Thiết lập một danh mục tín dụng hợp lý

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông Lưu Nhât Phương (Trang 78)

Danh mục tín dụng rất quan trọng vì nó thu hút hầu hết các nguồn vốn của ngân hàng (60%-70%), mang lại 2/3 tổng thu nhập cho ngân hàng và là danh mục chứa đựng rất nhiều rủi ro (Trần Huy Hoàng, 2011, trang 126). Vì vậy, OCB cần thiết lập một danh mục tín dụng (cho vay) hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của từng vùng, từng khu vực, từng đối tượng khách hàng cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng nhằm đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa lợi nhuận và kiểm soát rủi ro. Danh mục tín dụng phải đảm bảo được các yếu tố: Đa dạng hóa được ngành nghề, khách hàng vay, yếu tố địa lý và cả loại hình cho vay; Phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện, xu hướng phát triển của thị trường hoạt động; Phù hợp quy mô, năng lực và khả năng kiểm soát rủi ro của ngân hàng; Phù hợp định hướng phát triển và lợi thế so sánh của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, OCB cần thực hiện các biện pháp cụ thể:

- Tập trung vào nhóm khách hàng kinh doanh các mặt hàng có giá trị, có lợi thế cạnh tranh, được Nhà nước khuyến khích phát triển: cà phê, điều, tiêu (Tây Nguyên,

Đông Nam Bộ), gạo, thủy sản (Đồng bằng Sông Cửu Long), dệt may, gỗ, dược phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, sản xuất hàng xuất khẩu…

- Ưu tiên cho vay các khách hàng có trụ sở chính, cơ sở sản xuất kinh doanh tọa lạc tại địa bàn của đơn vị cho vay để thuận lợi trong việc giao dịch, nắm bắt thông tin, thẩm định khách hàng cũng như thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát theo quy định.

- Cụ thể hóa tiêu chí phân nhóm khách hàng (doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, hệ số đòn bẩy, số năm hoạt động, uy tín trên thị trường, uy tín trả nợ tại OCB và các TCTD khác…) để lựa chọn các khách hàng tốt, có uy tín trả nợ để cho vay, tránh tình trạng cấp tín dụng chạy theo chỉ tiêu kế hoạch.

Bên cạnh đó, căn cứ vào các quy định của NHNN và chiến lược kinh doanh của ngân hàng để xác định các giới hạn tín dụng cần thiết trong từng thời kỳ: giới hạn quy mô và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng; giới hạn dư nợ trên tổng tài sản có rủi ro, giới hạn cho vay đối với 1 khách hàng, nhóm khách hàng; giới hạn cho vay theo sản phẩm; tỷ trọng dư nợ cho vay theo thời gian; tỷ trọng dư nợ cho vay theo thành phần kinh tế; tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ; danh mục các ngành nghề, lĩnh vực, khách hàng hạn chế cho vay, hoặc cho vay với điều kiện đặc biệt hoặc không cho vay… để có thể quản lý tốt và đưa ra những điều chỉnh khi cần thiết.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông Lưu Nhât Phương (Trang 78)