Từ các ước lượng có được qua phân tích DEA cho thấy, hiệu quả kỹ thuật thuần của một số các ngân hàng thương mại cổ phần còn thấp như VPB, SEA, HDB
như vậy việc nâng cao hiệu quả kỹ thuật thuần là điều tất yếu để đạt được hiệu quả hoạt động tăng trưởng bền vững và ổn định. Một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kỹ thuật thuần như:
Nâng cao năng lực quản trị và điều hành ngân hàng. Nâng cao năng lực nhân sự.
Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Nâng cao năng lực quản trị và điều hành ngân hàng
Trước đây, khi các ngân hàng hoạt động với quy mô nhỏ, tổ chức của các ngân hàng theo mô hình tập trung quyền lực cao, gần đây quy mô của các ngân hàng không ngừng gia tăng nên mô hình tổ chức theo quy mô nhỏ không còn phù hợp nữa, do vậy mà việc cơ cấu mô hình tổ chức ngân hàng là một giải pháp không thể thiếu trong tiến trình xây dựng hệ thống ngân hàng theo chủ trương của NHNN về hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng thương mại cần nâng cao năng lực quản trị của các vị trí chủ chốt trong ngân hàng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quy định chặc chẽ quyền lợi, nhiệm vụ của các chức danh trong bộ máy quản lý; hoàn thiện mô hình quản trị phù hợp; xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh và đảm bảo mọi nhân viên phải nghiêm chỉnh chấp hành; quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao năng lực quản lý thông qua các khóa đào tạo ngắn và dài hạn với chất lượng được đầu tư thỏa đáng.
Nâng cao chất lượng nhân sự
Hiện nay các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam vẫn chưa phát huy tối đa được các tiện ích từ tiến bộ của công nghệ đem lại, do đó khá nhiều ngân hàng vẫn có thiên hướng sử dụng nhiều lao động, tuy nhiên kết quả phân tích từ năm 2008 đến 2012 cho thấy, hiệu quả mở rộng quy mô theo cách thức này đang có xu hướng giảm. Như vậy, để cải thiện được hiệu quả hoạt động của mình các ngân hàng cần:
Đánh giá lại thực lực nguồn nhân lực hiện có một cách đúng đắn chi tiết từ cán bộ quản lý đến nhân viên nghiệp vụ, cơ cấu tuổi và trình độ trên cơ sở đó phân loại cán bộ để có cách thức đào tạo phù hợp, có vậy mới có thể giải quyết được vấn đề
đang đặt ra đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay, đó là nguồn nhân lực mặc dù thiếu những vẫn thừa, thiếu ở đây là thiếu các nhân lực với trình độ chuyên môn đáp ứng được nhu cầu công việc nhưng thừa các cán bộ nhân viên không đủ trình độ và năng lực đối với công việc được giao. Giải pháp đối với các ngân hàng thương mại là phải sắp xếp, tinh giảm số lao động dư thừa không thích hợp yêu cầu công việc, bổ sung nhân sự được đào tạo chuyên sâu có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, trẻ hóa đội ngũ nhân viên.
Coi trọng việc đào tạo, coi đó là một yêu cầu chủ chốt trong chiến lược phát triển của ngân hàng, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ khi mới được tuyển dụng, chú trọng đào tạo cả chuyên môn lẫn đạo đức để xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, tinh thông nghề nghiệp. Bên cạnh đó các ngân hàng cần tiếp tục đào tạo, cập nhập kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên, bồi dưỡng nâng cao nguồn lực hiện có để đáp ứng yêu cầu mới. Cách thức đào tạo có thể là gửi nhân viên đi đào tạo nước ngoài hoặc xây dựng quy chế về đào tạo, kế hoạch đào tạo, trao đổi nghiên cứu với các ngân hàng và các tổ chức uy tín trên thế giới để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được tiếp cận với những công nghệ mới, học hỏi những kinh nghiệm quản trị, điều hành của các tổ chức này. Sau khi đào tạo, các ngân hàng cũng phải thường xuyên tổ chức thi sát hạch chuyên môn nhằm nâng bậc, nâng lương cho đội ngũ cán bộ có như vậy mới bắt buộc người lao động không ngừng học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Đồng thời cũng phải xây dựng một chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút, khuyến khích người lao động tích cực hơn trong công việc.
Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng
Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần phải đối mặt với nhiều thách thức từ phía các ngân hàng nước ngoài khi họ có nhiều lợi thế về công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải sớm tiến hành thực hiện việc hiện đại hoá, nhanh chóng đưa ra những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Để có được các sản phẩm dịch vụ hiện đại thì công nghệ ứng dụng phải tốt. Toàn bộ dữ liệu hoạt động của ngân hàng cần được tập trung tại cơ sở dữ liệu trung
tâm, mọi thay đổi sẽ được cập nhật trực tuyến và tức thời. Tốc độ đường truyền và liên kết giữa các chi nhánh trong cùng hệ thống hoặc giữa các ngân hàng tham gia liên minh chất lượng phải tốt và luôn được giám sát để không xảy ra các sự cố như tắt nghẽn, quá tải trong những thời gian cao điểm. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cần xây dựng kế hoạch dài hạn cho đầu tư và phát triển công nghệ, do công nghệ mà đặc biệt là công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng luôn có sự thay đổi không ngừng, việc cập nhật các công nghệ mới giúp cho các phương tiện này không bị lỗi thời.
Bên cạnh sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ về phần cứng cần lưu ý lựa chọn các phần mềm có khả năng mở rộng các ứng dụng dịch vụ. Như vậy, nếu các ngân hàng thương mại làm tốt được những việc như trên sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thể nâng cao hoạt động của mình, cải thiện hiệu quả kỹ thuật, đặc biệt là đối với các ngân hàng đang đối mặt với hiệu suất giảm theo quy mô, tức quy mô hoạt động càng tăng thì hiệu quả càng giảm, bằng cách cải tiến kỹ thuật họ có thể phá vỡ được quy luật này, khi đã có nền tảng vẫn chắc về công nghệ dần dần các ngân hàng có thể tăng thị phần thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh trong thời kỳ hội nhập.
Mặc dù trong thời gian qua các ngân hàng trong nước đã chú trọng hơn đầu tư vào công nghệ thông tin nhưng đóng góp của tiến bộ này vào hiệu quả hoạt động của các ngân hàng còn nhiều hạn chế và thực trạng hệ thống công nghệ thông tin của ngành ngân hàng vẫn bị đánh giá là yếu kém, cục bộ. Nguyên nhân là do nhiều ngân hàng mặc dù đã triển khai các phần mềm hiện đại với chức năng hoạt động trực tuyến, tạo thêm nhiều sản phẩm gia tăng cho khách hàng trong quá trình giao dịch với ngân hàng; các phần mềm mà một số NHTMCP đang ứng dụng đều là những phần mềm thế hệ mới được nhiều ngân hàng trên thế giới đang sử dụng. Tuy nhiên, công tác triển khai chậm và khi triển khai xong, một số bộ phận lại chưa khai thác hiệu quả công nghệ đó và đặc biệt là nguồn nhân lực của các ngân hàng chưa hoàn toàn làm chủ được những công nghệ mới này nên việc khai thác các hệ thống công nghệ thông tin thiếu hiệu quả.
Như vậy, để tăng hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới các NHTMCP cần thực hiện hợp tác, xây dựng đối tác chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng công nghệ của nhau nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng cơ sở hiện có.