Nâng cao hiệu suất sử dụng của các tài sản cố định

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty TNHH Xây dựng An Bình (Trang 63)

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN TẠI CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG AN BÌNH

3.2.3.Nâng cao hiệu suất sử dụng của các tài sản cố định

Hệ thống thiết bị của Công ty hiện nay khá là đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, thời gian một vòng đời của các thiết bị thi công xây dựng này thường rất dài và một số thiết bị ít được sử dụng, do một số thiết bị được mua về nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng để thi công. Hiện nay, các máy móc thiết bị của Công ty được mua về là chủ yếu, điều này dẫn đến lãng phí vì nếu như thiết bị không đáp ứng được nhu cầu thì chỉ có thể dùng được một thời gian ngắn, trong khi số tiền bỏ ra lại lớn. Do vậy, để đẩy nhanh tốc độ đổi mới máy móc thiết bị, đồng thời cùng lượng vốn sẵn có của Công ty, ngoài việc dùng tiền mua đứt tài sản một lần thì có thể mua thêm máy móc thiết bị bằng hình thức thuê tài chính.

Hình thức thuê tài chính có đặc điểm tương tự như mua trả góp, tuy nhiên, nếu sử dụng hình thức mua trả góp thì thời gian đổi mới công nghệ của Công ty vẫn còn dài và còn có thể bị mất quyền sở hữu tài sản vào đúng thời điểm kết thúc hợp đồng nếu Công ty không thực hiện đúng tiến độ thanh toán.

Để có thể nâng cao hệ số sử dụng máy móc thiết bị thì trước tiên Công ty cần thống kê, xếp loại các thiết bị theo nguyên giá, giá trị còn lại và theo mức độ phục vụ, mức độ đóng góp của tài sản đó vào sản xuất kinh doanh của mình. Sau đó, dựa vào chiến lược phát triển và nhiệm vụ sản xuất trong kế hoạch dài hạn của Công ty mà có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, Công ty cần có biện pháp xử lý một cách thích hợp đối với từng loại máy móc thiết bị:

- Bán hoặc cho thuê lại đối với những thiết bị thừa, không phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh của Công ty trong dài hạn. Sau đó, Công ty sử dụng số tiền bán tài sản này để mua thiết bị khác hiện đại, phù hợp hơn với hoạt động sản xuất của mình bằng hình thức thuê mua. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống máy móc thiết bị thi công hiện đại theo hướng trở thành doanh nghiệp vững mạnh về công nghệ xây dựng, đủ sức đáp ứng yêu cầu thi công tất cả các loại quy mô công trình.

- Đồng thời, giữ lại những tài sản mang tính chiến lược, có sức cạnh tranh trong đấu thầu xây dựng đối với thị trường Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, do một phần hiệu quả sử dụng các máy móc thiết bị, tài sản cố định của Công ty cũng phụ thuộc vào người sử dụng nên Công ty cần phải tiến hành phân cấp quản lý các tài sản cho các bộ phận trong nội bộ của Công ty. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát, kiểm kê, phân tích hiệu quả. Với từng cán bộ, công nhân viên cần sử dụng tài sản một cách có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí trên phần tài sản của mình được giao. Từ đó thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài sản chung của Công ty.

Bên cạnh đó, Công ty cần tăng cường hơn việc quản lý, giám sát tài sản cố định, lựa chọn và xác định phương pháp trích khấu hao hợp lý để hạn chế ảnh hưởng của hao mòn vô hình. Còn đối với các tài sản cố định có hao mòn vô hình lớn, Công ty cần áp dụng phương pháp khấu hao nhanh để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đổi mới trang thiết bị mà không làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Công ty TNHH Xây dựng An Bình (Trang 63)