Nguyên tắc hướng vào giao tiếp

Một phần của tài liệu Chữa lỗi từ ngữ cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Trảng Bàng - Tây Ninh (Trang 47)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.5. Nguyên tắc hướng vào giao tiếp

Một trong những hoạt động cơ bản để hình thành và duy trì sự phát triển của con người là hoạt động giao tiếp. Không thể hình dung một cộng đồng có thể tồn tại mà không có hoạt động giao tiếp. Trong các phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Gắn với hoạt động giao tiếp thì việc dạy học tiếng Việt trong nhà trường sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Ngôn ngữ là một hệ thống hoạt động chức năng, nếu như tách khỏi hoạt động chức năng thì nó không còn sức sống, sẽ trở thành một hệ thống khô cứng. Nói cách khác, ngôn ngữ phải được thể hiện trong các dạng lời nói khác nhau, mọi quy luật cấu trúc và hoạt động của hệ thống ngôn ngữ chỉ được rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động. Mặt khác, muốn hình thành các kĩ năng và kĩ xảo ngôn ngữ, học sinh phải trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp. Việc lĩnh hội lời nói của người khác, sản sinh ra các lời nói đúng và hay vừa là phương tiện, đồng thời vừa là mục đích của bộ môn Tiếng Việt ở nhà trường phổ thông.

Nguyên tắc này đòi hỏi phải đặt các đơn vị ngôn ngữ cần nghiên cứu vào hệ thống hành chức của nó. Từ là đơn vị có sẵn, cố định hóa cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Một từ cụ thể có thể mang nhiều nét nghĩa khác nhau, nhưng tình hình sẽ khác đi nếu đặt từ vào các đơn vị lớn hơn: câu, đoạn văn. Tính đa nghĩa của từ bị gạt bỏ khi chúng đi vào ngôn bản. Bù vào đó, các sắc thái phong cách, ý nghĩa ngữ pháp và sắc thái tình cảm lại được thể hiện cụ thể hơn.

Phương hướng tốt nhất để dạy các đơn vị ngôn ngữ trong hoạt động hành chức là phải tìm mọi cách hướng học sinh vào hoạt động nói năng. Học sinh phải biết sử dụng thành thạo phương tiện này vào tư duy và giao tiếp. Giáo viên phải tìm mọi cách để hướng các em học sinh vào hoạt động nói năng. Muốn đạt được điều đó, cần phải tạo được các hoàn cảnh giao tiếp, tình huống giao tiếp khác nhau để kích thích động cơ giao tiếp cho các em có nhu cầu giao tiếp. Các hình thức hoạt động ngoại khóa, các cuộc tranh luận là các hình thức tạo tình huống giao tiếp, kích thích nhu cầu và động cơ giao tiếp cho học sinh.

Một phần của tài liệu Chữa lỗi từ ngữ cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Trảng Bàng - Tây Ninh (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w