Quan niệm của Hồ Chí Minh về nguồn lực con người

Một phần của tài liệu Tư tưởng hồ chí minh về nguồn lực con người và phát huy nguồn lực con người ở thành phố cần thơ hiện nay (Trang 27)

8. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về nguồn lực con người

Sinh thời, tuy Hồ Chí Minh không có một tác phẩm nào bàn riêng về nguồn lực con người nhưng trên thực tế Người đã đề cập đến nguồn lực con người một cách toàn diện và sâu sắc. Hồ Chí Minh đề cập đến nguồn lực con người trên hai phương diện là con người cá nhân và con người cộng đồng.

Thứ nhất, quan niệm của Hồ Chí Minh về nguồn lực con người xét trên phương diện cộng đồng dân tộc đó là nguồn lực nhân dân, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cả dân tộc đã được giác ngộ, được đoàn kết, được lãnh đạo. Nói đến “dân”, “nhân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến toàn thể nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức và những người dân lao động ở nước ta. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, xem

22

đó là nguồn sức mạnh vô tận không gì có thể thay thế. Người từng nói:“Dân là vốn quý nhất, có dân là có tất cả”.. Theo Người, làm cách mạng giải phóng dân tộc hay xây dựng xã hội mới, công việc nào cũng khó khăn nhưng có nguồn lực của dân thì dù việc khó mấy cũng làm được, qua đó Người tổng kết thành kinh nghiệm mang tính khái quát cao: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó chính là công nhân, nông dân, trí thức, những người dân lao động không phân biệt dân tộc, đảng phái, giàu, nghèo.Trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa Người luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xem phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là động lực vĩ đại quyết định thành công của cách mạng. Từ lý luận và thực tiễn, Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [65, tr. 607]; “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công” [66, tr. 54]. Vì vậy, trong tư tưởng hồ Chí Minh, nói đến nguồn lực con người với tư cách là cộng động dân tộc là nói đến vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, nguồn lực con người còn được Hồ Chí Minh đề cập đến với tư cách là những con người cụ thể. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là “con người xã hội chủ nghĩa”. Trong lần nói chuyện với Đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội (20/6/1960), Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” [67, tr. 604]. Con người xã hội chủ nghĩa theo quan niệm của Hồ Chí Minh đó là con người: Đức - Trí - Thể - Mỹ, con người hội tụ trong mình cả đức và tài, hồng và chuyên. Đó phải là những con người kiểu mẫu về năng lực, nhân cách, đóng vai trò quyết định đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để xây dựng được con người mới xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải quan tâm và đầu tư mạnh mẽ cho công tác giáo dục - đào tạo, đẩy

23

mạnh vận động tuyên truyền để xác lập động cơ, nhu cầu, niềm tin, lý tưởng… qua đó mà nâng cao năng lực hoạt động của con người.

Tổng hợp lại, con người xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh nhắc đến là con người phải hội đủ hai yếu tố đức và tài. Đức chính là đạo đức cách mạng, những phẩm chất tiêu biểu mà Người thường đề cập đó là: Trung với nước, hiếu với dân; là yêu thương con người; là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… Tài trong quan niệm của Hồ Chí Minh là năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi người. Đức và tài phải thống nhất, hài hoà, tác động biện chứng với nhau. Trong mối quan hệ giữa đức - tài, Người yêu cầu: Tài càng lớn thì đức phải càng cao, vì đức - tài là nhằm phục vụ nhân dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Mặt khác, Người quan niệm “Đức là gốc” vì trong đức đã có tài, có đức làm gốc, con người mới có động lực để phát triển trí tuệ, tài năng.

Ở Hồ Chí Minh, nói đến con người với tư cách là một nguồn lực, là nói đến những con người hiện thực, những con người với tư cách là chủ thể tiến hành các hoạt động thực tiễn, đang ngày đêm lao động, sản xuất, chiến đấu với tinh thần, trách nhiệm của người chủ nước nhà. Người chỉ rõ: “Ngày nay tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà” [68, tr. 52]. Và đã là người chủ thì phải: “làm tròn nghĩa vụ của người chủ”, phải “cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động” [68. Tr. 52].

Con người chỉ trở thành nguồn lực khi họ là những người lao động có sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Công cuộc kháng chiến và kiến quốc là khó khăn, gian khổ, muốn thắng lợi phải có những con người có ý thức giác ngộ cao, giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh vì lợi ích

24

của dân tộc. Hồ Chí Minh cũng cho rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là khó khăn, gian khổ muốn đạt được mục đích thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, mỗi người phải cố gắng trở thành người lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động. Người lao động là nguồn lực của đất nước khi họ trở thành những người lao động tiên tiến, anh hùng lao động trên mặt trận sản xuất. Người tin tưởng “chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được dưới sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người” [62, tr. 93].

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, sự phát triển dựa trên phát huy nguồn lực con người là yếu tố đảm bảo phát triển bền vững. Người đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau bởi “có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội” [69, tr. 402]. Quan tâm sâu sắc về việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, trong Di chúc Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết” [70, tr. 612]. Hồ Chí Minh dành niềm tin tưởng đối với thế hệ tương lai của đất nước vì thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, gánh vác những trọng trách quan trọng là xây dựng xã hội mới. Để phát huy nguồn lực tiềm năng này Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, quan niệm của Hồ Chí Minh về nguồn lực con người là quan niệm mang tính cách mạng, khoa học sâu sắc, toàn diện. Đề cập đến nguồn lực con người với tư cách con người tập thể, con người cộng đồng là nói đến nguồn lực trong nhân dân, sức mạnh của nhân dân gồm thể lực, trí lực, tinh thần, lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết… Nguồn

25

lực đó là sức mạnh vô đối, nơi khơi nguồn của mọi nguồn lực. Nguồn lực con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh còn là những con người cụ thể, những người lao động chân tay và lao động trí óc với sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, thái độ đang từng ngày tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng xã hội mới với vị trí là người chủ nước nhà. Vì vậy, Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” [68, tr. 66]. Ngoài ra, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn lực con người được nhắc đến không chỉ là những người lao động đang trực tiếp sản xuất mà còn là thiếu niên, nhi đồng, thế hệ của đời sau. Nguồn lực con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh, được xem như một dạng tiềm năng vô tận, khi khai thác và sử dụng sẽ mạng lại kết quả to lớn. Chính vì vậy, Người nói đào tạo thế hệ cho mai sau là cần thiết, quan trọng và lâu dài. Đó là công việc trăm năm “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[66, tr. 258].

Một phần của tài liệu Tư tưởng hồ chí minh về nguồn lực con người và phát huy nguồn lực con người ở thành phố cần thơ hiện nay (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)