Virus gây bệnh cúm gia cầm

Một phần của tài liệu tình hình chăn nuôi và tiêm phòng bệnh trên heo, gà, vịt ở huyện cờ đỏ, thành phố cần thơ từ năm 2010 đến năm 2013 (Trang 34)

- Hình thái và cấu trúc

Virus gây bệnh cúm gia cầm thuộc họ Orthomyxoviridae chứa ARN có độ dài trung bình là 80-120nm. Vỏ bọc của virus này là glycoprotein có kháng nguyên bề mặt NA (Neuraminidase) và HA (Hemaglutimin). Tác dụng của gai HA là giúp virus gắn lên thụ thể cảm trên bề mặt tế bào ký chủ một cách dễ dàng, còn gai NA có tác dụng phá hủy thụ thể của tế bào và giúp phóng thích virus đã nhân lên từ tế bào bị nhiễm. Có 3 loại virus cúm là cúm type A, B, C được phân biệt thông qua bản chất kháng nguyên NP (Nucleoprotein) và M (Matrix Antigen).

26

Cho đến nay chỉ có virus type A được phân lập từ các loại gia cầm. Các virus cúm type A lại chia thành các phân type đặc thù bởi các kháng nguyên gây ngưng kết hồng cầu H (từ H1-H16) và 9 subtype N (từ N1-N9), mỗi virus có một trong số hai phân type khác nhau với khả năng gây bệnh không giống nhau (Suss J. et al., 1994).

Virus gây bệnh cúm gia cầm chủ yếu là loại H5, H7 và H9 gây bệnh cho gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điễu, các loại chim và có thể lây bệnh cho cả người (Lê Văn Năm, 2004).

Thành phần của virus cúm gia cầm: ARN của virus chiếm 0,8-1,1%, protein chiếm 70-75%, lipid chiếm 20-24%, hydro carbon 5-8%.

- Sức đề kháng của virus cúm gia cầm

Virus có sức đề kháng yếu, bị vô hoạt nhanh bởi các yếu tố môi trường bên ngoài nếu như không được bảo vệ bằng các chất hữu cơ có trong nước bọt và phân.

Virus có vỏ nên rất mẫn cảm với ether, chloroform và một số chất sát trùng khác như NaOH 3-5%, phenic acid 5%, formol 3%, cresyl 5%, nước vôi 10%...virus rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng bị diệt nhanh chóng bởi ánh sáng mặt trời. Nhiệt độ khoảng 800C virus bị diệt sau 1 phút. Virus có thể bảo tồn độc lực một thời gian dài trong điều kiện lạnh, ở 40C trong các chất hữu cơ virus sống ít nhất 35 ngày. Trong nước ao hồ nếu không được xử lý bằng hóa chất, virus duy trì tính gây bệnh trong 4 ngày ở 220C và hơn 30 ngày ở O0C (Hồ Thị Việt Thu, 2012).

- Đặc tính gây bệnh

Chỉ 1-2 ngày sau khi vào cơ thể, virus cúm gia cầm được đào thải ra bên ngoài phân, nước mũi, miệng. Virus tồn tại khá lâu trong các vật chất hữu cơ như trong phân gà: 30-35 ngày ở 40C và 7 ngày ở 200C. Trong các nguồn thức ăn, nước uống bị ô nhiễm virus có khả năng tồn tại hàng tuần. Đây chính là nguồn bệnh nguy hiểm và tiềm năng để không những gà mà các loài thủy cầm (vịt, ngan) và các loài động vật khác cũng bị nhiễm (Lê Văn Năm, 2004).

2.3.3 Cơ chế sinh bệnh

Tùy chủng virus gây bệnh, độc lực virus, loài gia cầm cảm nhiễm… Tính chất bệnh thay đổi từ không gây tổn thương bệnh lý hoặc chỉ gây thể nhẹ ở đường hô hấp trên đến thể nặng với 100% gia cầm mắc bệnh và tỷ lệ chết lên đến 100%.

Đối với những chủng virus có độc lực cao, sau khi xâm nhập vào cơ thể gia cầm, virus vào máu nhân lên rất nhanh gây virus huyết, virus tràn lan khắp cơ thể gây viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, gây xuất huyết tràn lan khắp phủ tạng.

27

Đối với những chủng có độc lực yếu và vừa, virus tác động chủ yếu gây viêm đường hô hấp trên, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết thấp nhưng nếu có nhiễm trùng kết hợp với vi khuẩn bệnh có thể nặng hơn (Hồ Thị Việt Thu, 2012).

2.3.4 Triệu chứng và bệnh tích

-Triệu chứng

Triệu chứng trên gà.

Gà từ 3 tuần tuổi đến hai tháng tuổi biểu hiện chủ yếu là ho hen đột ngột và nhanh chóng lan ra cả đàn. Gà bị sốt cao, nước nắt, nước mũi chảy dàn dụa, nhiều gà phải há mồm thở dốc, rướn cổ để hít khí, có con vẩy mỏ khạc đờm, đờm nhầy đặc đôi khi có lẫn máu. Gà bị tụt mào, mào tích thâm tím hoặc xuất huyết nhưng ít phù nề. Thấy rõ xuất huyết dưới da chân, kẽ móng chân ở gà sắp chết. Gà kém ăn nhưng uống nhiều nước, ỉa chảy phân loãng trắng xanh. Gà hay nằm, run rẩy đi không vững, đầu cổ co giật lắc lư. Bệnh thường kéo dài 1-10 ngày và kết thúc với tỷ lệ chết cao 70-100%.

Ở gà từ 3-10 tháng tuổi, đặc biệt là gà sắp đẻ bệnh diễn biến rất nhanh, luôn ở thể cấp tính và quá cấp tính với các triệu chứng sau: một số con trong đàn sốt cao, mào và tích bị thâm tím, phù nề và xuất huyết. Sau đó khó thở, đầu hay lắc, rướn cổ để hít khí hoặc để khạc đờm, đờm dãi thường đặc quánh và có lẫn máu. Tình trạng đàn gà không bình thường, có con chạy toán loạn, có con nhảy xốc lên giẫy dụa, xoay vòng một lúc rồi chết, một số con chết đột ngột không có triệu chứng gì. Các biểu hiện lâm sàng của các con gà trong đàn cũng khác nhau. Gà bệnh thường thấy xuất huyết dưới da chân. Bệnh tiến triển nhanh, chỉ 3-4 giờ đến 1-2 ngày đã có rất nhiều gà chết. Ở những đàn gà kéo dài 2-3 ngày thì thấy hầu như gà ngừng đẻ và bị rối loạn tiêu hóa nặng (Lê Văn Năm, 2004).

Triệu chứng bệnh ở vịt, ngan.

Bệnh thường tập trung ở lứa tuổi 2-11 tháng tuổi với các biểu hiện.

Về hô hấp: ngan, vịt bị cúm lúc đầu chảy nước mũi, nước mắt, mắt bị viêm giác mạc và có dữ mắt. Sau đó sốt cao, khó thở, phải há mồm để thở.

Về tiêu hóa: ngan, vịt kém ăn, bỏ ăn, tiêu chảy mạnh phân loãng trắng hoặc loãng xanh, xung quanh lỗ huyệt bẩn, niêm mạc hậu môn bị phù nề và xuất huyết nặng.

Về sinh sản: chỉ 1-2 ngày sau khi xảy ra bệnh năng suất trứng giảm rõ rệt thậm chí ngừng đẻ.

28

Về thần kinh: ngan, vịt yếu chân, bại chân, đi không vững, đầu lắc lư, hay nằm (Lê Văn Năm, 2004).

- Bệnh tích

+ Bệnh tích đại thể

Thể nhẹ: chỉ thấy viêm mũi từ thể cata, tơ huyết đến nhày mủ (mucopurulent) và bị casein hóa có thể làm tắt đường dẫn khí gây ngạt thở, thối mí mắt. Mổ khám thấy khí quản phù nề, đọng nhiều dịch rỉ (exudates), viêm thanh dịch đến casein, nhiều chất nhày. Túi khí viêm dày lên và có nhiều tơ huyết bám dính. Buồng trứng bị viêm xuất huyết, ống dẫn trứng bị viêm rỉ dịch, trứng non bị đập vỡ, ruột bị viêm xuất huyết từ cata đến hóa sợi, nặng nhất là vùng ruột non manh tràng và hậu môn.

Bệnh nặng: nhiều trường hợp trong ổ dịch cúm chết quá nhanh không để lại bệnh tích, nhưng có một số gia cầm khác thì các biến đổi đại thể thể hiện khá rõ. Mũi bị viêm tịt, màu tích thâm tím, sưng dày lên, xuất huyết điểm và hoại tử. Khi cắt đôi mào hoặc tích thấy có màu vàng xám và óng ánh như gelatin. Mí mắt và mặt phù nề, đầu sưng to. Xuất huyết dưới da ở chân, kẽ móng chân và một số vùng khác như đùi, lưng… Xác gia cầm béo nhưng thịt thâm và khô. Viêm teo, xuất huyết và gây hoại tử ở gan, lách, thận.

Ngoài ra còn thấy ở gà dạ dày tuyến, van hồi manh tràng, niêm mạc hậu môn bị xuất huyết từ cata đến fibrin nặng (nhưng không phải xuất huyết ở đỉnh dạ dày tuyến như Newcastle), thận bị sưng to căng phồng như bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB). Tụy teo do mất nước, xoang bao tim có dịch thấm xuất vàng và xuất huyết điểm màng bao tim. Viêm dính phúc mạc và túi khí. Xuất huyết dưới da và cơ ở vùng đùi, ngực bên trong lồng ngực. xuất huyết mỡ bụng, mỡ bao tim và mỡ màng treo ruột là bệnh tích đặc trưng. Xuất huyết niêm mạc khí quản thường chứa nhiều dịch nhầy (Cục Thú Y, 2007).

Biến đổi đại thể trên vịt về cơ bản cũng giống như gà. Tuy nhiên tần suất biến đổi tập trung tập trung chủ yếu ở phổi, tim, buồng trứng và sau cùng mới là hệ tiêu hóa.

Triệu trứng hô hấp ở vịt thường nhẹ, ít thấy hơn so với gà nhưng bệnh tích ở phổi lại thường xuyên hơn. Phổi phù nề, tụ huyết nặng. Xuất huyết màng xương ngực (đặc thù của bệnh). Viêm fibrin túi khí, thành túi khí dày và đục. Xoang bao tiêm có nhiều dịch viêm có fibrin. Gan hơi sưng, một số trường hợp bị phủ fibrin (Hồ Thị Việt Thu, 2012).

29

+ Bệnh tích vi thể

Các biến đổi đặc trưng về tổ chức học bao gồm: phù nề, sung huyết, xuất huyết và thâm nhập lâm ba cầu đơn nhân ở cơ vân, cơ tim, lách, phổi, mào tích, gan, thận, mắt và hệ thần kinh (Hồ Thị Việt Thu, 2012).

2.3.5 Chẩn đoán

- Chẩn đoán lâm sàng

Dựa vào đặc điểm dịch tễ là bệnh xảy ra ở nhiều loại gia cầm, ở mọi lứa tuổi mẫn cảm với bệnh, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao.

Các triệu chứng điển hình gồm: thở khó, thở dốc, viêm mũi, phù nề mặt và đầu, phù thũng, xuất huyết mào tích, xuất huyết ở da chân và ngón chân, triệu chứng thần kinh…

Bệnh tích ở mào rất điển hình: thâm tím, sưng tấy, phù nề, xuất huyết. Viêm xuất huyết hoại tử ở tim, gan, lách, thận, phổi, tụy. Xuất huyết ở mỡ bụng, mỡ tim, mỡ màng treo ruột, niêm mạc hậu môn, dưới da, cơ đùi, lồng ngực…

- Chẩn đoán virus học

Phương pháp thích hợp để phân lập là tiêm truyền qua phôi gà hoặc tế bào nuôi cấy. Tiêm 0.1ml vào túi niệu phôi gà 9-11 ngày tuổi, phôi được ấp tiếp ở 370C trong 2-3 ngày. Một số virus có độc lực cao có thể gây chết phôi gà 18-24 giờ. Virus nhân lên trong trứng có hiện tượng ngưng kết hồng cầu gà. Nếu không gây ngưng kết hồng cầu gà có thể lấy nước trứng tiếp tục tiêm cho phôi gà. Giám định virus phân lập được bằng phản ứng HI, phản ứng ELISA và RT-PCR (Hồ Thị Việt Thu, 2012).

Một phần của tài liệu tình hình chăn nuôi và tiêm phòng bệnh trên heo, gà, vịt ở huyện cờ đỏ, thành phố cần thơ từ năm 2010 đến năm 2013 (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)