Hình thức giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện thường tín, thành phố hà nội (Trang 37)

Hình thức là cái chứa đựng hoặc biểu hiện nội dung, là cách thể hiện cách điều hành một hoạt động. Trong giáo dục học, khái niệm hình thức giáo dục được hiểu là cách cách thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa người giáo dục và người được giáo dục. Xuất phát từ các ý kiến của các nhà nghiên cứu luật học, theo tôi, khái niệm hình thức giáo dục pháp luật được hiểu là các hình thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa những người giáo dục pháp luật và người được giáo dục pháp luật nhằm chiếm lĩnh nội dung phổ biến và đạt mục đích giáo dục pháp luật. Trên cơ sở của khái niệm này hình thức của giáo dục pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở được coi là các dạng cụ thể, có tổ chức phối hợp giữa các chủ thể giáo dục pháp luật và đối tượng giáo dục pháp luật để thể hiện nội dung giáo dục pháp luật và đạt mục đích giáo dục pháp luật.

Hình thức thể hiện kết quả hòa giải và hiệu lực của hòa giải thành là điểm khác biệt cơ bản giữa hòa giải trong tố tụng dân sự và hòa giải ở cơ sở.

Đối với hòa giải trong tố tụng dân sự, trước phiên hòa giải sơ thẩm, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về toàn bộ các vấn đề phái giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành; hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại phiên tòa sơ

thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử cũng ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Còn tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bán án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Như vậy, tùy thuộc vào hòa giải thành ở giai đoạn tố tụng dân sự nào mà hình thức thể hiện kết quả hòa giải trong tố tụng dân sự có thể một quyết định tố tụng hoặc bản án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên đương sự, được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự do pháp luật quy định.

Thông qua giáo dục pháp luật mà hai bên thống nhất hòa giải thành thì hòa giải viên cũng không có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc thi hành như hòa giải trong tố tụng dân sự. Các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận đã đạt được trên cơ sở hoàn toàn tự giác, nếu việc thực hiện thỏa thuận có khó khăn thì tổ viên Tổ hòa giải chỉ có thể trên cơ sở giáo dục pháp luật động viên, thuyết phục các bên thực hiện thỏa thuận, hoặc có thể đề nghị Trưởng thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố hoặc kiến nghị với UBND cấp xã tạo điều kiện để các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt được kết quả, thì bằng kiến thức, hiểu biết về pháp luật của mình tổ viên Tổ hòa giải hướng dẫn cho các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Đối với giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở việc giáo dục pháp luật thực hiện bằng các hình thức khác nhau như cung cấp văn bản, tài liệu cho các bên tranh chấp, tuyên truyền miệng, dùng lời nói giải thích, hướng dẫn cho các bên tranh chấp. Có thể tiến hành giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở ở nhà riêng của các bên tranh chấp, có thể ở trụ sở nhà văn hóa thôn, xóm hoặc trụ sở UBND xã, tùy điều kiện và

thời điểm mà hòa giải viên cảm thấy có thể đạt hiệu quả cao nhất để thuyết phục các bên tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. Việc giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay được tiến hành chủ yếu bằng lời nói: tổ viên Tổ hòa giải trực tiếp gặp gỡ các bên tranh chấp, dùng lí lẽ, hiểu biết pháp luật và dùng tình cảm để thuyết phục các bên đạt được sự thỏa thuận tự giải quyết các tranh chấp, vi phạm. Trong trường hợp các bên tranh chấp yêu cầu tổ viên Tổ hòa giải lập biên bản hòa giải thì Tổ hòa giải lập biên bản. Biên bản này có hai giá trị hỗ trợ lẫn nhau:

Thứ nhất, về giá trị đạo lý: Đó là sự thỏa thuận giữa các bên mang ý

nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên một sự ràng buộc về đạo lý và tâm lý giữa các bên. Trên cơ sở các thỏa thuận, cam kết tự nguyện, các bên sẽ căn cứ vào biên bản này để thực hiện nghĩa vụ của mình, tránh trường hợp bội tín. Tổ hòa giải cũng dựa vào biên bản hòa giải của mình để thuyết phục các bên thực hiện kết quả hòa giải.

Thứ hai, về giá trị pháp lý: Một mặt, biên bản hòa giải, nhất là biên bản

hòa giải thành có sự thừa nhận của các bên thì nó chứa đựng nội dung các tình tiết thực tế của sự việc (chứng cứ về sự tồn tại vi phạm pháp luật), trong đó một trong các bên thừa nhận một sự kiện, hành vi pháp lý đã xảy ra liên quan tới quyền hay nghĩa vụ pháp lý của một bên như một giao dịch đã hoàn thành (vay tài sản, mua bán tài sản, trông giữ cho mượn tài sản, hành vi pháp lý đơn phương...) Những chứng cứ này hoàn toàn có giá trị pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp ở mọi loại hình tố tụng. Mặt khác, biên bản còn chứa đựng cam kết của các bên về phương án giải quyết tranh chấp.

Từ những phân tích trên có thể thấy, hình thức của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở không giống như hình thức khác của giáo dục pháp luật. Kết quả của hoạt động này không dễ để định tính, định lượng được nhưng giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở

giúp các bên tranh chấp và những người có liên quan hình thành tri thức pháp lý, tình cảm, lòng tin đối với pháp luật trên cơ sở đó xây dựng thói quen hành vi hợp pháp. Việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, tăng cường hiểu biết pháp luật giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích dễ dàng hơn càng thể hiện giá trị của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện thường tín, thành phố hà nội (Trang 37)