Cốt truyện là một chuỗi các sự việc có mối liên hệ chặt chẽ (thường là quan hệ nhân – quả) với nhau. Các đoạn văn kể chuyện sẽ hiện thực hóa các tình tiết, các sự việc của cốt truyện, khiến chúng trở nên “có da có thịt” và trở thành một câu chuyện cụ thể. Trong quá trình tạo dựng các đoạn văn kể chuyện, không thể thiếu thao tác liên kết đoạn văn kể chuyện. Đó là thao tác sắp xếp các sự việc vào hệ thống và dùng các phương tiện liên kết để gắn chúng lại với nhau thành chỉnh thể chặt chẽ, thống nhất.
Nhờ có ngôn ngữ người kể mà hình thành truyện. Người kể dùng ngôn ngữ để thể hiện sự việc, con người. Người kể cũng dùng từ ngữ để liên kết các sự việc với nhau. Tuy nhiên, với học sinh nhỏ như HS Tiểu học, để có thể liên
kết các đoạn văn một cách hợp lí, thuần thục thì không phải là điều dễ dàng. GV cần bồi dưỡng kĩ năng này cho trẻ. Các giờ chính khóa không có nội dung này ở lớp 4, GV có thể rèn luyện cho các em thông qua các giờ Hướng dẫn học, giờ Tăng cường Tiếng Việt (buổi 2).
Để nâng cao khả năng tư duy logic và khả năng liên kết văn bản cho học sinh, tôi mạnh dạn đề xuất một hệ thống các bài tập với các dạng bài như sau:
2.2.2.1 Bài tập nhận diện từ ngữ liên kết : a) Dùng từ ngữ chỉ thời gian :
Bài tập: Hãy đọc các trích đoạn sau:
a. “…Tên địa chủ tức giận, nhốt em vào chuồng ngựa, không cho ăn uống gì”.
Ba hôm sau, giữa đêm tuyết xuống nhiều, nhìn ra sân thấy tuyết phủ trắng xóa, tên địa chủ nghĩ thầm: “Tên Mã Lương không chết đói thì cũng chết rét, ta hãy đến chuồng ngựa xem sao!”
(Cây bút thần)
b. “…Để đổi vị, đổi kiểu, cũng thứ gạo nếp ấy, chàng đồ lên giã nhuyễn, nặn hình tròn.
Đến ngày lễ Tiên vương, các lang mang sơn hào, hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì…”
(Bánh chưng bánh dày)
c. “…Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Hôm sau, tờ mờ sáng, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến rước Mị Nương về núi…”
(Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)
Câu hỏi: Trong các trích đoạn nêu trên, người kể đã dùng những từ ngữ nào làm từ liên kết ?
Gợi ý trả lời:
a. “Ba hôm sau” b. “Đến ngày” c. “Hôm sau”
Đây là những từ ngữ chỉ thời điểm.
Học sinh ghi nhớ: Để liên kết các đoạn văn tự sự ta có thể dùng những từ ngữ chỉ thời gian: đến ngày, hôm sau, sáng hôm sau, một năm sau …
b) Dùng từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái :
Bài tập: Hãy đọc các trích đoạn sau:
a. “…Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.
Tỉnh dậy, Lang Liêu mừng thầm. Càng ngẫm nghĩ chàng thấy lời thần núi đúng…”
b. “…Vua cha ngẫm nghĩ rất lâu rồi chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời , Đất cùng Tiên vương. Lễ xong, vua cha cho đem ra ăn cùng với quần thần. Ai cũng tấm tắc khen…”
(Bánh chưng, bánh dày)
c. “…Ta không đòi hỏi gì cả, ta cũng chẳng cần gì.
Về nhà, ông lão đem câu chuyện kể cho vợ nghe, mụ vợ mắng:
- Đồ ngốc ! Sao lại không bắt con cá đền cái gì ? Đòi một cái máng cho lợn ăn không được à ? Cái máng nhà này đã gần vỡ rồi!…”
(Ông lão đánh cá và con cá vàng)
Câu hỏi: Trong các đoạn trích trên từ ngữ nào được dùng để liên kết ? Nó có ý nghĩa chung như thế nào ?
Học sinh cần chỉ ra được : Các từ ngữ dùng để liên kết: a. “Tỉnh dậy”
b. “Lễ xong” c. “Về nhà”
Nó có ý nghĩa chung là chỉ hoạt động, trạng thái.
Để liên kết các đoạn văn, ta có thể dùng những từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái như: tỉnh dậy, lớn lên, về đến nhà, lễ xong, nói xong, làm xong…
c) Dùng các từ chuyển tiếp :
Bài tập: Hãy đọc các trích đoạn sau:
a. “…Lang Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên vương chứng giám.
Từ đấy, nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi và có tục ngày tết làm bánh chưng, bánh giầy. Thiếu bánh chưng, bánh giầy là thiếu hẳn hương vị ngày Tết.”
(Bánh chưng, bánh dày)
b. “…Đồ ngu! Đòi một cái máng lợn thật à? Một cái máng lợn thì thấm vào đâu. Đi tìm lại con cá và đòi lại một cái nhà rộng.
Thế là ông lão lại đi ra biển. Biển xanh nổi sóng. Ông lão gọi con cá vàng…”
(Ông lão đánh cá và con cá vàng)
c. “…Quả nhiên con kiến càng đó xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.
Liền đó, vua phong cho em bé làm trạng nguyên. Vua lại sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở, để tiện hỏi han.”
(Em bé thông minh)
Câu hỏi: Trong các trích đoạn trên, những từ ngữ nào được dùng để liên kết? Học sinh cần chỉ ra được:
Các từ ngữ được dùng để liên kết: a. “Từ đấy”
b. “Thế là” c. “Liền đó”
Như vậy, để liên kết các đoạn văn người ta có thể dùng các từ liên kết như: từ đấy, từ đó, thế là, liền đó, sau đó…
2.2.2.2 Bài tập vận dụng từ ngữ liên kết : a) Điền từ liên kết phù hợp :
Bài tập: Hãy điền từ ngữ liên kết phù hợp vào chỗ trống để nối kết các đoạn trong các phần trích sau:
a. Ngày xưa, Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em gần bằng tuổi nhaụ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Cha mẹ Tấm đã mất, Tấm ở với dì ghẻ và Cám. Ngày qua ngày, Tấm phải làm lụng luôn tay, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo, đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.
… người dì ghẻ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng bắt tôm tép. Mụ hứa hẹn hễ ai bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ.
(Tấm Cám)
b. Ngày xưa có một anh trai nhà nghèo hiền lành khoẻ mạnh đi ở đợ cho một lão nhà giàu. Anh trai cày bừa, làm lụng rất chăm chỉ, lại thạo việc đồng áng nên lão nhà giàu muốn anh làm lợi thật nhiều cho lão. Một hôm, lão gọi anh đến và ngon ngọt dỗ dành, nếu anh chịu khó thức khuya dậy sớm làm lụng thì ba năm sau hắn sẽ gả con gái cho.
Anh trai cày sung sướng trong lòng và cứ đinh ninh rằng lão nhà giàu nói thật. Thế là chẳng quản đầu hôm sớm mai, anh cứ hùng hục như trâu cày làm giàu cho lão. Ba năm sau, nhờ công sức của anh, lão chủ có thêm được nhà ngói, sân gạch, lại tậu thêm được ruộng vườn.
… lão nhà giàu chẳng giữ lời hứa năm xưa. Lão ngấm ngầm nhận lời gả con gái mình cho con trai của một phú hộ trong vùng.
c. Vua truyền lệnh hạ ngục mẹ con Lý Thông, và giao cho Thạch Sanh được toàn quyền xử định. Thạch Sanh thương tình cho hai mẹ con Lý Thông trở về làng, nhưng dọc đường hai mẹ con gặp trận mưa giông và cả hai đều bị sét đánh chết.
… vua cho Thạch Sanh kết hôn cùng công chúa. Tin ấy truyền đi, thái tử mười tám nước chư hầu trước đã ôm hận vì bị công chúa cự tuyệt, nay vua gả cho một kẻ nghèo khó, liền cất binh mã đến hỏi tội.
(Thạch Sanh)
Học sinh cần điền các từ ngữ phù hợp : a. “Một hôm / Một lần / Một ngày kia,...” b. “Nhưng / Tuy nhiên / Song,...”
c. “Sau đó / Kế đó / Liền đó,...”
b) Viết tiếp đoạn văn thứ 2 :
Bài tập: Hãy viết tiếp đoạn văn thứ 2 sao cho phù hợp với đoạn trước đó trong các trường hợp sau :
a. Ngày xưa ở quận Cao Bình có vợ chồng bác tiều phu tuổi đã cao mà không có con. Vợ chồng ngày đêm lo buồn, càng ra sức làm việc nghĩa, như khơi cống, đào mương, đắp đường, vét giếng, cùng lo nấu nước giúp cho người qua đường uống, để mong trời trông lại mà cho một mụn con. Quả nhiên, về sau người vợ sinh hạ một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh. Sau đó mấy năm, cha mẹ mất, Thạch Sanh sống côi cút trong một túp lều dưới gốc đa, chỉ có một cái khố che thân và một cái búa đốn củi. Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên xuống dạy chàng đủ các môn võ nghệ, mọi phép thần thông.
Một hôm, có anh hàng rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đó ghé lại nghỉ chân. …
b. Ngày xửa, ngày xưa, giữa mùa đông giá rét, tuyết rơi trắng như bông có một bà hoàng hậu ngồi khâu bên cửa sổ khung gỗ mun, bà mải nhìn tuyết nên kim đâm phải tay, ba giọt máu rơi xuống tuyết. Thấy máu đỏ pha lẫn tuyết trắng thành một màu tuyệt đẹp, bà nghĩ bụng: "Ước gì ta đẻ được một người con gái, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ khung cửa này".
Sau đó ít lâu, bà đẻ một cô gái trắng da như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như mun….
c. Xưa có một bác nông dân nghèo. Buổi tối, bác thường ngồi bên bếp lửa, nói với bác gái đang xe chỉ:
- Vợ chồng mình hiếm hoi thật là buồn. Nhà mình tẻ ngắt, còn các nhà láng giềng thì thật là vui vẻ nhộn nhịp.
Bác gái thở dài đáp:
- Giá như được một đứa con dù bé bằng ngón tay cái, tôi cũng thỏa lòng, chắc vợ chồng mình sẽ yêu quí nó lắm nhỉ.
Được ít lâu, người vợ thụ thai. …
Học sinh có thể dựa vào các văn bản cổ tích quen thuộc để kể tiếp tục câu chuyện, tạo nên sự nối kết cho các đoạn văn.