6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính chuẩn mực của ngôn ngữ văn hóa
Có nhiều cách hiểu về chuẩn ngôn ngữ. Theo GS Nguyễn Văn Khang, “ngôn ngữ chuẩn mực có thể hiểu là biến thể ngôn ngữ đã qua chỉnh lí, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp đa dạng và phức tạp của cộng đồng nói năng để thực hiện hiện đại hóa”. GS Vũ Quang Hào cho rằng, chuẩn mực ngôn ngữ được xem xét trên hai phương diện, đó là chuẩn mực mang tính quy ước xã hội tức là phải được xã hội chấp nhận và sử dụng, mặt khác, chuẩn mực phải phù hợp với quy luật phát triển nội tại của ngôn ngữ trong từng giai đoạn lịch sử.
Như vậy, chuẩn ngôn ngữ phải đảm bảo tính đúng đắn và thích hợp. Chuẩn ngôn ngữ có hai điểm quan trọng: thứ nhất, chuẩn ngôn ngữ mang tính quy ước xã hội và được xã hội đó chấp nhận và sử dụng, thứ hai, chuẩn ngôn ngữ không mang tính ổn định, mà nó biến đổi phù hợp với quy luật phát triển nội tại của ngôn ngữ trong từng giai đoạn lịch sử, vì rất có thể lỗi của ngày hôm qua trở thành chuẩn của ngày hôm nay và lỗi của ngày hôm nay sẽ là chuẩn của ngày mai.
Một trong những khái niệm có liên quan đến chuẩn ngôn ngữ là chuẩn
hóa ngôn ngữ. Chuẩn hóa ngôn ngữ là việc xác định và thực hiện các chuẩn
mực ngôn ngữ vào các điều kiện cụ thể trong xử lí ngôn ngữ. Chuẩn hóa ngôn ngữ của một quốc gia nói chung là nhằm loại bỏ trở ngại giao tiếp mà hàng loạt các lý do đã tạo ra các biến thể, gây khó khăn cho giao tiếp; thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngôn ngữ quốc gia, dân tộc; thực hiện quá độ từ chuẩn cũ sang chuẩn mới.
Chuẩn hóa ngôn ngữ đã được xác định là triển khai theo hướng xã hội hóa và phát triển theo hướng dân chủ hóa. Những cái không đúng, không phù hợp gọi là lệch chuẩn hoặc lỗi.
Theo tác giả Phạm Thị Hồng Vân thì chuẩn hóa từ vựng đặt ra một số vấn đề sau: Từ ngữ sử dụng trong văn bản phải phù hợp với phong cách của văn bản ấy. Hiện nay, nhiều người thích sử dụng những từ cổ, từ Hán Việt để gây sự chú ý, tuy nhiên, do chưa hiểu đúng nghĩa của các từ nên đã sử dụng sai. Muốn khắc phục tình trạng này, cần phải nắm vững nghĩa của từ để sử dụng cho đúng, phù hợp với văn cảnh. Bên cạnh đó, phải sử dụng từ địa phương một cách hợp lí. Nên coi một số từ địa phương là chuẩn trong các trường hợp như từ địa phương và từ toàn dân được dùng song song hay từ để gọi tên sự vật, hiện tượng chỉ có ở địa phương.