Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt cho vay

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông Lưu Nhât Phương (Trang 83)

- Thẩm định tín dụng là một trong những khâu rất quan trọng trong toàn bộ quy trình tín dụng, giúp đánh giá một cách chính xác và trung thực khả năng trả nợ của khách hàng, phân tích đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay và giúp cho cấp phê duyệt tránh được sai sót khi cho vay một khách hàng xấu và từ chối một khách hàng tốt. Vì vậy chất lượng thẩm định càng cao thì quyết định cho vay sẽ càng chính xác. Trong quá trình thẩm định cần tập trung phân tích, đánh giá kỹ các yếu tố sau: tư cách pháp lý của khách hàng; năng lực kinh nghiệm quản lý của ban điều hành, người quản lý; năng lực tài chính; năng lực sản xuất kinh doanh; tính khả thi của phương án/dự án vay vốn, khả năng trả nợ; tài sản bảo đảm; uy tín vay vốn tại các TCTD và khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực tài chính; năng lực sản xuất kinh doanh; tính khả thi của phương án/dự án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, đó là cơ sở để quyết định cho vay đúng. Vì vậy, ngân hàng cần phải xem xét, đánh giá một cách thận trọng, dưới nhiều khía cạnh để làm cơ sở thiết lập các yếu tố của khoản vay trong trường hợp ngân hàng đồng ý cho vay: số tiền, lãi suất, thời hạn vay, phương thức cho vay và các điều kiện ràng buộc kèm theo….Công tác thẩm định phải luôn đặt mục tiêu an toàn lên trên hết và có những đề xuất hợp lý nhằm hạn chế rủi ro và giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cấp tín dụng. Đối với những hồ sơ, khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng nên từ chối ngay từ đầu, tránh tình trạng vì áp lực chỉ tiêu dẫn đến thông đồng với khách hàng thay đổi thông tin hoặc thẩm định chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng hết sức đa dạng, mỗi khách hàng, mỗi khoản vay đều có tính chất đặc thù riêng (khách hàng cá nhân khác khách hàng doanh nghiệp, khoản vay phục vụ kinh doanh khác khoản vay đầu tư dự án…), do đó cần xem xét ban hành quy trình thẩm định riêng theo đối tượng khách hàng và theo hình thức vay. Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc việc chuyên môn hóa việc thẩm định theo đối tượng khách hàng, ngành nghề, dự án…để có kết quả tốt hơn và tiết kiệm thời gian. Ngoài ra đối với các ngành nghề, dự án mang tính đặc thù thì công tác thẩm định cần có sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia.

- Quyết định cho vay cần thực hiện theo mô hình phê duyệt tín dụng tập trung. Theo mô hình này, các chi nhánh chỉ có thẩm quyền phê duyệt các khoản vay theo các sản phẩm đã ban hành trên cơ sở chấm điểm, xếp hạng khách hàng. Điều này giúp cho quyết định cho vay không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người phê duyệt mà phụ thuộc vào kết quả xếp hạng của khách hàng (khách hàng chính là người quyết định số tiền mình được vay). Đối với các khoản vay khác, chi nhánh chỉ tiếp nhận yêu cầu, thẩm định và đề xuất còn thẩm quyền phê duyệt thuộc về các cấp tại Hội sở với đội ngũ các chuyên gia phê duyệt tín dụng cao cấp và bộ phận tái thẩm định giúp việc. Việc phê duyệt tín dụng được tổ chức theo mô hình tập trung sẽ hạn chế vấn đề tiêu cực, nâng tính khách quan, đặc biệt là sẽ có sự phản biện cần thiết đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong việc ra quyết định cho vay.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông Lưu Nhât Phương (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)