Theo Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005, nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bao gồm:
(1) Ban hành, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về doanh nghiệp và văn bản pháp luật có liên quan.
(2) Tổ chức đăng ký kinh doanh; hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh bảo đảm thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
(3) Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao đạo đức kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; phẩm chất chính trị, đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; đào tạo và xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề.
(4) Thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo định hướng và mục tiêu của chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. (5) Kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cụ thể:
1.2.6.1. Xây dựng và ban hành các luật có liên quan đến hoạt động kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng
Nhà nước xây dựng hai loại pháp luật để điều chỉnh các doanh nghiệp. Đó là:
- Luật Tổ chức các loại hình doanh nghiệp, như Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, …theo đó, các chủ thể sản xuất kinh doanh có thể ra đời.
- Luật quy định các mặt hoạt động của các doanh nghiệp, như Luật Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Tài chính…để điều chỉnh các hành vi của doanh nhân khi hoạt động của họ có liên quan đến các yếu tố nói trên.
1.2.6.2. Tổ chức thực hiện pháp luật và các định hướng sản xuất kinh doanh của Nhà nước, bao gồm việc:
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kế hoạch, dự án đầu tư. - Khuếch trương các hướng đầu tư.
- Tìm hiểu khả năng, nguyện vọng, khó khăn của công nhân trong việc hưởng ứng pháp luật và các dự án đầu tư mà Nhà nước kêu gọi; định hướng khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đối với các đối tượng mà Nhà nước đặt sự lưu ý.
- Xét duyệt và cấp giấy phép sản xuất kinh doanh, làm các thủ tục khác để đưa doanh nghiệp và doanh nhân vào hoạt động trong nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước.
1.2.6.3. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình sản xuất kinh doanh
Để thực hiện nội dung quản lý này, Nhà nước phải tiến hành hàng loạt công vụ như:
- Tạo nguồn vốn đầu tư ưu đãi cho các chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước, cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích.
- Xây dựng và tiến hành bảo hiểm sản xuất kinh doanh cho những doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước và thực hiện các quy định của bảo hiểm.
- Thực hiện miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo định hướng ưu tiên của Nhà nước.
- Chuyển giao đến các nhà kinh doanh những thông tin chính trị, thời sự quan trọng có giá trị trong sản xuất kinh doanh để họ tham khảo.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh, giúp các doanh nghiệp hiện đại hoá đội ngũ viên chức nghiệp vụ quản trị kinh doanh.
- Mở ra các trung tâm thông tin, các triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật để tạo môi trường cho các doanh nghiệp giao tiếp và liên kết sản xuất kinh doanh với nhau.
- Thực hiện các hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là hỗ trợ tư pháp quốc tế đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo điều kiện cho sự hình thành đồng bộ các loại thị trường. Đồng thời quản lý các loại thị trường đó để các
doanh nhân có được môi trường thuận lợi trong giao lưu kinh tế như: thị trường hoá thông thường, thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường thông tin, thị trường chất xám, …Nhà nước bảo đảm một môi trường thị trường chân thực để giúp các doanh nhân không bị lừa gạt trên thị trường đó.
1.2.6.4. Nhà nước thực thi sự kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của các doanh nhân trên thương trường
- Kiểm tra tính hợp pháp đối với sự tồn tại doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp ra đời đều phải có giấy phép. Giấy phép chỉ cấp cho những doanh nhân với doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc kiểm tra này nhằm loại trừ các doanh nghiệp ra đời không đăng ký hoặc không đủ điều kiện mặc dù đã được cấp giấy phép.
- Kiểm tra để xác định khả năng tiếp tục tồn tại của doanh nghiệp. Khi các doanh nhân đăng ký kinh doanh, họ phải có đủ điều kiện mới được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh. Do đó trong quá trình hoạt động, nếu những điều kiện ấy không được đảm bảo thì doanh nghiệp đó phải bị đình chỉ hoạt động. Để kịp thời phát hiện được dấu hiệu sa sút khả năng, biểu hiện của sự phá sản, để có quyết định phá sản doanh nghiệp, Nhà nước phải tiến hành kiểm tra.
- Kiểm tra định kỳ theo chế độ nhằm đảm bảo nhắc nhở các doanh nghiệp thường xuyên chấp hành pháp luật. Các đối tượng kiểm tra thường là về vấn đề an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, về chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh môi trường, về kiểm toán nhằm bảo đảm chế độ ghi chép ban đầu đúng quy định của chế độ kế toán Nhà nước, …
- Thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, như có hiện tượng trốn lậu thuế, xâm phạm tài sản quốc gia hoặc tài sản công dân, kinh doanh các mặt hàng quốc cấm, …
- Thanh tra, kiểm tra khi có đơn thư khiếu tố.