7. Bố cục của khóa luận
3.4.2. Ngôn ngữ khéo léo, tế nhị
Bên cạnh những người phụ nữ dùng ngôn ngữ suồng sã, táo bạo, Bunhin còn đặc biệt chú ý khai thác ngôn ngữ khéo léo, tế nhị của người phụ nữ. Tuy không phải thứ ngôn ngữ mực thước theo một chuẩn mực, khuôn phép nào nhưng các nhân vật nói năng rất tế nhị, thậm chí nó toát lên địa vị, hiểu biết của con người. Trong tác phẩm của Bunhin kiểu ngôn ngữ này bộc lộ nhiều nhất ở những người phụ nữ gặp bi kịch, dang dở, bất hạnh trong tình yêu.
54
Cách nói nhẹ nhàng, khéo léo thể hiện cái thanh cao của con người với ngôn ngữ thân mật, gần gũi của Natali trong Natali. Nàng luôn nhẹ nhàng trong từng lời khi đối thoại với Xônhia và nhân vật “tôi”. “Mình tin vào một điều là có một sự khác biệt ghê gớm giữa mối tình đầu của con gái và mối tình đầu của con trai” [6, tr.506]. Với anh thì nàng luôn nói năng một cách lịch sự dường như vẫn giữ một khoảng cách nhất định bởi nàng e ấp, rụt rè trước tình cảm của anh “vâng, vâng, tôi đã thấy nó rồi…”, “không tin ngay đâu, không tin cả đâu”. Cách nói của nàng còn đầy thuyết phục đối với nhân vật “tôi”: “Bây giờ thì anh lại bên em và bên em mãi mãi. Nhưng chúng mình sẽ ít gặp nhau thôi anh nhé, làm sao mà em, người vợ không ai biết của anh lại có thể trở thành tình nhân của anh trước mặt mọi người” [6, tr.537]. Mỗi câu nói của nàng như một nốt nhạc trong trẻo luôn khiến người ta có cái cảm giác ở nơi nào đó thanh tịnh mà trong sạch nhất của tâm hồn.
Một vẻ đẹp trong sáng thánh thiện không tì vết như cô bé Ôlia cũng là một mẫu mực trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong Hơi thở nhẹ, các chi tiết bộc lộ ngôn ngữ của Ôlia rất ít nhưng nó đủ khiến người đọc cảm nhận được trong đó một vẻ lịch sự và “rất phụ nữ”. Trong cuộc đối thoại với bà hiệu trưởng, trước bất cứ lời nói nào của bà, cô cũng điềm nhiên, tự tin đối đáp, “vâng”, lập luận sắc sảo “em không có lỗi gì nếu em có bộ tóc đẹp” và lịch sự ngắt lời bà giáo: “Bà nhầm rồi, em đã là đàn bà rồi… là em trai của bà” [6, tr.246-247]. Ngay khi trong tình huống sát phạt, nàng vẫn luôn từ tốn trong từng lời nói của mình. Sự trong sáng mà người đọc cảm nhận được từ lời nói của nàng đặc biệt bộc lộ trong cuộc trò chuyện của nàng với cô bạn thân mà bà giáo đã nghe được: “Cậu biết không, trong sách ấy nói nhiều điều đến nỗi chẳng nhớ hết được đâu: này nhé, tất nhiên là cặp mắt phải đen, sôi lên như nhựa, lông mi phải đen như trời đêm, má mịn màng phơn phớt hồng… nhưng cái chính, cậu biết là gì không? Là phải có hơi thở nhẹ, tớ cũng có cái đấy đấy. Cậu nghe xem
55
tớ thở thế nào nhé, đúng là tớ có phải không?” [6, tr.251-252]. Cô đã sống như thế và nói năng ứng xử như thế, như những gì đọc được từ cuốn sách của cha - như một “hơi thở nhẹ”.
Một đại diện nữa cho mọi cái đẹp về ngôn ngữ là lời nói của Lika trong
Nàng Lika. Lika được đặt trong nhiều tình huống và ở tình huống nào nàng vẫn
giao tiếp một cách khôn ngoan, khéo léo. Khi gặp phải sự cản trở của cha nàng về tình yêu với anh chàng nhà văn, nàng khéo léo nói với anh “Em chỉ thấy thương ba thôi, với em trên đời này chẳng có ai thân quý hơn…Đúng thế đấy, chẳng đời nào em lại đi ngược lại với ý muốn của ba em đâu” [6, tr.305-310]. Lika nói một cách chắc chắn, đầy yêu thương với người bạn đồng nghiệp về tình cảm mình dành cho người yêu: “Chị Nađia ạ, sao chị không thấy rằng quả tình em yêu anh ấy ghê gớm… tốt hơn cái vẻ bề ngoài mà ta tưởng” [6, tr.331]. Cả khi trách móc anh, nàng cũng nhẹ nhàng, ân cần: “Đấy, anh cứ ngạc nhiên mãi vì thấy em thay đổi nhưng giá như anh biết được rằng chính anh đã thay đổi thế nào…. Em muốn nói thêm là, anh lúc nào cũng muốn đi đâu ấy” [6, tr.405-406]. Cả vào lúc tức giận với anh, nàng vẫn giữ được sự từ tốn, điềm đạm trong từng lời nói: “Sao anh bao giờ cũng hay phóng đại mọi chuyện thế!... Em muốn anh tin rằng chẳng có gì giống như điều anh vừa tưởng tượng ra đâu… Em buồn rằng tình yêu trước đây của chúng mình không còn nữa… Còn về vũ hội hóa trang thì em sẵn sàng dứt khoát thôi không dự nếu chuyện đó làm anh khó chịu… muốn làm gì thì làm” [6, tr.416-432].
Một cô gái đã có đính ước, trong những đối thoại ngắn với người tình cho thấy ở cô cái vẻ gì đó thơ trẻ nhưng nồng nhiệt trong Một chuyện tình nho nhỏ. Những chuỗi ngày hạnh phúc bên người tình cùng đi dạo lúc hoàng hôn, cô trò chuyện có vẻ gì đó ngây ngô “Thế anh có tin em không… Anh là một người đáng yêu thật đấy… Anh xem tim em có đập mạnh không?” [6, tr.577-578]. Ngay khi không ngần ngại thổ lộ tình cảm của mình với chàng trai, nàng nói
56
một cách đằm thắm “Thì anh có yêu em không, dù một chút thôi? Bên anh, em thích lắm, em rất hạnh phúc… nhưng điều ấy hoàn toàn không liên quan gì đến anh” [6, tr.579].
Ở một góc độ khác, ngôn ngữ không quá khuôn phép nhưng cũng không phải sự sỗ sàng quá đáng mà nó thân thiết như có vẻ ngây ngô trong lời nói của nhân vật Ruxia: “Anh có yêu em không… Em cũng thế, không, đúng ra thì mới đầu em căm ghét anh… bất cứ ai yêu em” [6, tr.477]. Ngờ nghệch khi nàng đòi anh quàng cho mình tấm khăn choàng và hơi bạo dạn nhưng có nét đáng yêu khi nàng thổ lộ “Khoan, khoan đã, ngày hôm qua chúng mình hôn nhau chẳng ra sao cả, bây giờ thì để em hôn anh trước, thật khẽ, thật khẽ thôi, còn anh thì ôm em, ôm cả người cơ” [6, tr.478]. Cái ngây ngô, khờ khạo của nàng trong từng câu nói, nó khiến anh mới yêu làm sao và khi cảm xúc ùa về thì anh nhớ như in cả từng câu nói ấy.
Ngôn ngữ của cô tiểu thư quý tộc Vêra trong Lần gặp gỡ cuối cùng
được bộc lộ qua câu đối thoại ngắn gọn với người tình. Tuy ngắn nhưng không hề mờ nhạt mà nó chứa đựng những nét dịu dàng và cả nỗi khổ trẻ thơ trong ấy: “Anh ở đây đến mai chứ? Phải thế không anh? Em không tin vào hạnh phúc của mình!”, “Em đã hi sinh tất cả vì anh…Sao anh thô lỗ và thiếu tế nhị thế” [6, tr.106 -108]. Đó là những lời bộc bạch và trách móc đầy tế nhị của Vêra với anh khi hoài niệm về cuộc tình xưa.
Khi xây dựng kiểu ngôn ngữ tế nhị và khéo léo đầy ý tứ của người phụ nữ cho thấy tài năng của Bunin bên cạnh việc phá cách ngôn ngữ nhân vật, thoát ra những gì gọi là khuôn mẫu của sáng tạo văn chương thì ông vẫn còn phát huy những nét truyền thống trong giao tiếp, văn hóa ứng xử ở người phụ nữ.
Có thể nói I.Bunhin rất linh hoạt và tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ nhân vật. Với mỗi kiểu nhân vật khác nhau nhà văn lại xây dựng các kiểu ngôn ngữ khác nhau, góp phần làm nổi bật tính cách và lối sống của các nhân
57
vật. Những ngôn ngữ này cho thấy sự đa dạng trong giao tiếp nhưng dù thời đại nào thì kiểu ngôn ngữ tế nhị, khéo léo vẫn được đề cao hơn cả.
Với các biện pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật đa dạng và tài tình, hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn của I.Bunhin hiện lên rõ ràng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người đọc. Nó vừa khẳng định tài năng của nhà văn, vừa góp phần khắc sâu chân dung nhân vật trong lòng bạn đọc.
58
KẾT LUẬN
1. Bunnhin là một nhà văn sống ở giai đoạn giao thời giữa hai thế kỉ XIX và XX. Ông được chứng kiến mọi diễn biến và đổi thay xã hội nước Nga của hai thế kỉ khác nhau. Do đó, trong sáng tác văn chương nghệ thuật, Bunhin cũng có những đổi thay và đặc biệt khi nhà văn được tiếp xúc với một số văn hào nổi tiếng cùng thời. Bunhin dần đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học Nga những năm đầu thế kỉ XX, như dịch giả Thái Bá Tân từng nhận định: Di sản Bunhin để lại không đồ sộ lắm nhưng được xem như là sự đánh dấu một chương mới trong lịch sử phát triển văn học Nga thế kỉ XX bởi sự sâu sắc, tinh tế cả về nội dung và hình thức.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự tiếp cận Bunhin chưa thật phong phú, nhiều mặt. Do đó, tìm hiểu đề tài Nhân vật nữ trong truyện ngắn của Ivan Bunhin, chúng tôi muốn góp phần giới thiệu rộng rãi đồng thời khẳng định tài năng của Bunhin trong tiến trình văn học nước Nga.
2. Tìm hiểu về nhân vật nữ trong truyện ngắn của I.Bunhin, ta thấy, ông đã xây dựng trong tác phẩm của mình một thế giới nhân vật nữ phong phú đầy sắc vẻ. Viết về người phụ nữ, Bunhin không giới hạn kiểu người nào trong xã hội mà tất cả đều được phản ánh trong những trang viết chân thực của ông, và dù người phụ nữ thuộc kiểu nhân vật nào thì họ cũng đều đáng thương và đáng kính. Với đề tài bao trùm là tình yêu, Bunhin luôn gắn họ vào những hoàn cảnh đặc biệt trong tình yêu để bộc lộ vẻ đẹp bên ngoài cũng như vẻ đẹp của tâm hồn. Bên cạnh một số phụ nữ sống cam chịu bi kịch dang dở, lẻ loi trong tình yêu, Bunhin còn phát hiện ra những người phụ ẩn sau bề ngoài yếu đuối “rất phụ nữ” thì họ có ý thức mạnh mẽ khi biết khao khát và kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Lấy nhân vật nữ làm trung tâm trong sáng tác của mình, Bunhin muốn khẳng định vẻ đẹp nhân phẩm, sức mạnh của họ và dù là kiểu người nào thì họ cũng cần có một tình yêu, hạnh phúc trọn vẹn.
59
3. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong truyện ngắn của Bunhin, ta thấy được sự tinh tế, nhạy bén của nhà văn khi miêu tả nhân vật từ ngoại hình tới tâm lí. Những yếu tố nghệ thuật giúp ta vừa khám phá thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật, vừa có thể thấy được tính cách và thấy được chân dung người phụ nữ ở mọi khía cạnh: làn da, mái tóc, khuôn mặt… Với nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật, nhà văn đã phác họa một cách chung nhất về chân dung các nhân vật nữ, giúp người đọc hình dung ra dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Việc miêu tả tâm lí nhân vật lại giúp người đọc tìm tòi những mảng tối, đào sâu những góc khuất trong tâm hồn, từ đó thấy được vẻ đẹp bên trong của con người. Bên cạnh đó, thủ pháp tương phản đối lập và xây dựng ngôn ngữ nhân vật đã góp phần bộc lộ tính cách, bản chất nhân vật. Như vây, Bunhin tạo ra trong tác phẩm của mình một thế giới nghệ thuật đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn.
4. Với trái tim đa cảm và sự am hiểu sâu sắc về người phụ nữ. Bunhin đã rất thành công khi lựa chọn người phụ nữ làm nhân vật trung tâm trong sáng tác của mình. Sự đa dạng về kiểu người phụ nữ đã góp phần khẳng định tài năng và tiếng nói của ông trên tiến trình văn học nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aristote (1999), Nghệ thuật thi ca, Nxb Văn học, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
3. Bunhin.I (1987), Tuyển tập Bunhin (Hà Ngọc dịch và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Bunhin.I (1988), Nàng Lika (tập truyện, Phan Hồng Giang dịch), Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội
5. “Bunhin.I - Truyện ngắn” (Thái Bá Tân dịch và giới thiệu) (1996), Tạp chí Văn học nước ngoài.
6. Bunhin.I (2002), Tuyển tập tác phẩm (Nhiều người dịch, Phan Hồng Giang giới thiệu), Nxb Lao động, Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, Hà Nội.
7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Phạm Thị Bích Hảo (2006), Khóa luận tốt nghiệp Đại học. Báo 123.doc. 9. Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (2008), Ivan Bunhin
- người chung thủy với nước Nga. Báo nguoibanduong.net.
10. Nguyễn Thị Huệ (2014), Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong
truyện ngắn Say nắng của Ivan Bunhin, Tiểu luận, Báo thư viện-Ebook.
11. Hà Văn Lưỡng (2009), Một số đặc điểm văn xuôi Ivan Bunhin, Tạp chí Sông Hương, số 185.
12. Nguyễn Lương Ngọc (1962), Mấy vấn đề về nguyên lí văn học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Hoàng Phê (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hà Nội – Đà Nẵng, Viện ngôn ngữ học.
15. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (2004), Lí luận văn
học, tập 2, Nxb Giáo dục.
16. Trần Đình Sử (2006), Lí luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn Việt Nam.
17. Tập thể tác giả (1998), Lịch sử văn học Nga, Nxb Giáo dục, Hà Nội
18. Từ điển tiếng Việt (2006), Nxb Đà Nẵng, Viện ngôn ngữ học.