Lựa chọn ngành nghề đào tạo thật sự rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nếu lựa chọn ngành nghề đào tạo một cách ồ ạt không những làm tốn kém tiền của của Nhà nước, của người học nghề mà còn làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của họ hạn chế. Không những thế, ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ dẫn đến tình trạng người lao động được đào tạo ra nhưng lại không tìm được việc làm. Qua tìm hiểu trên địa bàn huyện Vũ Thư, số lượng ngành nghề đào tạo trên địa bàn được thể hiện trong bảng 2.2.2:
Bảng 2.2.2: Số lượng ngành nghề đào tạo lao động nông thôn huyện Vũ Thư (2009 - 2014)
Cơ sở đào tạo Ngành nghề đào tạo
1. Trung tâm dạy nghề huyện Vũ Thư
1. May công nghiệp 2. Tin học 3. Hàn điện 4. Điện dân dụng 5. Thêu ren 6. Chăn nuôi thú y 7. Sinh vật cảnh
8. SC,Vận hành và bảo dưỡng máy nông nghiệp 2. Các lớp học tại cộng
đồng
1. Chuyển giao KHKT - CN 2. Truyền nghề
(Nguồn: Phòng LĐ- TB&XH huyện Vũ Thư) [9]
Tuy trung tâm dạy nghề mới được thành lập nhưng bằng sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm, trong 5 năm 2009 - 2014 trung tâm cũng đã tiến hành mở được lớp đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu học nghề của người LĐNT huyện. Các lớp đào tạo cho LĐNT ở trung tâm đều là các lớp đào tạo ngắn hạn với thời gian học 1 - 3 tháng. Trong 5 năm 2009 - 2014 tổng số lớp mà trung tâm đã mở là 50 lớp và chủ yếu là đào tạo các ngành may công nghiệp, thêu ren xuất khẩu, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp… Do điều kiện khách quan của trung tâm dạy nghề huyện nên hiện nay các ngành khác vẫn đang trong quá trình xây dựng môđun học, mở rộng các hình thức đào tạo nghề và trung tâm cũng đang tiến hành mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho học tập, phấn đấu trong thời gian sớm nhất sẽ mở được các lớp đào tạo nghề còn lại phục vụ nhu cầu học nghề của LĐNT huyện.
Đối với lớp chuyển giao KHKT cho người nông dân là nơi học viên có thể trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn qua đó rút ra bài học cho bản thân và thông qua đó các học viên có thể tiếp thu các kiến thức tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện Vũ Thư năm 2009 tổ chức được 323 lớp chuyển giao ngay tại 30 xã, thị trấn, mỗi xã, thị trấn trung bình là 17 lớp/năm. Với sự phát triển qua các năm thì đến năm 2014 tổng số lớp chuyển giao trên toàn huyện đã tăng lên 361 lớp. Với những kết quả trên, huyện đã góp vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của cả nước, đặc biệt góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tiêu chí “Xây dựng nông thôn mới”. Cũng nhờ đó, chất lượng của bộ phận LĐNT cũng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Sản xuất nông nghiệp mang tính chất thời vụ, do đó những lúc nông nhàn những lao động tham gia sản xuất nông nghiệp muốn tìm kiếm thêm việc làm nhằm làm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Từ tình hình trên các lớp truyền nghề ở các làng nghề đã được hình thành và thu hút người lao động. Các lớp truyền nghề ngoài việc đáp ứng nhu cầu LĐNT còn giúp cho các nghề truyền thống không bị mai một, và đặc biệt giúp cho bộ phận lao động có việc làm tại chỗ để tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho họ. Hiện nay, Vũ Thư có 04 làng nghề truyền thống và 30 làng có nghề với những ngành nghề sản xuất hàng hóa được đánh giá cao về chất lượng như: nghề thêu,gò hàn, mộc… Tuy nhiên có một thực trạng đang diễn là các lớp truyền nghề đang ngày càng ít đi trên địa bàn huyện, cụ thể năm 2009 có 37 lớp được mở nhưng đến năm 2014 còn 25 lớp. Nguyên nhân của vấn đề trên được xem xét đến từ 2 phía. Thứ nhất, đó là do công tác truyền nghề tại các làng nghề còn nhiều bất cập, chưa có nơi học với đầy đủ trang thiết bị phương tiện dạy và học, người dạy cũng là các nghệ nhân hay các thợ có tay nghề giỏi nhưng phương pháp giảng dạy chưa tạo hứng thú, lôi cuốn được người. Thứ hai, do xã hội ngày càng phát triển dẫn đến
xuất hiện các ngành nghề mới với thu nhập cao hơn nên đã thu hút một lượng lớn lao động theo các ngành nghề đó nên lao động không gắn bó với làng nghề ngay kể cả các lao động đã có tay nghề cũng bỏ nghề chuyển sang các nghề khác cho thu nhập cao hơn. Nhưng mỗi năm vẫn có trên 20 lớp truyền nghề được mở điều đó cho thấy, ngoài một bộ phận lao động muốn tìm việc ở những ngành nghề khác thì vẫn còn một bộ phận yêu và muốn học nghề truyền thống. Đây chính là lực lượng duy trì và phát triển các nghề truyền thống sau này.
Như vậy, với những ngành nghề được mở và với quy mô đào tạo và đầu tư khá lớn qua mỗi năm LĐNT ngày càng có thêm nhiều cơ hội học tập và tìm việc làm sau đào tạo nhằm cải thiện cuộc sống của mình với mức thu nhập cao và ổn định.