Tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý thuế TNDN

Một phần của tài liệu Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp tại Chi cục thuế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 33)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.3.5.Tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý thuế TNDN

Chất lượng quản lý thuế TNDN chủ yếu được xem xét trên hai khía

cạnh: hiệu quả về mặt kinh tế và hiệu quả về xã hội. Để làm rõ chất lượng của quản lý thuế TNDN, tác giả xem xét các tiêu chí định tính và các tiêu chí định lượng.

* Các tiêu chí định tính:

- Tính công khai, minh bạch: tức là tất cả các quy trình quản lý thuế TNDN phải rõ ràng, chính xác và đảm bảo công khai tới tất cả các đối tượng liên quan (trừ những thông tin có tính chất bí mật quốc gia, bí mật ngành đã được quy định). Thước đo này là một trong những nguyên tắc quan trọng trong xây dựng một hệ thống thuế. Hệ thống thuế càng công khai, minh bạch thì những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý và thực thi càng được giảm thiểu.

- Ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế và người thu thuế. Mục đích của quản lý thuế không chỉ hướng tới tạo nguồn thu cho NSNN mà còn phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức kinh tế và cá nhân. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Sự hài lòng của người nộp thuế: là tiêu chí quan trọng để xác định hiệu quả của bộ máy quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng. Đo lường được yếu tố này sẽ xác định được hiệu quả của công tác quản lý thuế; năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ ngành thuế. Trước đây, yếu tố này ít được chú trọng tại nước ta, nhưng gần đây, Tổng cục thuế đã ban hành Quyết định số 1261/QĐ-TCT ngày 11/8/2014 thành lập Ban Chỉ đạo tổ giúp việc triển khai thực hiện đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế”.

* Các tiêu chí định lượng:

- Hiệu quả sử dụng chi phí: là tỷ lệ tính theo % giữa tổng thu từ thuế TNDN so với chi phí bỏ ra để đạt được tổng thu đó trong khoảng thời gian 1 năm.

Công thức tính: H = P1/C x 100%

Trong đó: H là hiệu quả sử dụng chi phí. P1 là số thu từ thuế TNDN.

C là chi phí bỏ ra.

- Mức độ hoàn thành dự toán thu thuế TNDN: là tỷ lệ tính theo % của tổng số thu từ thuế TNDN so với dự toán đề ra trong khoảng thời gian 1 năm.

Công thức: D = (P1/P) x 100%

Trong đó: D là mức độ hoàn thành dự toán. P1 là số thu thực tế từ thuế TNDN. P là số thu dự toán đề ra.

- Tỷ lệ thu thuế TNDN so với tổng số thu từ thuế: là tỷ lệ tính theo % giữa số thu thuế TNDN so với tổng số thu thuế trong khoảng thời gian 1 năm.

Công thức: K = (P1/T) x 100%

Trong đó: K là mức độ hoàn thành nhiệm vụ P1 là số thu thực tế từ thuế TNDN. T là tổng số thu từ thuế.

- Tỷ lệ nợ thuế TNDN: là tỷ lệ tính theo % giữa số thuế TNDN nợ so với tổng số thuế TNDN phải thu trong khoảng thời gian 1 năm.

Công thức: N = (N1/N) x 100% Trong đó: N là tỷ lệ nợ thuế TNDN. N1 là số thuế TNDN nợ đọng. N là tổng số thuế TNDN phải thu.

- Thời gian thực hiện khai thuế, nộp thuế: tức là, số thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để làm các thủ tục về thuế TNDN. Tiêu chí này góp phần đánh giá sự nhanh gọn và hiệu quả của bộ máy quản lý thuế; năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thuế và ý thức chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp. Ở nước ta hiện nay, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để làm các thủ tục về thuế. Theo báo Đầu tư điện tử số ra ngày 8/4/2014: “năm 2013, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp ở Indonesia chỉ là 259 giờ, Thái Lan 264 giờ, Philippines 193 giờ, Malaysia 133 giờ, Brunei 96 giờ, Singapore 82 giờ. Bình quân tại 6 nước ASEAN này, doanh nghiệp chỉ mất 171 giờ/năm cho thủ tục về thuế nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp phải mất 876 giờ”. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ra Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tới năm 2015, thời gian thực hiện các thủ tục về thuế của doanh nghiệp phải giảm còn 171 giờ/năm, thay vì 876 giờ/năm như hiện nay.

Một bộ máy quản lý thuế TNDN có hiệu quả phải đảm bảo thực hiện được đa số các tiêu chí nêu trên. Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chí không thể diễn ra đồng thời, có những giai đoạn bộ máy quản lý thuế ưu tiên tiêu chí này mà hi sinh việc đảm bảo các tiêu chí khác, nhưng xem xét trong một giai đoạn dài và trên phạm vi toàn xã hội thì quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TNDN nói riêng phải đáp ứng được các tiêu chí định lượng và định tính đó.

Một phần của tài liệu Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp tại Chi cục thuế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 33)