Động thái ra lá của các giống tham gia thí nghiệm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của một số giống cao lương ngọt triển vọng trong điều kiện vụ xuân năm 2013 tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Trang 39)

Cây cao lương tăng trưởng chiều cao bằng cách ra lá (lá mọc ra từ đốt thân) để tăng số lóng trên thân.

Lá là một bộ phận quan trọng giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động sống của cây trồng nói chung và cây cao lương nói riêng. Tại đây diễn ra các hoạt động sinh lý: quang hợp, hô hấp, trao đổi nước, vận chuyển các chất hữu cơ để nuôi dưỡng các bộ phận trong cây. Các kết quả nghiên cứu cho thấy trên 90% vật chất khô của cây là sản phẩm của quá trình quang hợp. Từ đó cho thấy bộ lá của cây là vô cùng cần thiết tới năng suất của cây cao lương.

Vì vậy số lá trên cây, thời gian tồn tại của bộ lá và hiệu suất quang hợp có vai trò quyết định đến sinh khối và năng suất của cây. Bộ lá càng phát triển thì năng suất càng cao. Số lá trên cây phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng của mỗi giống. Việc nghiên cứu, theo dõi chỉ tiêu số lá trên cây giúp ta có thể bố trí mật độ và khoảng cách trồng, chăm sóc hợp lý tạo điều kiện cho bộ lá phát triển và kéo dài tuổi thọ của lá.

Số lá trên thân chính có thể nhiều hay ít khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng giống.

Bảng 4.4: Động thái ra lá của các giống cao lương ngọt thí nghiệm vụ Xuân năm 2013 ở Vĩnh Phúc

Đơn vị: lá

Giống số Thời gian sau gieo đến… ngày

30 60 90 120 3 5,4 13,4 21,8 21,8 8 5,2 13,5 21,5 21,5 13 5,3 13,8 23,0 23,0 14 5,0 13,5 22,0 22,0 15 5,3 13,8 23,0 23,0

Qua bảng số liệu ta thấy, số lá của các giống cao lương thí nghiệm rất ít biến động qua các giai đoạn, cụ thể như sau:

Ở thời điểm sau gieo 30 ngày số lá trên cây của các giống trong thí nghiệm biến động trong khoảng 5,0 - 5,4 lá/cây. Trong đó, giống 3 có số lá trên thân cao nhất 5,4 lá/cây. Tiếp đến là giống 13, 15 đạt 5,3 lá/cây, tiếp đến là giống 8 có 5,2 lá/cây và thấp nhất là giống 14 chỉ đạt 5,0 lá/cây.

Thời điểm sau gieo 60 ngày, số lá trên cây của các giống thí nghiệm dao động từ 13,4 - 13,8 lá/cây. Trong đó, các giống có số lá lớn nhất trên cây

là 13, 15 (13,8 lá/cây). Giống có số lá trên cây thấp nhất là 3 (13,4 lá/cây). Các giống 8, 14 có số lá tương đương nhau 13,5 lá/cây.

Sau gieo 90 ngày, phần lớn các giống trong thí nghiệm đã trỗ bông, do vậy số lá ổn định với số lá biến động từ 21,5 - 23,0 lá/cây. Trong đó, các giống 13, 15 có số lá trên cây cao nhất, tương đương nhau (23,0 lá/cây). Giống 8 có số lá trên cây thấp nhất (21,5 lá/cây). Giống 3 có 21,8 lá/cây, giống 14 có 22,0 lá/cây.

Thời điểm sau gieo 120 ngày, tất cả các giống đều đạt số lá cuối cùng. Trong đó, giống 13, 15 có số lá trên cây cao nhất đạt 23,0 lá/cây, và thấp nhất là giống 8 21,5 lá/cây.

Qua Bảng 4.4 ta thấy, tốc độ ra lá của các giống cao lương ngọt khác nhau trong thí nghiệm là khác nhau có ý nghĩa. Số lá của các giống cao lương tăng nhanh và đáng kể trong thời gian đầu thí nghiệm (từ 0 - 60 ngày tuổi). Giống với sự tăng trưởng chiều cao là mạnh nhất vào giai đoạn 30 - 60 ngày tuổi. Như vậy, thời gian từ 0 - 30 ngày tuổi, các giống cao lương tăng trưởng chiều cao chủ yếu bằng việc tăng số lượng đốt trên thân, tốc độ tăng trưởng chiều cao cây không tương ứng với tốc độ ra lá (tạo đốt mới). Trong năm giống cao lương thí nghiệm thì giống 13, 15 có số lá đạt cao nhất 23,0 lá, các giống còn lại đạt 21,5 – 22,0 lá.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của một số giống cao lương ngọt triển vọng trong điều kiện vụ xuân năm 2013 tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Trang 39)