Nâng cao vốn sống cho học sinh

Một phần của tài liệu Dạy - học đoạn văn trong bài văn kể chuyện ở trường tiểu học (Trang 49)

Vốn sống là tổng thể nói chung những tri thức, kinh nghiệm tích lũy được về cuộc sống của một người. Nếu có vốn sống phong phú, người ta có thể giải quyết những vấn đề gặp phải một cách dễ dàng và thấu đáo. Tuy nhiên, vốn sống không thể có được một cách tự nhiên, dễ dàng mà phải trải qua quá trình sống lâu dài. Con người có thể thu lượm những kinh nghiệm và tri thức thông qua sự trải nghiệm của bản thân, cũng như qua sách vở, qua sự khuyên bảo, truyền dạy của những người đi trước,v.v. Đối với học sinh Tiểu học, tuổi đời của các em còn quá nhỏ, sự trải nghiệm cuộc sống còn quá ít, hầu như các em chưa từng phải trải qua những va vấp, bởi vậy, việc các em có vốn sống ít ỏi cũng là điều dễ hiểu. Nhà trường chính là một nơi để giúp các em làm giàu vốn tri thức và hiểu biết về cuộc sống.

Việc nâng cao vốn sống sẽ giúp các em học tất cả các môn trong nhà trường, trong đó có Tiếng Việt, nhất là TLV. Chương trình TLV tiểu học có hai kiểu bài chủ yếu là tả (tả con vật, đồ vật, tả người, tả cây cối, tả cảnh) và kể chuyện. Có vốn sống thực tế, các em học sinh mới có thể miêu tả chân thực một đối tượng, kể một cách hợp lí câu chuyện đã chứng kiến hoặc đã tham gia,… Có những câu chuyện cười ra nước mắt về những bài tập làm văn của các em học sinh tiểu học, chẳng hạn như tả cây chuối có thân to như thân cây na, lá to như cái lá bàng, hay làng em có một cây tên là cây cổ thụ,… Những câu văn ngô nghê, ngớ ngẩn ấy sẽ không xuất hiện nếu học sinh có vốn sống dày dặn hơn.

Dạng bài TLV về đoạn văn trong bài văn kể chuyện cũng rất cần tri thức, kinh nghiệm của các em. Các em sẽ xây dựng những đoạn văn dựa trên một cốt truyện với một chủ đề nhất định. Đó là chuỗi các sự việc, có thể là việc làm, lời nói, cách ứng xử của nhân vật. Tất cả gắn với đời sống thường ngày của con người. Nếu tri thức, vốn sống, vốn từ của các em phong phú thì việc tưởng tượng xây dựng đoạn văn sẽ thuận tiện, dễ dàng, không bị sáo rỗng, không xa rời với thực tế hàng ngày. Do đó để dạy – học đoạn văn trong văn kể chuyện có hiệu quả phải tạo điều kiện để nâng cao vốn sống cho HS.

Chẳng hạn, ở bài tập Luyện tập trong giờ học về Đoạn văn trong bài văn kể chuyện (tuần 5) có ba đoạn văn nói về một em bé vừa hiếu thảo vừa trung thực. Em lo thiếu tiền mua thuốc cho mẹ nhưng thật thà trả lại đồ của người khác đánh rơi. Đoạn 1 và 2 đã hoàn chỉnh, còn đoạn 3 mới chỉ có phần mở đầu và phần kết thúc. Các em học sinh phải viết bổ sung phần thân đoạn còn thiếu để hoàn chỉnh đoạn 3. Phần mở đoạn như sau : “Vừa đi, cô bé hiếu thảo vừa lo mấy đồng bạc mang theo sẽ không đủ trả tiền thuốc cho mẹ. Bỗng cô thấy bên đường có vật gì như chiếc tay nải ai bỏ quên”. HS sẽ phải tưởng tượng những suy nghĩ, hành động, lời nói của em bé, tức là đặt mình trong

hoàn cảnh ấy. Tuy trong thực tế, có rất ít em nhỏ đã từng ở trong trường hợp nhặt được của rơi, lại càng ít (đến mức hầu như không có) chuyện trẻ gặp phải hoàn cảnh như em bé trong câu chuyện.

Hay như ở bài học về Luyện tập xây dựng đoạn văn kể chuyện (tuần 6), dựa vào tranh và những lời gợi ý sơ lược về cốt truyện dưới mỗi tranh, HS phải kể lại mỗi tranh thành một đoạn truyện, dựa trên những gợi ý :

a) Hình dung đầy đủ diễn biến trong mỗi đoạn: - Nhân vật làm gì ?

- Nhân vật nói gì ? b) Miêu tả :

- Ngoại hình của các nhân vật. - Lưỡi rìu vàng, rìu bạc, rìu sắt.

Các em có thể dựa vào tranh minh họa để miêu tả ngoại hình của các nhân vật (chàng tiều phu khỏe mạnh ở trần, quấn khăn mỏ rìu, cụ già râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền từ,…) hay miêu tả các lưỡi rìu (lưỡi rìu vàng sáng lóa mắt, lưỡi rìu bạc lấp lánh, lưỡi rìu sắt cũ kĩ,…). Song để có thể tưởng tượng được lời nói của cụ già hay chàng tiều phu sao cho phù hợp, các em cần có những hiểu biết nhất định về cách nói năng, xưng hô của người già với người trẻ và ngược lại,...

Có nhiều hình thức để nâng cao vốn sống cho HS. GV có thể chủ động tổ chức cho HS học tiết học với không gian mở, các tiết học ngoài trời; tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử, các phong cảnh thiên nhiên ở các vùng lân cận nơi HS sinh sống, tham quan cách trồng trọt, chăn nuôi, khu sản xuất của người nông dân, công nhân,… Như vậy, HS được trực tiếp nhìn thấy hình ảnh thực của cuộc sống muôn màu giúp các em hình thành nhân cách, ý thức gắn bó giữa con người với con người; giữa con người với môi trường xung quanh. Từ tất cả những gì mắt nhìn thấy, tai nghe ở xung quanh mình qua các

giác quan tai, mắt, mũi, tay,...khi tiếp xúc trực tiếp với xung quanh, HS cảm nhận được thế giới vạn vật xung quanh, tâm hồn, tình cảm của các em cũng được mở rộng. Bên cạnh việc quan sát, GV cũng cần hướng dẫn HS cách ghi chép để vốn từ của các em được mở rộng.

Tuy nhiên, trong thực tế, HS ít có điều kiện đi tham quan, được làm những công việc cụ thể, được tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên. Bởi vậy, cần gián tiếp thông qua các giờ học trên lớp, qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, các kênh truyền thông tin để nâng cao vốn sống cho HS, hướng các em đến những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Thông qua các giờ học trên lớp như các giờ Tập đọc, Kể chuyện, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, qua bài học có sử dụng đồ dùng dạy học, công nghệ thông tin về cuộc sống sinh hoạt, về thiên nhiên con người, vốn sống của HS sẽ được nâng cao. Đồng thời, việc nâng cao vốn sống cho HS còn được thể hiện bằng hoạt động duy trì các hình thức đọc báo Thiếu niên, báo Nhi đồng, báo Học trò cười,… Thầy cô giáo cũng có thể khuyến khích các em xem những chương trình thiếu nhi trên truyền hình để nâng cao vốn sống.

Một phần của tài liệu Dạy - học đoạn văn trong bài văn kể chuyện ở trường tiểu học (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)