Khái quát về đội ngũ công nhân ở Hà Nộ

Một phần của tài liệu Trí thức hóa đội ngũ công nhân ở Hà Nội thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 53)

Từ ngày 01/08/2008, Nghị quyết 15/QH của Quốc hội (khóa XII) có hiệu lực về điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Theo đó Hà Nội mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thành phố Hà Nội (cũ), tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hà Nội ngày nay có tổng diện tích tự nhiên là 3.344,7km2, nằm ở hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn. Tính đến ngày 1/4/2009, dân số Hà Nội là 6.451.909 người; mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 1.979 người/km2; mật độ dân số cao nhất ở quận Đống Đa với 35.341 người/km2; trong khi đó những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, mật độ chỉ dưới 1.000 người/km2.

Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Thời gian qua, thành phố đã có những bước đi tiên phong trong đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn ngoại lực cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thủ đô và cả nước.

Trong khủng hoảng và suy thoái kinh tế chung vừa qua, Hà Nội không phải là trường hợp ngoại lệ, kinh tế thủ đô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và lấy lại tốc độ phát triển cao của thời kỳ trước khủng hoảng và cao so với cả nước (từ 1,4 - 1,5 lần). Hà Nội vẫn là đầu tàu tăng trưởng và địa bàn hấp dẫn đầu tư lớn ở phía Bắc, có thu hút đầu tư nước

50

ngoài. Trong giai đoạn trước suy giảm và khủng hoảng 1991 - 2008, kinh tế Hà Nội đạt mức tăng trưởng GDP bình quân từ 9,7 - 11,4%/năm; giai đoạn bị ảnh hưởng khủng hoảng nặng nhất năm 2009 vẫn tăng trưởng 6,7%/năm; năm 20110 tăng trưởng đạt 10,1% và năm 2011 tăng trưởng đạt xấp xỉ 11,1%; tính chung cả giai đoạn 2006 - 2011, tăng trưởng vẫn đạt bình quân 10,73/năm [63, tr.105]

Hà Nội đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng, nông - lâm - thủy sản. Năm 2005, cơ cấu kinh tế thành phố là: 51,6% - 39,3% và 9,1%; năm 2010, sự chuyển dịch cơ cấu tương ứng: 52,5% - 41,4% và 6,19%. Hà Nội là một trong số ít địa phương có tỷ trọng ngành dịch vụ cao hơn ngành công nghiệp. Tỷ trọng hai ngành dịch vụ - công nghiệp trong cơ cấu chung chiếm tới 93 - 94%, nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 6% - tương đương một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippin [63, tr.105]. Xét về cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng GDP thuần túy thì Hà Nội có bước phát triển vượt trội so với cả nước và đang tiếp cận gần với cơ cấu kinh tế của các nước trong khu vực.

Thu hút FDI đạt được bước tiến đáng kể, có hàng nghìn doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa bàn. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ và thị trường xuất khẩu của thủ đô không ngừng mở rộng. Tính trung bình trong giai đoạn mới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn đạt bình quân xấp xỉ 23%, gấp 2 - 2,5 lần so với tốc độ tăng GDP. Tỷ trọng kinh tế nhà nước trong kim ngạch xuất khẩu giảm dần, từ 80% năm 2000 xuống 41% năm 2010; trái lại, kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 7% lên 15%; kinh tế FDI tăng nhanh nhất từ 13% lên 44%. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người của Hà Nội khá cao, năm 2010 đạt 1.234,5 USD/người, cao hơn mức bình quân chung của nước. Thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực quốc gia và vùng lãnh thổ [63, tr.106-107].

Như vậy có thể thấy mặc dù đứng trước những khó khăn, ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế nhưng thủ đô Hà Nội vẫn cho thấy những sự phát triển vượt bậc, những thành tựu đáng kể về kinh tế, văn hóa. Để đạt được những thành tựu ấy là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, đặc biệt do sự

51

sáng tạo và quyết tâm đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội, trong đó có đội ngũ công nhân sống và làm việc tại thủ đô, gắn bó và trở thành lực lượng đi đầu góp phần xây dựng thủ đô.

Đội ngũ công nhân Hà Nội được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn liền với cơ sở công nghiệp của thực dân Pháp, bao gồm công nhân thuộc các ngành điện, nước, cơ khí, giao thông… Đội ngũ công nhân Hà Nội ra đời rất sớm, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong nước đã ra đời ở Hà Nội. Trong suốt thời kỳ cách mạng, đội ngũ công nhân Hà Nội luôn thể hiện là bộ phận cách mạng nhất trọng các tầng lớp dân cư xã hội.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1954 của thế kỷ XX, do chính sách cai trị của thực dân Pháp trong lĩnh vực kinh tế, nên hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội đều nhỏ bé, phân tán ở một số ngành phục vụ bộ máy thống trị của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân cũng ít ỏi như các cơ sở công nghiệp trong thời kỳ này. Năm 1954, miền Bắc được giải phóng đội ngũ công nhân Hà Nội do Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo đã đấu tranh bảo vệ toàn vẹn toàn các cơ sở sản xuất, cơ sở phục vụ đời sống của nhân dân và đón Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô.

Thời kỳ 1955 - 1965 đây là thời kỳ hòa bình và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa Hà Nội hình thành các khu công nghiệp. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp giai đoạn này đã thúc đẩy đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp phát triển mạnh. Thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc (1965 - 1975), các nhà máy, xí nghiệp phải sơ tán về một số tỉnh lân cận, đội ngũ công nhân một phần nhập ngũ, tham gia quân đội, một phần tập trung phục vụ cuộc kháng chiến. Thời kỳ 1975 - 1985 là thời kỳ cả nước hoàn toàn độc lập, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với đường lối công nghiệp hóa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, do vậy đội ngũ công nhân phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhưng do chế độ bao cấp kéo dài, do chủ quan nóng vội trong lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế nên đất nước lâm vào

52

khủng hoảng kinh tế - xã hội, đội ngũ công nhân có sự biến động lớn. Những năm đầu thời kỳ đổi mới (1986 - 1990), đất nước vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, đội ngũ công nhân Hà Nội đứng trước những thử thách vô cùng to lớn cả về việc làm, đời sống, trật tự an toàn xã hội. Đội ngũ công nhân Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thử thách, cùng với giai cấp công nhân và nhân dân cả nước phấn đấu trong lao động sản xuất, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản xuất, đời sống dần dần đi vào ổn định và phát triển.

Sự vững vàng của đội ngũ công nhân là nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở thủ đô nói riêng và cả nước nói chung trong hoàn cảnh đất nước còn vô vàn khó khăn, tình hình quốc tế có nhưng biến đổi phức tạp khi các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Trước tình hình trong nước và quốc tế có những biến động, Đảng ta quyết định tiến hành cộng cuộc đổi mới, công nhân Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, với tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đoàn kết với tầng lớp nhân dân. Đội ngũ công nhân của Hà Nội giữ vững vai trò nòng cốt, chủ đạo, chiếm lĩnh những mặt trọng yếu của công nghiệp thủ đô và đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh doanh, sắp xếp lại lao động.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước đội ngũ công nhân ở Hà Nội tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu, biến động theo xu hướng chuyển đổi, bổ sung giữa các thành phần kinh tế. Số lượng công nhân lao động trực tiếp trong các loại hình doanh nghiệp nhìn chung là tăng nhưng không đồng đều giữa các ngành nghề, địa phương và khu vực kinh tế. Hiện nay, số lượng công nhân trên địa bàn Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, làm việc trong hơn 100.000 doanh nghiệp. Theo quy hoạch, Hà Nội có 33 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với 513 dự án đầu tư. Trong đó, đã có 12 khu đi vào hoạt động với 393 doanh nghiệp, thu hút trên 125.000 lao động với 98% là người lao động Việt Nam [ 39].

53

Cơ cấu công nhân tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Xét cơ cấu theo loại hình sở hữu, công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm và tăng nhiều trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo khu vực, công nhân hiện nay tập trung đông trong các khu công nghiệp và chế xuất (chiếm khoảng 10% tổng số công nhân lao động toàn thành phố). Đa số công nhân là người ngoại tỉnh, hiện tạm trú trên địa bàn thành phố.

Về độ tuổi: công nhân trong độ tuổi 31 đến 45 chiếm tỉ lệ cao nhất (43,3%), độ tuổi 18 đến 30 (38,0%) và độ tuổi trên 46 (18,6%). Qua đó cho thấy, đội ngũ công nhân trẻ ở Hà Nội chiếm tỷ lệ cao. Đây là yếu tố thuận lợi, ưu điểm của nguồn nhân lực Thủ đô [39].

Một phần của tài liệu Trí thức hóa đội ngũ công nhân ở Hà Nội thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 53)