- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
2.3.2. Nâng cao hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế biển) đáp ứng yêu cầu CNH,
là nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế biển) đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở thành phố Cảng Hải Phòng
Cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, thành phố Hải Phòng thực hiện coi trọng phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, thành phố xác định: Phát triển văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, giải quyết các vấn đề đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, về sự nghiệp giáo dục, đào tạo: “Tiếp tục đổi mới và đầu tư đúng mức cho chiến lược con người. Tăng cường các điều kiện chất lượng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” [64, tr. 38].
Những giải pháp chủ yếu là: Tăng cường các nguồn lực cho giáo dục - đào tạo gắn với xã hội hoá giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung đổi mới phương pháp giáo dục - đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng và tổ chức tốt các chương trình có mục tiêu.
Ngành giáo dục đã cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Thành uỷ với quyết tâm và nỗ lực lớn. Chủ trương xã hội hoá giáo dục được phát triển ở các ngành học, cấp học với nhiều loại hình quốc lập, dân lập, tư thục. Cơ sở vật chất của các ngành giáo dục được tăng cường. “Đến năm 2000, toàn thành phố có 96,7% số xã có trường học cao tầng. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, bổ sung, nâng cao chất lượng. Số học sinh các cấp luôn tăng. So với năm học 1995 - 1996, số học sinh THPT năm học 1999 - 2000 tăng 83,3%. Năm 1999, thành phố cơ bản đạt mục tiêu phổ cập THCS. Những năm 1999 - 2000, thành phố có trên 500 học sinh đạt giải thi quốc gia và 10 giải quốc tế (có 2 huy chương vàng về toán, hoá và 1 huy chương bạc về tin học” [27, tr. 105]. Giáo dục đại học có bước phát triển mới. Các trường đại học và cao đẳng... được hoàn thiện đưa tổng số sinh viên đại học, cao đẳng tăng cao.
Về tăng cường chất lượng nguồn nhân lực: Xây dựng cơ sở của nền kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Phát triển Hải Phòng thành một trung tâm giáo, đào tạo đại học và trên đại học chất lượng cao, tiếp cận trình độ quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho vùng duyên hải Bắc Bộ.
Đẩy mạnh việc đào tạo chuyên gia phát triển công nghệ phần mềm, ứng dụng công nghệ cao. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho các ngành thu hút nhiều lực lượng lao động, tạo nhiều việc làm mới... Đẩy mạnh việc đào tạo thông qua việc củng cố, phát triển các trường dạy nghề và chú trọng công
tác lao động tại chỗ, xuất khẩu lao động qua đào tạo (đặc biệt là hoạt động xuất khẩu thuyền viên).
Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở Hải Phòng. Đó là nguồn nhân lực có trình độ lành nghề về chuyên môn, kỹ thuật cao, có kỹ năng lao động giỏi, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ sản xuất, có sức khoẻ và phẩm chất tốt, có khả năng vận dụng sáng tạo, đủ sức đáp ứng một cách tối ưu đòi hỏi ngày càng cao của quá trình sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhằm đạt tới sự phát triển nhanh và bền vững.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết, người lao động phải được nâng cao về trình độ dân trí, phải có khả năng sáng tạo lao động, phải có khả năng thích ứng với tính linh hoạt cao. Bên cạnh đó, nền sản xuất công nghiệp đòi hỏi người lao động phải có các năng lực cần thiết như: có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần trách nhiệm, có tác phong hợp tác và tác phong công nghiệp, lương tâm nghề nghiệp, cần có sức vóc, thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để truyền tải tri thức vào hoạt động thực tiễn.
Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng tới các giải pháp trọng yếu sau:
Thứ nhất, trên cơ sở phát triển và ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH là tiền đề cơ bản của tăng trưởng kinh tế cùng với việc phát triển khoa học - công nghệ là nhân tố quyết định thúc đẩy việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hải Phòng hiện nay.
Thứ hai, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, kinh tế biển và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên trong công tác đào tạo và thu hút nhân tài
bằng chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhà công vụ, điều kiện làm việc nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay.
Thứ ba, đổi mới và kiện toàn lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhằm từng bước tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Cần kết hợp tăng việc đầu tư ngân sách cho giáo dục và đào tạo. Mở rộng quy mô, tăng nhanh tốc độ đào tạo, cải cách nội dung và phương pháp giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo của thành phố, các sở, ban, ngành đối với giáo dục, đào tạo, với việc xã hội hoá giáo dục.
Thứ tư, đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH thành phố, quy hoạch và quản lý tốt sự phát triển của đô thị. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác quy họạch, xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực giỏi, phẩm chất đạo đức tốt. Có thể nói, đây là một trong những giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược nhằm tạo ra lực lượng có ý nghĩa đầu tàu quan trọng trong đội ngũ những người lao động, góp phần tạo ra những con người Hải Phòng toàn diện, hiện đại đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH thành phố hiện nay.