Như đã phân tích ở các chương trước, pháp luật về công ty của Việt Nam đã quy định đồng nhất sáng lập viên công ty cổ phần với cổ đông sáng lập một cách máy móc chứ không hẳn do xuất phát từ bản chất của vấn đề. Các nghĩa vụ của sáng lập viên công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam được hiểu là nghĩa vụ của cổ đông sáng lập. Bởi vậy trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ của sáng lập viên cũng là trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ của cổ đông sáng lập. Những nghĩa vụ của cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 bao gồm:
Các cổ đông sáng lập phải mua tối thiểu 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Các cổ đông sáng lập không được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông thuộc quyền sở hữu cho người không phải là cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong thực tế, việc vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp thứ hai của các cổ đông sáng lập khá phổ biến với các công ty cổ phần được thành lập do chuyển đổi từ công ty khác hoặc do cổ phần hóa. Các cổ đông sáng lập của các công ty này thường là các cán bộ nhân viên được quyền mua cổ phần của công ty chuyển đổi. Những cổ đông này thường không giữ được cổ phần lâu mà nhanh chóng mua bán trao tay cho người khác và không công khai trên sổ cổ đông của công ty. Tuy vậy hành vi vi phạm nghĩa vụ duy trì cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập cũng chưa được quy định cách thức xử lý và chế tài xử phạt nên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Nếu cổ đông sáng lập không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày thì theo quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 thì những hệ quả pháp lý phát sinh đối với cổ đông sáng lập như sau:
Nếu chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì người đó sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
Nếu cổ đông mới chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã mua thì cổ đông đó chỉ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán, không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Số lượng cổ phần chưa được thanh toán sẽ do các cổ đông khác góp
mua hoặc huy động từ nhà đầu tư và công ty sẽ phải làm thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Ngoài những quy định nêu trên, Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định về trường hợp “lifting the veil” (ngoại lệ của tính trách nhiệm hữu hạn) đối với cổ đông sáng lập. Đó là trong thời gian các cổ đông đang thực hiện việc góp đủ số vốn tương ứng số cổ phần chưa được thanh toán thì các cổ đông sáng
lập sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn với các nghĩa vụ tài sản và các khoản nợ phát sinh trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa được góp đủ đó (Khoản 3, Điều 84, Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2005). Và nếu cổ đông sáng lập trở thành thành viên quản lý của công ty cổ phần mới thì người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn khi vi phạm vào các nghĩa vụ cơ bản của người quản lý công ty (nghĩa vụ cẩn trọng, trung thực) . Đó là các trường hợp thực hiện các giao dịch nội gián thu lợi cá nhân mà không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc gây thiệt hại cho công ty trong khi thực hiện vai trò quản lý của mình.
Hiện tại, Luật Hình sự Việt Nam sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2010 đã quy định các tội hình sự trong lĩnh vực chứng khoán: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; và thao túng giá chứng khoán. Các quy định này có phạm vi áp dụng bao gồm hành vi của cả các cổ đông sáng lập của công ty cổ phần, tuy nhiên những quy định này vẫn mang tính định lượng và chưa mang nhiều tính thực tiễn.
Có thể thấy, cổ đông sáng lập là dạng tồn tại rõ ràng nhất và phổ biến nhất của sáng lập viên công ty cổ phần trong thời đại hiện nay nên việc quy định của Luật Doanh nghiệp như vậy là đúng theo xu thế chung của các quốc gia có Luật Công ty và thuận tiện cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vì bỏ qua việc nghiên cứu và quy định về các quan hệ pháp luật trong giai đoạn trước khi công ty được hình thành nên những trách nhiệm pháp lý của sáng lập viên công ty cổ phần theo luật Việt Nam chưa phản ánh được đầy đủ bản chất pháp lý của vấn đề trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của chủ thể này.