a) Định nghĩa
Thuốc cổ truyền là một vị thuốc sống hay chín hay một chế phẩm thuốc được phối ngũ lập phương và bào chế theo phương pháp của y học cổ truyền từ một hay nhiều vị thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật, hoặc khoáng vật có tác dụng chữa bệnh hoặc có lợi cho sức khỏe con người [8], [45].
b) Một số khái niệm thuốc cổ truyền liên quan khác:
- Cổ phương là phương thuốc được sử dụng đúng như sách vở cổ (cũ) đã ghi về: số vị thuốc, lượng từng vị, cách chế, liều dùng, cách dùng và chỉ định của thuốc. - Cổ phương gia giảm là phương thuốc có sự gia giảm về số vị thuốc, lượng từng vị, đôi khi cả cách chế, cách dùng, liều dùng theo biện chứng của thầy thuốc, trong đó cổ phương vẫn là cơ bản.
- Thuốc gia truyền là những môn thuốc, bài thuốc trị một chứng bệnh nhất định có hiệu quả và nổi tiếng một vùng, một địa phương, được sản xuất lưu truyền lâu đời trong gia đình.
- Tân phương (phương thuốc cổ truyền mới) được lập phương theo lí luận của y học cổ truyền, cũng được chỉ ra công năng, chủ trị, liều lượng, cách dùng một cách cụ thể [8].
2.2.1.2. Khái quát chung về thuốc y học cổ truyền trừ phong thấp:
a) Định nghĩa
Thuốc trừ phong thấp là những vị thuốc chữa các bệnh do phong hàn thấp tà xâm phạm vào da, kinh lạc, gân xương mà y học cổ truyền gọi là chứng tý [54].
b) Tác dụng – chỉ định
Có tác dụng phát tán phong thấp ở gân xương, cơ nhục, kinh lạc, chủ yếu là thông kinh hoạt lạc, khu phong hàn, trừ thấp, chỉ thống. Một số thuốc có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt.
Chỉ định chính là tý chứng, đau nhức mình mẩy, cân mạch co rút, tê dại, thắt lưng đầu gối yếu mỏi, ê ẩm…[17].
Trên lâm sàng trong YHHĐ thường dùng để chữa: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đau dây thần kinh, viêm cột sống tăng sinh, thấp khớp cấp, viêm quanh khớp vai…
c) Phân loại
Chia thành 3 nhóm: khứ phong thấp tán hàn, khứ phong thấp thanh nhiệt, khứ phong thấp cường gân cốt.
Thuốc khứ phong thấp tán hàn:
+ Thuốc trong nhóm này phần lớn có tính vị ấm, cay, đắng; quy kinh can, kinh tỳ, kinh thận (vị cay để khứ phong, vị đắng để táo thấp, tính ôn để trừ hàn).
+ Thuốc có tác dụng khứ phong thấp, tán hàn giảm đau, thư cân thông lạc.
+ Ví dụ: Độc hoạt, Uy linh tiên (Bạch hạc), Xuyên ô (phụ tử, ô đầu), Ô tiêu xà, Lôi công đằng, Mộc qua, Tàm sa, Tùng tiết, Hải phong đằng, Lộ lộ thông, Lưỡng diện châm,…
Khứ phong thấp thanh nhiệt:
+ Thuốc khứ phong thấp thanh nhiệt phần lớn là các vị thuốc có tính vị lạnh cay, đắng; quy kinh can tỳ thận nên có tác dụng khứ phong thắng thấp, thông lạc chỉ thống, thanh nhiệt tiêu thũng.
+ Ví dụ: Tần giao, Phòng kỷ, Tang chi, Hải đồng bì (cây vông nem), Ty qua lạc…
Khứ phong thấp cường gân cốt:
+ Thuốc trong nhóm phần lớn có tính ấm, vị đắng ngọt; quy kinh can, thận nên có tác dụng khứ phong thấp, bổ can thận, cường gân cốt.
d) Chú ý khi sử dụng
Khi dùng thuốc phải chú ý đến phân loại chứng tý, bệnh cũ hay mới, phạm vi xâm nhập của tà khí đồng thời phân biệt tính chất hàn, nhiệt của vị thuốc để mà lựa chọn và phối hợp thuốc cho thích hợp.
Lựa chọn:
Nếu phong thắng, dùng thuốc khu phong mạnh. Nếu hàn thắng, dùng thuốc ôn kinh tán hàn. Nếu thấp thắng, dùng thuốc hóa thấp.
Nếu nhiệt thắng, dùng thuốc thanh nhiệt trừ thấp khu phong.
Muốn gia tăng hiệu quả điều trị, tùy chứng trội mà phối hợp thuốc:
Nếu đau nhức gân cốt, khớp sưng nhiều: phối hợp thuốc hoạt huyết thông lạc, sẽ giúp dẫn thuốc đến các cơ quan đích nhanh hơn (trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tất diệt).
Với thuốc lợi niệu: để trừ thấp ra ngoài, làm bớt sưng vù tại chỗ.
Với các thuốc kiện Tỳ, vì tỳ ghét thấp và chủ việc vận hóa thủy thấp ra ngoài: Bạch truật, Hoàng kỳ.
Trong trường hợp có teo cơ cứng khớp, cần phải dùng thuốc bổ Can huyết vì Can chủ cân, nuôi dưỡng cân; vì Thận chủ cốt tủy, nên các bệnh xương khớp mạn tính cần dùng thêm các thuốc bổ thận: Đỗ trọng, Cẩu tích, Tục đoạn… Nếu lưng đau, chân yếu do Can Thận hư, phối hợp thuốc bổ Can Thận. Nếu bệnh lâu ngày, huyết hư, dùng thuốc bổ khí huyết.
Vì chứng tý là do phong, hàn, thấp ứ đọng ở kinh lạc, gân xương, nên cần phối hợp với các thuốc thông kinh hoạt lạc: Quế chi, Tế tân, Đan sâm…
Bệnh lâu ngày: dùng dạng ngâm rượu để tăng khả năng dẫn thuốc và tăng tác dụng giảm đau.
Thuốc trừ phong thấp phần lớn có tính táo, dễ làm hao thương âm huyết…, cho nên trong trường hợp âm hư huyết hao khi dùng phải thận trọng [8], [54], [45].
2.2.2. Một số cây thuốc trừ phong thấp
2.2.2.1. Thông tin cụ thể một số cây thuốc trừ phong thấp:
Tên khoa học, tên khác, tên đồng nghĩa, tên nước ngoài, bộ phận dùng của các cây được trích từ tài liệu [63]: Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
BA KÍCH
Tên khoa học Morinda officinalis, họ Cà phê (Rubiaceae)
Tên khác Ba kích thiên, dây ruột gà, chẩu phóng xì…
Bộ phận dùng: Rễ. Thành phần hóa học:
Anthraglucosid: tectoquinon, alizarin 1 methyl ether, rubiadin…; Anthraquinon: 1, 3, 8-trihydroxy-2-methoxy-anthraquinon (1), 2-hydroxy-1- methoxy-anthraquinon (2) và rubiadin (3) [68]; Iridoid glucosid: asperulosid, monotropein, morindolid, morofficinalosid…; Các sterol: β-sitosterol, oxositosterol…; Lacton: (4R, 5S) 5- hydroxyl hexan – 4 – olid; Các chất vô cơ: K, Na, Mg, Al, Fe, P, …; Đường, nhựa, acid hữu cơ. Rễ tươi có vitamin C [63].
Tác dụng sinh học:
- Tác dụng tăng lực: bằng phương pháp chuột bơi thực hiện trên chuột nhắt trắng,
Ba kích với liều 5 -10g/kg dùng liên tiếp 7 ngày trước lúc thí nghiệm, có tác dụng kéo dài thời gian chuột bơi [63].
- Tác dụng chống viêm: trên mô hình gây phù chân chuột cống trắng bằng kaolin,
Ba kích dùng với liều 5-10g/kg có tác dụng chống viêm rõ rệt [63], [68]; Monotropein chiết xuất từ rễ Ba kích đã được chứng minh là có tác dụng này. Monotropein ức chế sự tổng hợp nitric oxid (iNOS), cyclooxygenase-2 (COX-2), yếu tố hoại tử mô α (TNF-α), và interleukin-1β (IL-1β) mRNA trong các đại thực bào RAW 264.7 khi bị kích thích bởi lipopolysaccharid. Việc điều trị bằng monotropein đã làm giảm sự kết dính ADN của yếu tố nhân κB (NF-κB). Đồng thời, monotropein cũng ngăn chặn sự phosphoryl hóa IκB-α, từ đó ngăn chặn sự giải phóng NF-κB. Trong mô hình viêm ruột kết, monotropein đã làm giảm chỉ số hoạt động của bệnh, giảm hoạt động của myeloperoxidase, và các protein mã
hóa liên quan đến viêm thông qua ngăn chặn sự hoạt hóa NF-κB ở niêm mạc ruột. Tóm lại, những phát hiện này gợi ý tác dụng chống viêm của monotropein chủ yếu liên quan đến ức chế sự có mặt của chất trung gian gây viêm thông qua khử hoạt tính NF-κB, và có vai trò hỗ trợ chữa bệnh trong viêm ruột kết [162]. - Tác dụng chống trầm cảm: cao chiết Ba kích có hiệu quả chống trầm cảm và bảo
vệ thần kinh trong nhiều mô hình động vật gây trầm cảm, thành phần chủ yếu của nó là nhóm chất inulo-oligosaccharid.. Có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng chứng minh viên nang oligosaccharid từ Ba kích có thể chữa trị chứng trầm cảm mức độ nhẹ và vừa, hiệu quả chữa trị tương đương với fluoxetin, phản ứng phụ rất nhẹ [162], [104].
- Tác dụng chống độc: dùng phương pháp gây độc cấp bằng cách tiêm amoni clorua cho chuột nhắt trắng, Ba kích với liều 15g/kg có tác dụng tăng sức chống đỡ của cơ thể với yếu tố độc hại [63].
- Tác dụng trên hệ nội tiết: thí nghiệm trên chuột cống trắng đực chứng tỏ Ba kích không có tác dụng giống androgen nhưng có khả năng tăng cường hiệu lực của androgen. Đối với nam giới có hoạt động sinh dục yếu, Ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, tăng cường sức dẻo dai [63].
- Ngoài ra: Thành phần hoạt tính sinh học chủ yếu của loại thảo dược này là anthraquinon, được báo cáo là có tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống HIV [63], [68], [158].
- Ba hợp chất anthraquinon (1), (2), (3) chiết xuất từ rễ Ba kích có tác dụng bảo vệ chống lại sự tiêu xương khi thực hiện cắt bỏ buồng trứng ở chuột. Ở nồng độ 0,1 - 10µmol/l chúng làm giảm các lỗ rò do tiêu xương, làm giảm lượng tế bào hủy xương đa nhân, ức chế tartrate resistant acid phosphates (TRAP), enzim cathepsin K, thụ thể calcitonin và carbonic anhydrase II là những thành phần đặc hiệu cho hoạt động của tế bào hủy xương. Ngoài ra, ba hợp chất này còn có tác dụng chặn sự báo hiệu cho tế bào hủy xương của NK- ҡB (nuclear factor kappa B ) và JNK (c-Jun N-terminal kinases) đồng thời điều chỉnh tỉ lệ OPG/RANKL (Osteoprotegerin / receptor activator of NF-ҡB ) của tế bào tạo xương.
Một nghiên cứu khác cho rằng Anthraquinon và Polysaccharid chiết xuất từ Ba kích có liên quan đến việc điều chỉnh cũng như tăng cường sự hình thành xương, tăng sinh tế bào tạo xương in vivo, và có tác dụng trong ngăn ngừa và điều trị bệnh liên quan đến sự tiêu xương. So sánh với chuột được kiểm soát bình thường, Polysaccharid làm tăng sự xuất hiện của các gen như BMP-2, Rrankl, rOPG, mARN trên chuột được điều trị bằng Polysaccharid. Các gen này đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển, trao đổi chất của xương và sụn.
Như vậy, rễ Ba kích vừa có khả năng ức chế sự tiêu xương, vừa có thể tăng cường sự tái tạo và hình thành xương [68], [158].
- Ngoài ra: Cao chiết ethanol từ củ cây Ba kích có tác dụng giảm huyết áp, tác dụng nhanh đối với các tuyến cơ năng, bổ trí não, giúp ăn và ngủ ngon [140]. - Độc tính cấp: trên chuột nhắt trắng bằng đường uống có LD50=193g/kg (độ độc
rất thấp) [63].
Tác dụng, công dụng theo YHCT:
- Vị ngọt, hơi cay, tính ấm. Quy kinh thận.
- Tác dụng ôn thận trợ dương, cường gân cốt, trừ phong thấp. - Công dụng:
+ Bổ thận dương, mạnh gân cốt trị thận dương suy nhược dẫn dến di tinh, đau mỏi các khớp và tăng cường chức năng miễn dịch trong điều trị chứng loãng xương. + Trừ phong thấp: trị viêm khớp dạng thấp, viêm da…[45], [68], [84], [104].
Liều dùng, cách dùng: 5 – 12g/kg dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng [63]. Chống chỉ định, thận trọng
Người âm hư hỏa vượng, đại tiện táo kết [63].
Thảo luận
Ba kích có tác dụng ức chế sự tiêu xương, tăng cường sự tái tạo và hình thành xương, đồng thời có tác dụng tăng lực, tăng cường hiệu lực của androgen và chống viêm phù hợp với tác dụng trừ phong thấp trong YHCT.
Monotropein , Anthraquinon (1, 2, 3), polysaccharid là các hợp chất có hoạt tính sinh học chính.
BẠCH CHỈ
Tên khoa học Angelica dahurica, họ Hoa tán (Apiaceae)
Tên khác Hương bạch chỉ, phong hương. Tên nước ngoài Dahurian angelica (Anh)
Bộ phận dùng: Rễ. Thành phần hóa học:
Tinh dầu: α – pinen, camphen, β – pinen, myrcen, α – terpinen, α – phelandren, Δ3 – caren, terpinolen, 4 – vinylguaicol, isoelemicin, β – elemen, caryophylen, ligustilid, osthol và 7 hợp chất sesquiterpen;
Coumarin: byak – angelicin, byak – angelical, oxypeucedanin, imperatorin, isoimperatorin, phelopterin, angelicotoxin, xanthotoxol, isopimpinellin, bergapten, pabulenol alloimperatorin [48],[63], [90].
Tác dụng sinh học:
- Tác dụng kháng khuẩn:
Bằng phương pháp khuyếch tán thuốc trên môi trường cấy vi khuẩn, nước sắc và cao chiết từ Bạch chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, liên
cầu khuẩn tán huyết, tụ cầu vàng, trực khuẩn Subtilis, trực khuẩn lỵ Shigella shiga, Sh. sonnei, Sh. flexneri, tràng cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả và trực khuẩn thương hàn.
Ngoài ra Bạch chỉ còn có tác dụng kháng virus [48], [63]. - Tác dụng hạ sốt, giảm đau:
Trên thỏ gây sốt thực nghiệm bằng cách tiêm pepton, nước sắc Bạch chỉ có tác dụng hạ sốt rõ rệt. Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch acetic 0,6%, Bạch chỉ dùng với liều 10g/kg có tác dụng giảm đau, thể hiện giảm số lần quặn đau một cách có ý nghĩa [48], [63].
- Tác dụng chống viêm, miễn dịch:
+ Với mô hình gây phù chân chuột cống trắng bằng kaolin, Bạch chỉ với liều dùng 10g/kg có tác dụng chống viêm. Coumarin toàn phần chiết từ Bạch chỉ có tác
dụng chống viêm khớp thực nghiệm do albumin hoặc formadehyd gây nên [48], [63]. Trong đó, imperatorin được chứng minh là có tác dụng mạnh nhất trong số các furanocoumarin được phân lập từ Bạch chỉ, ức chế sự biểu hiện COX-2 và sự sản sinh prostaglandin E2 khi bị kích thích bởi LPS. Tác dụng tương tự với cao chiết ethyl acetat rễ Bạch chỉ và falcarindiol phân lập từ phân đoạn chiết hexan của Bạch chỉ [67], [91], [106].
+ Thành phần hoạt động chính của Bạch chỉ là các hợp chất coumarin, chúng có tác dụng ức chế IL-1β gây ra bởi cyclooxygenase-2 (COX-2), ức chế lipopolysaccharid gây ra bởi prostaglandin E2, ức chế acetylcholinesterase và ức chế enzim phân hủy GABA [99]
+ Cao chiết ethanol Bạch chỉ ở nồng độ 25-200 µg/ml có tác dụng chống viêm, thử nghiệm trên tế bào RAW 264,7: cao chiết Bạch chỉ ức chế COX-2 và iNOS dẫn đến ngăn chặn sự sinh ra prostaglandin E2 và dẫn xuất của iNOS (NO) khi bị kích thích bởi LPS. Đồng thời nó làm giảm TNF-α và IL-6, ức chế sự chuyển vị yếu tố nhân NF-ҡB [98].
- Tác dụng giải co thắt cơ trơn, bình suyễn:
Coumarin toàn phần chiết từ Bạch chỉ đối kháng với tác dụng kích thích ruột non thỏ cô lập của acetylcholin, ức chế co bóp tử cung thỏ tại chỗ, đồng thời có tác dụng bình suyễn trên mô hình gây co thắt khí phế quản chuột lang bằng histamin [63].
- Tác dụng kích thích trung khu thần kinh:
Chất angelicotoxin chiết từ Bạch chỉ dùng liều bé có tác dụng kích thích các trung khu vận mạch, hô hấp, thần kinh phế vị, tủy sống gây huyết áp tăng cao, nhịp tim chậm, hô hấp sâu thậm chí có thể gây nôn mửa, chảy nước miếng. Dùng liều cao gây co giật, liệt toàn thân [48], [63].
- Tác dụng đối với hệ tim mạch:
Coumarin toàn phần dùng bằng đường uống làm chậm nhịp tim thỏ, còn điện tim đồ không thay đổi. Hoạt chất isoimperatorin làm hạ huyết áp mèo, ức chế sức co bóp của tim ếch cô lập; còn byakangelicin lại làm giãn mạch vành [63].
- Chống u:
Các chất isoimperatorin và byakangelicin có tác dụng chống khối u [63] - Làm giảm chảy máu do đặt dụng cụ tránh thai [63].
- Độc tính: nước sắc Bạch chỉ ở những vùng trồng khác nhau, bằng đường uống trên chuột nhắt trắng có LD50 vào khoảng từ 42 – 47 g/kg. Coumarin toàn phần bằng đường uống trên chuột nhắt trắng có LD50 bằng 2110 ± 22 mg/kg [63].
Tác dụng, công dụng theo YHCT:
- Vị cay, tính ấm. Quy kinh phế, vị, đại tràng.
- Tác dụng: tán phong, trừ thấp, thông cùng, chỉ thống, tiêu thũng, bài nùng. - Công dụng:
+ Trừ phong, giảm đau: Chữa đau khớp xương, phong thấp, đau răng, viêm mũi mạn tính, đau dây thần kinh ở mặt, đau dạ dày.
+ Giải cảm hàn: Làm thuốc hạ sốt, giảm đau điều trị cảm cúm, sốt xuất huyết, đau nhức đầu.
+ Giải độc trừ mủ: Chữa viêm tuyến vú, mụn nhọt sưng mủ, vết thương do đụng dập, bỏng, rắn độc cắn.
+ Hành huyết, điều kinh: trị phụ nữ bế kinh, hoặc bệnh băng lậu.
+ Nhuận cơ, kiện cơ nhục: dùng trong trường hợp cơ nhục đau mỏi, vô lực, đặc biệt bệnh đau thắt vùng ngực cho hiệu quả tốt [45], [63].
Cách dùng, liều dùng:
5 – 10g/ngày, sắc nước uống hoặc dùng viên, hoàn, bột.
Dùng ngoài, lượng vừa đủ, nghiền thành bột đắp tại chỗ, hoặc dùng nước sắc để rửa.
Chống chỉ định
Âm hư huyết nhiệt. Sốt xuất huyết [45], [63].
Thảo luận
Bạch chỉ có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, là yếu tố gây ra một số dạng phong thấp (thấp khớp cấp…). Hơn nữa, Bạch chỉ có tác dụng chống viêm, đặc biệt
là chống viêm khớp và tác dụng hạ sốt, giảm đau góp phần chứng minh công dụng