Đối với vi khuẩn có khả năng hoà tan lân, người ta đã xác định được khoảng 857 loài. Cho thấy những vi khuẩn hoà tan lân là nhờ các enzyme và acid hữu cơ có khả năng hoà tan hợp chất khó tan như: acid gluconic, acid oxalic, acid citric, acid butyric, acid monolic, và acid 2-ketogluconic. Trong đất vi khuẩn hoà tan lân hiện diện với số lượng khác nhau.
Một lượng lớn vi khuẩn hoà tan lân sống trong vùng rễ và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Vi khuẩn hoà tan lân được phân lập ở các vùng rễ của nhiều loài thực vật khả năng hoạt động cao hơn các vùng khác.
Một số chi vi khuẩn có khả năng hòa tan lân khó tan được biết đến nay như: Pseudomonas, Micrococus, Bacillus, Burkholderia, Azospirillum, Gluconacetobacter, Rhizobium, Flavobacterium… Các vi sinh vật này không chỉ phân giải phosphate canxi mà cả phosphate nhôm, sắt, mangan và các dạng khác, kể cả quặng.
Cơ chế của quá trình phân giải phosphate đến nay vẫn chưa được hiểu đầy đủ và còn nhiều tranh cãi. Sản sinh acid hữu cơ có thể là nguyên nhân chủ yếu, song CO2, H2S, acid, kiềm cũng là các yếu tố được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Trước đây người ta cho thấy, khi vi sinh vật phát triển thì pH môi trường nuôi cấy bị giảm. Người ta đã tìm thấy vi sinh vật đã sản sinh ra acid acetic, lactic, formic, gluconic, oxalic, succinic, malic, citric... Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô (cũ) và Ấn Độ cho thấy, lượng lân hữu hiệu trong đất tăng lên nếu được
bón thêm các chất hữu cơ và humat. Điều đó cho thấy acid hữu cơ sản sinh do vi sinh vật từ các chất hữu cơ đã giúp cho việc phân giải phosphate khó tan. Nghiên cứu đất, người ta cũng phát hiện các acid hữu cơ tương tự được sản sinh từ vi sinh vật. Acid hữu cơ làm giảm pH và qua đó trợ giúp cho việc tạo thành hợp chất bền vững với các cation Ca2+, Mg2+, Fe3+, Al3+. Hợp chất này bền vững hơn các hợp chất chứa phospho. Hiện tượng này xảy ra tương tự trong việc phòng ngừa sự cố định phosphor của phân lân vô cơ trong quá trình phong hóa.