- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
2.1.1. Thực trạng con người Hải Phòng hiện nay
Việc đánh giá đúng thực trạng con người Hải Phòng hiện nay là vấn dề quan trọng, là cơ sở để tìm ra những giải pháp khả thi để xây dựng con người Hải Phòng đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH.
- Về thể lực
Trong những năm gần đây, thể lực của con người nước ta nói chung được cải thiện về chiều cao, cân nặng, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tuổi thọ, tuy nhiên vẫn kém một số nước trong khu vực và so với yêu cầu nguồn nhân lực cần có ở nước ta.
Theo đánh giá chung thì hiện nay tầm vóc, thể lực của thanh niên, sinh viên và người Việt Nam ở độ tuổi lao động có sự tăng lên đáng kể trong vòng
25 năm qua. Chiều cao trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 3 - 4 cm. Ở lớp trẻ, nam giới có chiều cao trung bình là 165 cm và nữ là 155 cm. Từ 20 tuổi, chiều cao thân thể ở nam hầu như không phát triển; còn nữ 18 tuổi trở lên cũng dừng phát triển. So với hằng số sinh học năm 1975, năm 20 tuổi thời điểm năm 2001 tăng 6 cm chiều cao và nữ 20 tuổi tăng 5 cm chiều cao. Nếu so sánh chiều cao thân thể của trẻ em 10 tuổi ở thời điểm 2001 với trẻ em cùng tuổi ở thời điểm năm 1975, chúng ta thấy trẻ em sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hiện nay có sức lớn vượt trội. Trẻ em nam 10 tuổi hiện nay cao lớn hơn trẻ em nam cùng tuổi năm 1975 là 11 cm, trẻ em nữ 10 tuổi, ở độ tuổi dậy thì, cao hơn trẻ em nữ cùng tuổi thời điểm năm 1975 là 11 cm. (Theo tạp chí dân số và phát triển, Tổng cục dân số KHHGĐ năm 2008). Thành quả của thời kỳ đổi mới về kinh tế - xã hội đã đem lại đa số mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức lớn nhanh của trẻ em sinh ra và lớn lên trong những năm gần đây. Nhịp độ phát triển chiều cao thân thể hiện nay ở trẻ em 10 tuổi gần với chuẩn của nhiều nước tiên tiến. So với 25 năm về trước, cân nặng của người Việt Nam phát triển khá, nam 20 tuổi nặng hơn trước 8 kg, nữ 20 tuổi nặng hơn trước 3 kg (nam 20 tuổi hiện nay nặng 53,19 kg, dao động trên dưới 6,02 kg; nữ 20 tuổi hiện nay nặng 46,02 kg, dao động trên dưới 5,33 kg).
Tuy vậy, so với nhiều nước trong khu vực, cân nặng của người Việt Nam vẫn ít hơn đáng kể. Chiều cao và cân nặng ở thanh thiếu niên thành thị và thanh thiếu niên nông thôn ở nước ta không có sự khác biệt đáng kể, tuy nhiên ở thành thị có cao và nặng hơn chút ít; ở thành thị, nam 17 tuổi cao 165,33 cm, nặng 52,70 kg; nữ 17 tuổi cao 154,16 cm, nặng 44,91 kg. Ở nông thôn, nam 17 tuổi cao 164,11 cm, nặng 50,66 kg; nữ 17 tuổi cao 153,11 cm, nặng 44,37 kg.
Ở thành phố Hải Phòng, dân số trung bình năm 2005 là 1.793.000 người, năm 2012, tăng lên 1.900.796 người, chiếm 2,16 % dân số cả nước.
Mật độ dân số cư thành phố là 1.180 người/km2. Trong cơ cấu dân số, tỷ lệ nam nữ khá ổn định, nam chiếm khoảng 49,3 %, nữ khoảng 50,7%. Dân số của thành phố khá trẻ, có tới 22,8% dân số trong độ tuổi từ 0 - 14 tuổi, chỉ có 11% dân số từ 60 tuổi trở lên [28, tr. 56].
Nhìn chung, các chỉ số thể lực tính trung bình của người dân Hải Phòng vẫn ổn định. Tuy nhiên theo đánh giá chung thì tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Hải Phòng dưới 5 tuổi vẫn còn tồn tại khá nghiêm trọng, đặc biệt ở vùng nông thôn, năm 2005, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 15,2%, năm 2008 giảm còn 12%.
Theo số liệu thống kê của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thu nhập quốc dân bình quân đầu người của nước ta đứng thứ 150/173 nước. Ở Hải Phòng, thu nhập của người lao động, nếu tính theo bình quân theo đầu người thì thu nhập bình quân của người lao động Hải Phòng còn thấp, “năm 2003 thu nhập bình quân 1 người trong tháng của lao động doanh nghiệp nhà nước là 1.946.000 đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.808.000 đồng, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 864.000 đồng” [29, tr. 130].
Mức thu nhập như vậy mà tốc độ tăng dân số lại cao, trình độ hiểu biết về dinh dưỡng và sức khỏe của người dân thấp, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng sống, trong đó vấn đề giáo dục và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Mặt khác, điều kiện lao động trong nhiều cơ sở và các ngành sản xuất, cũng như một số cơ quan hành chính sự nghiệp của thành phố còn thấp kém, thậm chí môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng, nhất là trong các công ty đóng tầu, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các xí nghiệp khai thác đá vôi và nung vôi ở các huyện ngoại thành thành phố có xu hướng tăng cao. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động nói riêng và chất lượng dân số Hải Phòng nói chung.
- Về trí lực
Chất lượng người lao động còn được phản ánh chủ yếu qua sức mạnh trí tuệ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là trong điều kiện trí tuệ hóa, tri thức hóa lao động hiện nay. Trình độ trí tuệ biểu hiện ở năng lực sáng tạo, khả năng thích ứng, kỹ năng lao động nghề nghiệp của con người thông qua các chỉ số: dân số, học vấn trung bình của một người dân; số lao động đã qua đào tạo, mức độ lành nghề (kỹ năng, kỹ xảo); hay trình độ tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, năng suất, chất lượng, hiệu quả của lao động...
Theo đánh giá chung, con người nước ta có tư chất thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, có ý thức vươn lên làm giàu... đó là ưu thế nổi trội của con người Việt Nam. Những phẩm chất đó cho thấy năng lực, trí tuệ của con người nước ta có khả năng theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại. Nếu được xây dựng, đào tạo và được sử dụng hợp lý, người lao động nước ta có thể làm chủ được các loại hình công nghệ từ đơn giản đến hiện đại. Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá người lao động nước ta nhanh nhạy hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, năng lực về chuyên môn, trình độ tay nghề, khả năng thực tế của người Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của CNH, HĐH. Nguyên nhân chính là mặt bằng dân trí ở nước ta còn thấp (đặc biệt là những vùng nông thôn). Đại bộ phận lao động nước ta chưa được đào tạo đầy đủ, do đó chất lượng lao động chưa cao. Hiện nay tình trạng phổ biến về mất cân đối giữa cung và cầu lao động, thừa nhiều lao động giản đơn chưa qua đào tạo và thiếu lao động kỹ thuật cao.
Trước tình hình trên, yêu cầu đặt ra cho thành phố Cảng Hải Phòng là phải chú trọng: “Xây dựng con người Hải Phòng thời kỳ đổi mới phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực phát huy truyền thống trung dũng, quyết thắng, năng động, sáng tạo. Đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách
để vươn lên; có tác phong công nghiệp, văn minh, lịch thiệp; có trình độ văn hoá và tay nghề cao để tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ, quản lý, thích nghi nhanh với nền kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế hội nhập quốc tế” [29, tr. 217].
Trên thực tế, chất lượng con người Hải Phòng đang được cải thiện. Trí lực của người lao động được nâng cao “chỉ số giáo dục là 0,9 cao thứ 3 trong cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội và Đà Nẵng, tỷ lệ người biết chữ của người lớn là 95,4% chỉ xếp sau Hà Nội” [28, tr. 57]. Về trình độ học vấn, nhìn chung lao động khu vực thành thị có trình độ học vấn cao hơn nhiều so với lao động khu vực nông thôn. “Khu vực thành thị có 58,02% lao động tốt nghiệp THPT; 32,37% tốt nghiệp THCS trong khi đó các tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 15,14% và 52,24%” [28, tr. 77]. Điều này cho thấy, ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên môn kỹ thuật để chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Do vậy, thành phố Hải Phòng cần có cơ chế chính sách thích hợp để khuyến khích nâng cao trình độ học vấn cho người lao động ở nông thôn.
- Về những phẩm chất đạo đức, tinh thần của con người Hải Phòng Nói đến con người không thể không nói đến đạo đức, tư tưởng, văn hoá, tâm lý, tính cách của con người. Đây là những phẩm chất đạo đức, tinh thần có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng con người, thúc đẩy tính tích cực và làm gia tăng hiệu quả hoạt động của con người.
Trước hết, phải khẳng định rằng, con người Hải Phòng có tinh thần yêu nước sâu sắc, có ý thức dân tộc, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, có tư tưởng nhân văn, nhân ái, trọng tình nghĩa, đạo lý trong lối sống và ứng xử giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng...
Trong quá trình lao động sản xuất, xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã hình thành ở con người Hải Phòng truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó, giỏi chịu gian khổ. Tư tưởng giỏi chịu
đựng, cần cù đã giúp cho con người Hải Phòng có đức tính kiên trì, nhẫn nại, có khả năng thích ứng cao và nhanh chóng hoà nhập. Trong điều kiện tiến hành CNH, HĐH, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, điều này được thể hiện khá rõ.
Xuất phát từ lịch sử truyền thống dân tộc gắn liền với các cuộc đấu tranh bảo về độc lập dân tộc, con người Hải Phòng có tính đoàn kết cộng đồng, có phương thức ứng xử thông minh, khôn khéo, sáng tạo, năng động, linh hoạt, mềm dẻo. Với tinh thần anh dũng, bất khuất, lạc quan, có ý chí cao, không sợ hy sinh gian khổ... đã tạo nên những phẩm chất quý báu nói chung của con người Hải Phòng.
Cũng từ hoàn cảnh địa lý gắn liền với biển, đảo cùng với truyền thống cách mạng anh dũng, phong tục, tập quán... con người Hải Phòng có quan hệ cởi mở, vồn vã, khiêm tốn và nhã nhặn. Trong giao tiếp, nét đẹp của con người Hải Phòng là thẳng thắn, chất phác. Sinh ra và lớn lên ở một thành phố công nghiệp, giai cấp công nhân hình thành sớm, lại chịu ảnh hưởng của môi trường sống luôn ồn ào, sôi động nên con người nơi đây thường mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với những điều bất bình đẳng, không chịu đè nén, bất công. Do ít bị ảnh hưởng của lối giáo dục phong kiến và tư sản, con người Hải Phòng có lòng tự trọng cao, tôn trọng lẽ phải.
Con người Hải Phòng có nhu cầu lao động lớn, mong muốn có việc làm ổn định cuộc sống, có điều kiện đóng góp xây dựng xã hôi. Phải làm việc ở những khu công nghiêp, khu chế xuất, nhà máy đóng tầu... với cường độ lao động cao, sức ép công việc lớn, phải đối diện với sóng, biển, công suất máy móc, thiết bị cao... tạo ra nhịp điệu lao động của con người Hải Phòng rất khẩn trương, năng động, có tinh thần trách nhiệm cao trong lao động, có ý chí kiên cường, vượt mọi khó khăn, vất vả để quyết tâm hoàn thành công việc, tạo ra phong cách làm việc của công nhân công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh trên đây, chúng ta cũng phải nhận diện một số yếu kém còn tồn tại như sự suy giảm về mặt đạo đức một một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ, thậm chí của cả một số cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất. Cùng với sự xuất hiện của các yếu tố tiêu cực như chủ nghĩa cục bộ, địa phương, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, đề cao quá mức tiện nghi vật chất, xa hoa, lãng phí; sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ biểu hiện trong lối sống, trong cách ứng xử giữa người với người. Những tiêu cực này đang ảnh hưởng đến ý thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân thành phố Cảng. Vấn đề đặt ra ở đây chính là quan hệ con người trong nền kinh tế thị trường, là ý thức về trách nhiệm, bổn phân, nghĩa vụ cá nhân đối với những người thân trong gia đình, đối với cộng đồng và toàn xã hội. Nếu không đặt vấn đề giáo dục truyền thống, nếu không chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống... một cách đúng mức cả trong gia đình, nhà trường, lẫn xã hội thì tình trạng suy thoái đạo đức không những không sớm được ngăn chặn, mà còn đứng trước nguy cơ tiếp tục gia tăng. Một bộ phận thanh niên Hải Phòng có biểu hiện liều lĩnh, bất cần, lối sống anh hùng cá nhân, thích ăn chơi, đua đòi, ngạo mạn. Số người này tự do, tự tiện, ý thức tổ chức kỷ luật kém, lối sống thực dụng, không quan tâm đến sinh hoạt tập thể. Những cá tính này có nguyên nhân một phần do hậu quả chiến tranh kéo dài, tạo ra những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội tác động đến một bộ phận thanh niên, mặt khác, do ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, của lối sống buông thả và công tác giáo dục gia đình, nhà trường chưa có chiều sâu, thiếu đồng bộ và khoa học, chưa có những chính sách, biện pháp cụ thể về công tác tư tưởng và giáo dục thanh niên cho phù hợp.
Trước tình hình trên, thành phố Hải Phòng đã xác định giáo dục giữ vai trò đặc bịêt quan trong, đặc biệt là giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho con người. Coi trọng giáo dục gia đình, vì đây là tiền đề cho sự phát triển nhân cách ban đầu và là bước đi cực kỳ quan trong cho sự phát triển sau này của con
người. Trong thời kỳ ngồi học trên ghế nhà trường, cần chú trọng giáo dục truyền thống đạo đức và nếp sống. Những bài học lịch sử, những bài luân lý, đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách các em. Về phía đoàn thanh niên cũng phải coi trọng công tác giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống anh dũng của quân dân Hải Phòng, xây dựng thành niềm tự hào, kiêu hãnh, thành sự nhận thức tiềm tàng, máu thịt trong mỗi con người Hải Phòng. Đi đôi với giáo dục, điều quan trọng là Đoàn phải chủ động phối hợp với các ngành để đưa thanh niên Hải Phòng vào các đội hình lao động, bảo vệ Tổ quốc.