- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
2.1.3. Nguyên nhân
2.1.3.1. Nguyên nhân của thành tựu:
Để đạt được những thành tựu xây dựng, phát huy nhân tố con người đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở Hải Phòng nêu trên, trước hết là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn và phù hợp của Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp là sự
lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Thứ hai, là do nhận thức của phần lớn các cấp, các ngành và người dân về sự cần thiết phải xây dựng con người Hải Phòng mới, hiện đại, toàn diện và thấy được vai trò quyết định của nhân tố con người trong sự nghiệp CNH, HĐH, từ đó đã xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp, những đầu tư thỏa đáng cho chiến lược xây dựng con người, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thành phố cũng quan tâm, xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề của thành phố để xây dựng được lớp cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân lành nghề, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, thực hiện tốt việc xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về xây dựng, đào tạo con người, xã hội hóa các hoạt động, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao để xây dựng, phát triển con người toàn diện, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.
Một nhân tố khác không kém phần quan trọng quyết định đến việc xây dựng con người Hải Phòng đó chính là bản thân con người nơi đây đã nỗ lực cố gắng không ngừng để trau dồi kỹ năng, kiến thức khoa học nhằm phục vụ quá trình lao động, sản xuất. Bởi vậy, ngày nay, người lao động Hải Phòng có xu hướng tự lựa chọn các ngành, nghề và các hình thức đào tạo phù hợp với mình và yêu cầu của xã hội.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hải Phòng từng bước được cải thiện, là điều kiện, tiền đề cơ bản để người dân thực hiện chiến lược xây dựng, hoàn thiện con người. Ngày nay, đại đa số dân chúng đều nhận thức được vai trò của việc đầu tư cho giáo dục, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với năng lực, sở thích của người học và nhu cầu của xã hội. Nhờ đó, chất lượng của con người Hải Phòng không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, số lao động qua đào tạo và đào tạo nghề không ngừng tăng lên qua các năm.
Kinh tế thị trường và xu thế hội nhập giao lưu quốc tế cũng góp phần xây dựng con người Hải Phòng được phát triển. Kinh tế thị trường năng động với hệ thông trang bị, công nghệ hiện đại đòi hỏi đội ngũ lao động phải được đào tạo, có tri thức, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp, có sức khỏe tốt, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp. Trước yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường đã tác động đến nhận thức và quan điểm của người dân Hải Phòng, đòi hỏi họ phải không ngừng học tập, rèn luyện và thường xuyên nâng cao trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, số học sinh, sinh viên đi du học thông qua các hình thức, hợp tác đào tạo liên kết có xu hướng tăng, đây cũng là mặt tích cực của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
2.1.3.2. Nguyên nhân của những hạn chế:
Thứ nhất, kinh tế Hải Phòng tuy đã đạt được sự phát triển đáng kể, nhưng hiện nay còn mất cân đối trên nhiều mặt như thiếu vốn đầu tư, thiếu tài nguyên, sự phát triển chưa cân đối, chưa tương xứng với tiềm năng, do vậy ảnh hưởng đến điều kiện, tiền đề xây dựng con người Hải Phòng hiện nay.
Lan tỏa đô thị Hải Phòng đòi hỏi đầu tư lớn, tốn kém hơn nhiều nơi. Khu vực nông thôn rộng (8 huyện, 1 thị xã), nông dân đông, đất nông nghiệp không phải là đất đai mầu mỡ, đời sống người dân chưa được nâng cao. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có phát triển song chậm, nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chưa nhiều (lao động làm trong các khu công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông không qua đào tạo với thu nhập thấp). Thực tế này chưa thực sự tạo ra động lực thôi thúc người lao động học tập, nâng cao trình độ. Những tồn tại trên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư xây dựng, chăm lo phát triển con người của thành phố trong thời gian qua.
Thứ hai, Hải Phòng là thành phố đất chật, người đông, nguồn lao động dồi dào. Lao động tăng thêm hàng năm lớn, chủ yếu là lao động trong khu vực nông thôn. Việc giải quyết việc làm cho họ là rất khó khăn. Lao động vừa
là một tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế vừa là một thách thức gay gắt đối với việc giải quyết viậc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
Bài toán đặt ra là muốn mở rộng, phát triển sản xuất để thu hút lao động và giải quyết việc làm nhưng lại thiếu vốn và công nghệ, làm cho việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp diễn ra một cách chậm chạp. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng con người chưa thể là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong tiến trình CNH, HĐH.
Thứ ba, khu vực nông thôn Hải Phòng rộng, nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu là phổ biến nên tâm lý sản xuất nhỏ, tác phong nông nghiệp còn ảnh hưởng lớn trong nhận thức và việc làm của người dân. Người dân có thói quen dựa vào sức mạnh cơ bắp là chủ yếu, chưa thực sự gắn kết “học với hành”, đào tạo ra nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động dẫn đến tình trạng thất nghiệp nhiều. Thực tế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng một lực lượng lao động có chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Thứ tư, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của thành phố chưa cao. Kinh phí đầu tư cho giáo dục - đào tạo và các đề tài nghiên cứu khoa học còn chưa tương xứng, chưa khơi dậy được tiềm năng, tạo ra động lực kích thích tính tích cực, năng động, sáng tạo của con người. Số lượng nhân tài về thành phố công tác còn hạn chế, đặc biệt là khu vực ngoại thành, do chế độ ưu đãi vẫn chưa cao. Ở một số nơi, vẫn tồn tại tính cục bộ, địa phương, bè phái, cất nhắc “con ông cháu cha” trong công việc, đề bạt chức vụ. Người tài không được bố trí vào vị trí, công việc phù hợp năng lực của họ. Hạn chế trên làm cho con người thui chột ý chí phấn đấu và vươn lên tiến bộ, phát triển.
Thứ năm, trong giáo dục - đào tạo con người còn nhiều bất cập: cơ cấu đào tạo bất hợp lý, chất lượng đào tạo thấp không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng, đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, kỹ
năng nghề nghiệp của người học còn chưa theo kịp với thực tế. Đầu tư cho đào tạo nghề chưa tương xứng.
Có thể nói, bước vào thời kỳ CNH, HĐH, thành phố Hải Phòng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện, hiện đại, chất lượng cao, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua con người, lực lượng lao động Hải Phòng phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình CNH, HĐH trên địa bàn thành phố. Việc đưa ra những phương hướng nhằm xây dựng con người mới, toàn diện có ý nghĩa to lớn, từ đó đề ra các giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng con người Hải Phòng đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của thành phố.
2.2. Phương hướng nhằm xây dựng con người đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH ở Hải Phòng hiện nay