Có thể tiêm cầm máu bằng adrenalin 1/10000, cồn tuyệt đối, nước muối ưu trương hoặc dùng nhiệt hoặc cầm máu cơ học bằng cách kẹp clip. Nếu có điều kiện nên phối hợp tiêm cầm máu với các phương pháp cầm máu khác, đặc biệt trong trường hợp máu đang chảy từ động mạch sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như khả năng phải can thiệp bằng phẫu thuật [41].
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 81,67% bệnh nhân được tiêm cầm máu, 3,3% bệnh nhân được kẹp clip, và 11,67% bệnh nhân phối hợp cả tiêm cầm máu và kẹp clip. Các bệnh nhân sau khi nội soi cầm máu thì máu không chảy nữa. Trong 2 nhóm nghiên cứu thì 100% nhóm 1 được cầm máu nội soi, trong khi nhóm 2 có 6,67% bệnh nhân không cầm máu qua nội soi. Do một số bệnh nhân có mức độ chảy máu Forrest IIB, các cục máu đông đã được hình thành tại vị trí chảy máu, việc phá bỏ cục máu đông hay tiêm cầm máu được đánh giá và xử trí hợp lý.
Đinh Thu Oanh nghiên cứu trên 60 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng được tiêm dung dịch adrenalin 1/10000 kết hợp với kẹp clip qua nội soi. Kết quả: hiệu quả cầm máu kỳ đầu tiên sau tiêm và kẹp cầm máu là 100%. Tỷ lệ tái phát là 1,7%, phẫu thuật 0%, tử vong 0%. Tác giả kết luận: Phương pháp kết hợp tiêm và kẹp cầm máu để điều trị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng là an toàn, có hiệu quả cầm máu ban đầu cao, giảm tỷ lệ tái xuất huyết, giảm chi phí và thời gian nằm viện cho bệnh nhân [19].
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 5 bệnh nhân tái xuất huyết thì cả 5 bệnh nhân này đều chỉ được tiêm cầm máu nội soi. Theo khuyến cáo của Trung tâm hướng dẫn lâm sàng quốc gia Anh, không sử dụng đơn trị liệu cầm máu nội soi
57
bằng tiêm cầm máu arenalin trong xử lí xuất huyết tiêu hóa không do giãn tĩnh mạch [67]. Việc tiêm cầm máu nên được kết hợp với một biện pháp khác để tăng hiệu quả cầm máu (ví dụ kẹp clip).
4.2. Phân tích hiệu quả điều trị