhung. Một vị Bồ tát thương tình hoá thành con ngựa trắng đem họ về đất liền. Khối tượng Neak Pean (Kampuchia, cuối thế kỉ XII – đầu thế kỉ XIII) diễn tả sự tích ấy với cảnh một nhóm người đang tranh nhau bám vào mình ngựa thần. Chi tiết truyện tích có một chút hơi hướng thần thoại Hi Lạp ở chỗ Bồ tát dặn họ không được quay đầu nhìn lại luyến tiếc vợ con, nhưng họ không kềm được nên bị rớt xuống biển hết, trừ một người sau này trở thành vua Ấn.
Một đền Bạch Mã ở Thăng Long không thể lan xa với nhiều chi nhánh chỉ vì, dù là chuyện Tiền thân, chuyện Phật, nó chỉ là một sự biến nhỏ trong trăm ngàn chuyện kì lạ của tôn giáo, không gợi nên trong đầu óc người nông dân Việt một sự đeo đẳng đặc biệt nào ngoài sự truyền đạt của giáo lí đem lại. Chỉ có đám dân chài, thương buôn phải đương đầu với biển cả, thì sự kiện thần cứu người bị nạn ngoài khơi mới là điều thiết thân để họ ghi nhớ, cầu khấn và do đó sự thờ cúng mới lan rộng. Có thể tên đền Bạch Mã đã tranh mất tên thần Long Đỗ mang tính cách Đạo Giáo, chỉ vì sự phát triển thương nghiệp trên đất Thăng Long đã mang mức độ phồn thịnh hơn trước khiến dẫn đến sự thay đổi danh xưng. Vậy thần Bạch Mã (Thái Giám) là thần của dân thương buôn qua lại trên biển. Trong lời khấn chen vào lúc tế đình ở Khánh Hoà với danh hiệu: “... lợi vật (tôn thần)”, trong lời gia tặng “Bảo An Lợi Vật” ở sắc thần 1809, cả hai đã có dáng dành cho dân thương buôn, nhưng dấu vết rõ rệt hơn nằm trên tờ sắc phong đề ngày 29 tháng 11, Tự Đức 5 (9-1-1853) cho thần một đình ở vùng Sài Gòn: “Giương Uy Ngự Vũ Bảo Chướng Kiện Thuận Hoà Nhu Hàm Quang Thượng Đẳng Thần.” “Hàm Quang” là tước phong cho thổ thần theo lệnh năm 1850, nhưng thần từ bậc trung đẳng qua gần 50 năm được thăng lên bậc thượng đẳng chính vì người ta đã nhận ra thêm tầm quan trọng của công tích: không phải chỉ “làm lợi” hay “giữ yên” chung chung mà còn là” Giương uy, chận mưa, ngăn gió chướng”. Sự tích về thần Phước Hưng (Bạc Liêu) giải thích bởi chính người Khmer, dân gốc thờ thần nơi này, chứng tỏ tính chất biển của thần: Vua Chân Lạp xưa thất lạc một con ngựa trắng rồi thấy thân cây trôi trên biển giống hình ngựa, vua cho là ngựa đã thành thần nên sai vớt lên lập miếu thờ, đặt tên là miếu Xà Bê (ngựa cây). Chuyện mình con ngựa rơi xuống biển ở Khánh Hoà cũng cùng một dạng của dấu vết biển, dấu vết mờ nhạt của truyện tích Phật. Con ngựa Balaha là tiền thân của Thích Ca theo một tích xưa, còn với một tích muộn hơn thì vị Bồ tát kia là
Avalokitesvara, Quan Âm của Phật Giáo Đại Thừa, Quan Âm Nam Hải của dân qua lại trên biển Đông thường hay kêu cầu tai qua nạn khỏi.
Một truyện tích đi theo hai ngả qua lục địa, qua đại dương với những hành trình không giản dị, có tác dụng đậm nhạt theo với những nhân vật chuyên chở sự tích, đã gặp lại trên phần nửa đất Việt ngày nay, tất phải phức tạp hơn bao giờ hết và có khi mang những hình dạng không dễ nhận ra với những tính chất không phải của lúc ban đầu nữa. Nhưng sự kiện lưu dân Trung Quốc đến ở Bạc Liêu gần đây còn tiếp tục thờ một đền ngựa-trắng-trên-biển của dân bản xứ Khmer, chứng tỏ đã có sự tương đồng căn bản trong sự thờ cúng ở địa điểm này của hai tập đoàn dân tộc trước, sau dù rằng trong hoàn cảnh văn hoá riêng, người Trung Hoa đã có một thứ Quan Âm đạo giáo hoá là Thiên Phi, Thiên Hậu mà đền miếu đã rải ra trên bờ biển Việt Nam, nơi những vùng định cư của họ.
Nhưng giữa hai dân tộc thờ thần Bạch Mã / Avalokitesvara thì dân Khmer còn giữ được bằng cớ đền tượng nhiều (có lẽ ngay từ thế kỉ VI), còn ở người Chàm thì không thấy, trừ dấu vết dân tộc học – mà lại phải đoán định gián tiếp qua người Việt thời nay. Dù sao thì dấu vết đó cũng là bù đắp cho sự hiểu biết về một dân tộc một thời vùng vẫy trên biển khơi – hơn cả dân Khmer nặng tính nội địa hơn. Như đã nói, ta có thể thấy thần Bạch Mã còn được lưu truyền đến thời gian gần đây ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận và chính từ sự nối tiếp Chàm-Việt trước sau của đối tượng thờ kính này mà ta tưởng có thể tìm ra ý nghĩa thuộc tính “thái giám” được ghép vào thần Bạch Mã cũ. Chúng tôi muốn nhắc đến truyện tích và sự thờ cúng thần ở Bình Thuận, người tuy sử sách không nói rõ tính chất chủng tộc nhưng được dân địa phương tin là một người thiểu số.
Đối chiếu các ghi chép lịch sử, khung cảnh địa lí và truyền thuyết lưu hành, ta thấy khi thần hoá một nhân vật có nơi thờ tự của vua Nguyễn ban như ông Tài Công Lan này, những người dân Việt trong vùng trong khi chấp nhận một thần linh địa phương theo lệnh vua cũng được hướng dẫn bởi nhu cầu thích ứng trong sinh hoạt, bởi (trong tiềm thức) muốn biện minh cho sự thờ cúng một nhân thần “mọi”. Sự thờ cúng này động đến tinh
thần tự tôn của người chiến thắng, chỉ có thể xoá bỏ hay che lấp đi bằng hình ảnh một vị thần đích thực của quá khứ lâu đời tại địa phương vượt lên trên hàng rào ngăn cách chủng tộc. Sự lắp ghép này khiến cho nét thần linh cũ nổi bật hơn nhân vật lịch sử và do đó, ta nắm bắt dược hình tượng đích thực về thần trong đầu óc người dân. Trong trường hợp này thì chữ “hình tượng” có thêm phần bằng cớ vật chất cụ thể: Chúng tôi đã đến thăm mả của ông tướng/thần này (1971) và thấy trước nấm mộ, trên nền vôi có tượng phẳng mặt – bị gãy vỡ, có phần đã rời ra – nhưng rõ rệt là đầy đủ hình của một con ngựa quét vôi trắng. Và theo chúng tôi, chi tiết này là quan trọng: Con ngựa không có cái chỉ cái giống.
Tượng thần có dấu chỉ giống thường không ít, nhưng sự hổ thẹn thông thường đã khiến cho người ta biểu lộ tính nam nữ trên tượng bằng những phụ tính khác, hay bỏ hẳn đi không quan tâm tới bằng một luận cứ của lí thuyết, ví dụ ở đạo Phật là Phật không có giới tính (trừ Quan Âm là trường hợp phát sinh muộn như ta đã thấy – mà ở đây thì giới tính cũng chỉ ở dáng vẻ bên ngoài). Quan niệm Phật Giáo về chuyển kiếp luân hồi vẫn đặt vấn đề cấp bực – điều đó thật thường tình – nên khi người ta không thắc mắc về ông Phật trong chùa sao không có... thì trái lại vẫn phải lưu ý đối với con ngựa không giống. Nói cách khác, danh xưng Bạch Mã Thái Giám là từ hình tượng con ngựa trung tính mà ra. Ở Bình Thuận, con ngựa cưỡi của một nhân vật lịch sử là yếu tố mượn để ông thần xâm nhập vào đền, khiến thế nhân gọi người cùng lúc với tên thần. Ở các nơi khác không có một nhân vật lịch sử để thần dựa vào, thần thuần tuý là Bạch Mã Thái Giám, hẳn là theo cách gọi của những người đầu tiên thấy một tượng đài theo một cách thức xấu đẹp nào đó, có hình con ngựa trung tính.
Với thời gian thì thì tính cách biển của người Chàm không còn nữa, vương quốc Khmer vốn mang tính cách nội địa càng nội địa hơn khi người Việt chiếm các vùng cửa sông Đồng Nai, Cửu Long nên thần Bạch Mã không còn gì là dấu vết thần biển (ngoài những rơi rớt văn từ trong tế lễ), và biến dạng đi hoặc thành những hình thức phối hợp, hoặc bị thay thế hẳn. Thuộc tính “thái giám” gán ghép bởi người Việt, quen thuộc với người Việt (qua cách nhìn hệ thống cung đình) ở vùng Đàng Trong cũ, có lúc nổi bật lên như trường hợp ở Quảng Ngãi, nhưng có lúc lại mất đi, dạng hình thần chỉ còn giữ lại ở tên núi (Bạch Mã, phía nam Huế). Con ngựa trắng lại lẫn lộn vào trong một đề tài huyền thoại khác: Con ngựa thiêng với chủ tướng bị chết, rời khỏi chiến trường về một nơi tốt đẹp đã định – vai trò của ngựa và người thay đổi nổi bật trong câu chuyện tuỳ theo ảnh hưởng địa phương và chủ thể dựng cốt truyện tác động đến.
Tướng Tài Công Lan của truyện tích Việt Bình Thuận bị tên, cưỡi ngựa chạy về quê cũ, ở đây, người nổi hơn ngựa, nhưng trên hình tượng thờ cúng và trong đầu óc người dân thì ngựa nổi hơn người. Vị thần Cathun của dân Chàm Bình Thuận còn được cầu khấn vào đầu thế kỉ này, không có kết quả thảm thương của ông tướng Việt nhưng trong lúc ung dung cưỡi ngựa với roi đỏ, lục lạc reo thì sẵn sàng quay đầu, hướng ngựa về phía có tiếng bà bóng gọi để hưởng lễ cúng (rượu, trứng gà). Đó là điều gặp gỡ quan niệm phong thuỷ, thần linh Việt khi người ta nói về sự hưởng “huyết thực” hoặc ở quê nhà hoặc ở một nơi Trời định như ta gặp trong các thần tích muộn.
VĐULT vào thế kỉ XV (Nguyễn Văn Chất) không có thần Đoàn Thượng, thế rồi có lẽ những vấn đề trung quân đặt ra với các biến động của nhà Lê sống vất vưởng cùng với sự phồn thịnh của tin tưởng phong thuỷ, khiến tạo thành câu chuyện (gọi là) ông trung thần của nhà Lí đánh nhau bị đứt đầu, cưỡi ngựa chạy đến một nơi được thần nhân chỉ định mới ngã ra chết. Thần tích như thế hẳn đã phổ biến trong nửa sau thế kỉ XVIII, được Phạm Đình Hổ ghi lại mà câu chuyện đã thành cố định nếu so với các trang viết về Đoàn Thượng của đạo nhân quán Tam Thanh vào năm 1919.(40) Các nhà sưu tập ĐNNTC lại thấy ở tỉnh Thanh Hoá cũng có một ông thần “Đoàn Thượng” như thế, ông thần mượn cái tên của nhân vật lịch sử Lê Cốc/Ngọc ở thế kỉ VIII, làm con ông này, chứng tỏ đây là
thần tích Đoàn Thượng ngoài dấu vết lịch sử còn bao quát cả một đề tài tín ngưỡng, có thể nói từ phương Nam ra theo với sự giao tiếp và phá vỡ phân tranh trong thế kỉ XVIII. Thần Bạch Mã đi ra, gặp đâu hay đấy, đã nhập vào con ông Lê Cốc, lại vào Đoàn
Thượng, lấy xác thân của hai nhân vật lịch sử xác định nên không thể trộn làm một, đành phải giữ cái thế chia hai đến ngày nay.
Đề tài đó được nối kết ở câu chuyện ông Giám sát Tư mã (không tên riêng) ở Quảng Trị.(41) Lại cũng vẫn một ông Đoàn Thượng, cũng một vị tướng, nhưng chức phận của thần làm nổi lên một con ngựa (Tư mã) và, tuy khó khăn nhưng cũng gợi đến một ông quan hoạn (Giám sát). Thôn Như Lệ (thờ ông thần ấy) đã có tên trong ÔChâu cận lục,
nhưng sách này không nói rõ rệt đến tên ông thần, chứng tỏ truyện về thần cũng mới xuất hiện về sau và vì nằm giữa hai kinh đô văn vật nên có tính chất quân quyền nghiêm túc hơn, không làm nổi lên danh xưng Bạch Mã Thái Giám như ông thần Bình Thuận.
Thần Bạch Mã Xà Bê của Khmer sau khi hết vai trò cứu nước giúp vua của thời kì Chân Lạp, cũng thay hình đổi dạng theo với đám lưu dân Trung Hoa đã quên quá khứ đe doạ của biển, nên tìm cách giải thích tính chất ông thần đang thờ cho hợp với khung cảnh mới: Miếu Phước Hưng trở thành miếu Ông Bổn, thờ thành hoàng bổn cảnh. Rồi cũng như các tộc đoàn lưu vong khác, sự tự kiêu đã khiến cho các lưu dân Trung Quốc không dừng lại ở một ông thần bổn cảnh chung chung mà lại gán ghép thần với một danh nhân của họ – điều này cũng hợp với quan niệm thần linh là nhân thần. Minh dân lưu vong nhớ đến thành tích to lớn của một vị thái giám đã nhiều lần đưa chiến thuyền xuống phương Nam, qua Ấn Độ Dương rồi trở về, nên thờ cụ thể ông Bổn là Thái giám Trịnh Hoà. Vì thế, thần Bạch Mã, Thành hoàng, Thái giám chen chúc trong các chùa Ông Bổn, ở đó