Nguyên tắc phù hợp đặc điểm phong cách của văn bản

Một phần của tài liệu Chữa lỗi từ ngữ cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Trảng Bàng - Tây Ninh (Trang 45)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.4. Nguyên tắc phù hợp đặc điểm phong cách của văn bản

Một văn bản được tạo lập tất yếu sẽ thuộc về một phong cách chức năng nào đó, dù người viết có ý thức về điều đó hay không. Cho nên, việc một văn bản phải phù hợp với phong cách chức năng cụ thể là yêu cầu mang tính khách quan.

Trong các văn bản khoa học, đó là hệ thống thuật ngữ của các ngành khoa học. Các thuật ngữ này biểu hiện khái niệm khoa học. Chúng mang tính hệ thống chặt chẽ và có thể mang tính quốc tế cả về hình thức âm thanh và nội dung khái niệm. Chúng có tính đơn nghĩa và đòi hỏi sử dụng phải chính xác.

Trong các văn bản nghị luận, tùy thuộc vào nội dung vấn đề cần bàn luận, người ta cũng cần thường xuyên sử dụng một lớp từ chuyên biệt thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hay quân sự, ngoại giao,…

Trong các văn bản hành chính, được sử dụng với tần số cao là các lớp từ hành chính mang tính pháp quy chặt chẽ. Các từ ngữ này cũng có tính đơn nghĩa và đòi hỏi việc sử dụng phải chính xác, thích hợp với nội dung của văn bản và mức độ của vấn đề.

Xét về tính hình tượng và sắc thái biểu cảm, từ ngữ trong một số văn bản có các đặc điểm sau: trong các văn bản khoa học và hành chính, từ mang tính đơn nghĩa, mang tính khái niệm, khách quan và trung hòa về sắc thái biểu cảm. Ở đây không sử dụng các biện pháp tu từ. Còn trong các văn bản nghị luận, để nâng cao hiệu quả thuyết phục của lập luận và các luận điểm, để thu hút và hấp dẫn người nghe, người đọc, các biện pháp tu từ mang tính hình tượng và biểu cảm rõ rệt lại thường được sử dụng.

Trong các văn bản khoa học, văn bản nghị luận và văn bản hành chính, ngoài các từ ngữ có tính chuyên biệt cho từng loại văn bản (các thuật ngữ khoa học, các từ chuyên môn, các từ ngữ hành chính,…) thì thường sử dụng lớp từ toàn dân, có tính phổ thông rõ ràng, chính xác, tránh dùng các từ địa phương, các từ khẩu ngữ, tránh các tiếng lóng, các biệt ngữ. Điều này là sự khác biệt với các văn bản sinh hoạt, hoặc các văn bản nghệ thuật, ở đó, các lớp từ trên đây có thể được sử dụng thường xuyên và có thể mang giá trị nghệ thuật.

Các văn bản khoa học, nghị luận và hành chính thiên về việc trình bày tư duy logic và các thông tin duy lí, do đó có nhu cầu lớn trong việc sử dụng các từ thể hiện quan hệ - các quan hệ từ. Đó là các hư từ ngữ pháp biểu hiện quan hệ của các tư tưởng, quan hệ của các ý và phục vụ cho lập luận. Chúng liên kết các bộ phận câu, các câu hoặc các bộ phận lớn hơn của văn bản. Trái lại, trong các loại văn bản trên lại rất ít dùng các hư từ tình thái - các từ bộc lộ cảm xúc, thái độ.

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách mang những dấu hiệu đặc trưng của ngôn ngữ dùng trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, ngôn ngữ

sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói, cụ thể là những lời trao đổi thông tin với nhau về cuộc sống thường nhật, vì thế, khi đối thoại thường dùng những từ ngữ mang tính khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng,… Cho nên khi nói phải dùng những từ ngữ sao cho thích hợp. Còn khi viết thì thường dùng những từ ngữ trau chuốt, hoa mĩ, giàu hình ảnh,… Tránh tình trạng sử dụng từ ngữ khi nói cũng như viết, và ngược lại.

Tóm lại, mỗi loại văn bản (mỗi phong cách văn bản) có những yêu cầu riêng về việc dùng từ, hay nói cách khác, việc dùng từ trong các loại văn bản có những đặc điểm nhất định. Sở dĩ có những đặc điểm này là do sự chi phối của chức năng, mục đích của từng loại văn bản. Khi dùng từ để tạo lập các loại văn bản, người viết cần chú ý đến những điều đó. Nếu không, sẽ mắc những lỗi về phong cách trong sử dụng từ ngữ.

Một phần của tài liệu Chữa lỗi từ ngữ cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Trảng Bàng - Tây Ninh (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w