III. Một số khác biệt khác
3. Khác biệt về quyền của cổ đông
Theo Bộ luật Thương mại của Nhật Bản quyền kiểm soát tối hậu là của các cổ đông, họ thực thi quyền lực qua các phiên họp Đại hội đồng. Về một số phương diện, luật Nhật Bản đem lại cho các cổ đông của một công ty nhiều quyền lực về mặt thực chất, nhất là các cổ đông thiểu số. Cổ đông thiểu số là các cổ đông cá nhân, họ nắm giữ trong tay một số lượng rất ít cổ phiếu, sự ảnh hưởng của họ đối với công ty cổ phần là rất nhỏ. Tuy vậy, luật pháp Nhật Bản cũng đã rất chú ý bảo vệ quyền lợi cho họ.
Cổ đông kiểm soát ít ra là 3% vốn của công ty có thể yêu cầu toà án buộc một Giám đốc phạm sai lầm phải từ chức (Điều 257). Cần phải có đa số hơn 2/3 số cổ đông được đại diện ở một phiên họp Đại hội đồng để thông qua những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến công ty, như là sửa đổi Điều lệ thành lập hội (Điều 343), thay đổi hoặc chuyển nhượng công việc kinh doanh của công ty hoặc một phần quan trọng của kinh doanh, hoặc thu nhận công việc kinh doanh của một công ty khác (Điều 408). Những điều khoản này có nghĩa là những cổ đông kiểm soát 1/3 cổ phần của một công ty (trong thực tế
Dương Thị Mến-A14-K41-ĐHNT. 67
còn ít hơn thế), có những quyền lực quan trọng để phủ quyết hành động của Ban giám đốc.
Hơn nữa, quyền lợi của các cổ đông trong công cuộc kinh doanh không những được các Giám đốc bảo vệ mà còn được một tầng lớp quan chức bảo vệ; đó là các Kiểm soát viên do luật pháp quy định. Mỗi công ty phải có ít nhất một Kiểm soát viên do luật pháp quy định, do Đại hội đồng bầu ra.
Mặc dù có những điều khoản pháp lý đó, cá nhân cổ đông bình thường Nhật Bản nếu mua vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn cổ phần của một công ty, nhưng không có quan hệ gì khác với nó, có rất ít ảnh hưởng đối với công việc của công ty. Một mặt, các Giám đốc mà những cổ đông được xem như là đã bầu ra ít khi quan tâm đến quyền lợi khá hạn chế của các cổ đông bình thường trong công ty. Mặt khác, những cổ đông nhỏ vốn chẳng ai biết đến và luôn luôn thay đổi thường bị lu mờ trước các cổ đông lớn-đó là các ngân hàng và bạn hàng kinh doanh của công ty, mà lợi ích của họ trong công ty chủ yếu không phải là lợi ích của cổ đông mà là lợi ích của những người cùng cộng tác kinh doanh. Cho nên, mặc dầu có các khoản của luật pháp, trong thực tiễn, các Giám đốc và ban quản trị bên trên của các công ty Nhật Bản có quyền tự do hành động rất lớn miễn là họ giữ được sự tán thành của các công ty và ngân hàng lớn đồng minh nắm giữ cổ phần của công ty. Các cổ đông nhỏ có rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì đối với việc quản trị công ty cổ phần. Vậy thì về một phương diện nào đó, hoàn toàn đúng là các cổ đông nhỏ ít có quyền ăn nói trong công việc của một công ty hơn các nhân viên.
Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2005 vẫn tiếp tục duy trì cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số. Cổ đông thiểu số được chú ý bảo vệ thông qua các công cụ như : quyền kiến nghị triệu tập hoặc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông (Điều 97 và khoản 2 Điều 79); Đại hội đồng cổ đông được triệu tập lần thứ 3 đương nhiên có hiệu lực pháp lý, bất kể số cổ đông đến dự họp (Điều 102); quyền ưu tiên mua cổ phần mới phát hành (Điều79); quyền yêu cầu
Dương Thị Mến-A14-K41-ĐHNT. 68
công ty mua lại cổ phần (Điều 90); quyền thỏa thuận và thống nhất về điều kiện họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, cũng như về cơ chế và cách thức ra quyết định của các cơ quan nói trên. Thêm nữa, luật cũng quy định các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng các cổ đông đa số có thể lạm dụng vị thế và quyền hạn của mình để thu vén cho cá nhân, gia đình, làm phương hại đến lợi ích của cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp năm 2005 bắt buộc phải công khai hoá các mối quan hệ của những người quản lý công ty với những người khác có quan hệ với công ty (có vợ hoặc chồng, cha, mẹ, cha nuôi, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột là thành viên hoặc là cổ đông đa số ở các công ty khác). Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng buộc phải công khai hoá các giao dịch tư lợi (giao dịch khả nghi) vì đây là những giao dịch mà những người quyết định thực hiện chúng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho công ty nói chung và các cổ đông thiểu số nói riêng. Để bảo vệ cổ đông thiểu số, Luật Doanh nghiệp năm 2005 bắt buộc các giao dịch này phải được đem ra xem xét trước khi thực hiện (Điều 120). Tuy đã tạo được cơ chế bình đẳng hơn giữa các cổ đông nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông thiểu số nhưng những quy định trên của Luật Doanh nghiệp còn mang tính khái quát.