Quy hoạch chung sử dụng đất

Một phần của tài liệu ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG THU HÚT VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 – 2020, ĐỊNH HƯỚNG 2030 (Trang 30)

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN VỀ THU HÚT VÀ SỬ DỤNG FDI TRONG LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP

1.Quy hoạch chung sử dụng đất

a) Khai hoang mở thêm đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ năm 2011 đến năm 2020 khoảng 1,1 triệu ha: không dùng cho trồng lúa 37 ngàn ha, chuyển thành đất trồng cây hàng năm là 97 ngàn ha;.

b) Đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 9,59 triệu ha, giảm 580 ngàn ha so với năm 2010; bố trí đất cây hàng năm 6,05 triệu ha, trong đó đất lúa giảm diện tích xuống còn 3,5 triệu ha, tăng đất cây thức ăn chăn nuôi lên 612 ngàn ha; đất cây lâu năm 3,54 triệu ha. Bố trí đất trồng đậu tương, trồng cỏ với mục tiêu cần đạt được đến năm 2020 cơ bản Việt Nam đủ ngô và đậu tương dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

c) Đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 16,2 - 16,5 triệu ha, tăng thêm 879 ngàn ha so với năm 2010; bao gồm rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha, rừng đặc dụng 2,271 triệu ha.

d) Đất nuôi trồng thủy sản 790 ngàn ha, tăng thêm 99,7 ngàn ha so với năm 2010; trong đó diện tích nuôi trồng ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70%.

đ) Đất sản xuất muối ổn định 14,5 ngàn ha, trong đó sản xuất muối công nghiệp 8,5 ngàn ha.

3.2.2. Ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản

3.2.2.1. Ngành trồng trọt

2.1.1. Lúa, ngô, sắn: Duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020 ; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng ngô sau năm 2020 khoảng 1,44 triệu ha để đạt sản lượng trên 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, việc thu hút FDI để thực hiện các dự án trồng cây lương thực (lúa, ngô) chưa thật khả thi do có nhiều rủi ro về điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, thị trường.... Do vậy, chỉ nên tập trung thu hút các dự án FDI vào khâu bảo quản, chế biến lương thực, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại ở tất cả các địa phương có điều kiện nhằm trang bị, nâng cấp các thiết bị sấy khô, chế biến đạt trình độ công nghệ tiên tiến để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu cao của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

2.1.2. Rau, đậu, hoa các loại: Theo quy hoạch, đến năm 2010 diện tích rau, đậu, hoa các loại dự kiến đạt 1 triệu ha và đến năm 2020 đạt khoảng 1,1-1,2 triệu ha; sản lượng đến 2010 ước đạt 15,2 triệu tấn và năm 2020 ước đạt 20,7 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu đó, cần thu hút đầu tư phát triển các vùng sản xuất rau chất lượng cao, tập trung theo công nghệ sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nấm cho tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và các loại hoa, cây cảnh. Các dự án đầu tư trong ngành này có thể bố trí chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng khác có khí hậu mát, lạnh quanh năm.

3.2.2.2. Ngành chế biến nông sản và thực phẩm

2.2.1. Mía đường: Đến nay, cả nước có đến 38 nhà máy mía đường, trong đó có 3 nhà máy (Việt - Đài, KCP và NIVL, còn các nhà máy Tate and Lyle và Bourbon Tây Ninh đã bán lại cho doanh nghiệp Việt Nam) có vốn FDI, chiếm tới 10% sản lượng của toàn ngành. Với số lượng các nhà máy cũ và những nhà máy mới được đưa vào sử dụng thì việc cung cấp đủ lượng đường cho các nhu cầu trong nước là hoàn toàn khả thi. Do vậy, theo Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì diện tích quy hoạch ổn định 300.000 ha; trong đó vùng nguyên liệu các nhà máy 220 ngàn ha. Bố trí 4 vùng trọng điểm Bắc Trung Bộ 80 ngàn ha, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 53 ngàn ha, Đông Nam Bộ 37 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 52 ngàn ha. Tập trung thâm canh, đảm bảo có tưới tiêu, sử dụng giống có năng suất, trừ đường cao và rải vụ, đưa năng suất mía năm 2020 đạt khoảng 80 tấn/ha. Chủ trương không xây dựng thêm nhà máy mới, tập trung mở rộng công suất các nhà máy hiện có, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất thu

hồi và chất lượng sản phẩm; đầu tư thêm phần sản xuất đường luyện để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo định hướng nói trên và phù hợp với xu hướng chung hiện nay, ngoài việc khuyến khích hỗ trợ các nhà máy đường hiện có để huy động hết công suất, cần xem xét khả năng thu hút một số dự án FDI chế biến đường kết hợp sản xuất ethanol (cồn) và phát điện, đồng thời tiếp tục đầu tư thâm canh, nghiên cứu và sử dụng giống mía có năng suất và trữ lượng đường cao. Các dự án này cần bố trí vùng nguyên liệu ở duyên hải Nam Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

2.2.2. Cà phê: Ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 500 ngàn ha, trong đó diện tích cà phê chè khoảng 60 ngàn ha; tập trung vào các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Bắc. Xây dựng và triển khai chương trình trồng tái canh 150 ngàn ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Bằng các hình thức kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, tăng tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp 20% năm 2010, lên đến 40% năm 2015 và 70% năm 2020; tương ứng giảm tỷ lệ chế biến cà phê thóc, cà phê nhân xô ở quy mô hộ gia đình từ 80% xuống còn 60% năm 2015 và 30% năm 2020. Tăng tỷ lệ cà phê ướt từ 10% sản lượng năm 2010 lên 20% năm 2015 và 30.000 tấn năm 2020.

Với mục tiêu đó, cần phải nâng cao năng lực sản xuất cà phê nhân và chất lượng chế biến cà phê nhân của một số nhà máy chế biến đang hoạt động để đảm bảo từ sau năm 2010, hầu hết các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu. Thu hút FDI thực hiện các dự án chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay…

2.2.3. Ca cao: Diện tích bố trí khoảng 50 ngàn ha, vùng sản xuất chính là đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ. Thu hút các dự án trồng và chế biến ca cao sử dụng nguyên liệu tại chỗ.

2.2.4. Chè: Diện tích đất bố trí ổn định trồng chè lâu dài 140 ngàn ha, tăng 10 ngàn ha so với năm 2010, trong đó các tỉnh trung du miền núi phía Bắc khoảng 7 ngàn ha, Lâm Đồng 3 ngàn ha. Đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các nhà máy chè theo hướng hiện đại, đạt tổng công suất 840.000 tấn búp tươi/năm; chế biến công nghiệp 70% sản lượng chè búp tươi, với sản lượng 270.000 tấn chè khô. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng: 55% chè đen và 45% chè xanh; đến năm 2020 giá chè Việt Nam xuất khẩu ngang bằng giá bình quân thế giới.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành chè nói chung và hoạt động FDI trong ngành này nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Việt Nam. Hiện nay, giá xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ bằng 50-70% so với mức trung bình của các nước xuất khẩu chè; sản phẩm chè xuất khẩu lại không đồng nhất về chủng loại, mẫu mã, nội chất và thiếu hương vị đặc trưng nên chưa bảo đảm về mặt thương hiệu đối với người tiêu dùng.

Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc duy trì, mở rộng các cơ sở chế biến trong nước, cần tiếp tục thu hút FDI vào ngành này để cải thiện chất lượng giống chè, kiểm

soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè, nâng cao năng suất và chất lượng đạt hiệu qủa xuất khẩu cao. Các dự án FDI vào ngành này có thể thực hiện tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La...) và Lâm Đồng.

2.2.5. Cao su: Định hướng phát triển cao su trong những năm tới là giữ nguyên mục tiêu ổn định diện tích 800 ngàn ha, tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Sau năm 2015, trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng và quỹ đất của các vùng để xem xét điều chỉnh quy mô diện tích cao su phù hợp, hiệu quả và bền vững. Kế hoạch đến năm 2015 tổng công suất chế biến khoảng 1,2 triệu tấn mủ khô/năm. Đến 2020 tổng công suất chế biến khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Cải tiến công nghệ, tạo cơ sở sản phẩm hợp lý, bao gồm: Mủ cốm SVR3L. SVL5L chiếm khoảng 40%, mủ kem 20%, mủ cao su kỹ thuật RSS, SR và SVR10, SVR20 chiếm khoảng 40% để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, phải đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500 ngàn tấn mủ khô/năm. Đối với cao su đại điền quy mô nhà máy có công suất từ 6.000 – 20.000 tấn/năm, cao su tiểu điền công suất từ 1.200 – 1.500 tấn/năm; đối với những nhà máy đã xây dựng cần tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh thiết bị, đồng bộ hóa dây chuyền. Tuân thủ quy trình kỹ thuật và quản lý, thực hiện việc kiểm phẩm cao su xuất khẩu. Xây dựng các nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, xe máy…, đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30% vào năm 2020.

Theo định hướng đó, cần thu hút FDI để thực hiện các dự án sau:

- Phát triển các nhà máy có công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực chế biến mủ cao su ly tâm (latex) vì đây là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh do nguồn nguyên liệu dồi dào, đầu tư không lớn, sức tiêu thụ lớn (phần lớn các sản phẩm latex dùng cho ngành y tế);

- Nâng cao năng lực chế biến cao su kỹ thuật SVR 20, CS RSS;

- Phát triển các sản phẩm công nghiệp cao su dùng làm nguyên phụ liệu cho ngành giày dép và may mặc (đế giày, mũ giày, chỉ thun…);

- Đầu tư xây dựng những cơ sở chế biến các sản phẩm gỗ cao su với công nghệ hiện đại như các nhà máy ván sợi (MDF), ván ép, gỗ đúc… để nâng cao giá trị của các nguyên liệu từ gỗ cao su, hướng đến ngành gỗ thân thiện với môi trường;

- Các dự án đầu tư trong ngành này có thể thực hiện tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

2.2.6. Hạt điều: Ổn định diện tích điều 400 ngàn ha, tiếp tục trồng mới từ nay đến năm 2020 khoảng 20 ngàn ha, chủ yếu sử dụng đất chưa sử dụng; các vùng trồng chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40% dưới các dạng (hạt điều rang muối, bơ hatk điều, bánh kẹo nhân điều…); đồng thời tăng tỷ lệ tiêu thụ nội tiêu để tránh rủi ro do thị trường xuất khẩu có những biến động xấu, mặt khác sử dụng triệt để nhân điều bị vỡ do quá trình áp dụng cơ giới hóa thay thế lao động thủ công.

Vì vậy, cần thu hút các dự án FDI vào việc đổi mới thiết bị, chuyển giao công nghệ tiến bộ cho các cơ sở chế biến sẵn có trình độ công nghệ cao, xây dựng thương

hiệu mạnh để tham gia sâu vào thị trường thế giới. Các địa bàn có điều kiện phát triển và chế biến điều là Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2.2.7. Cây ăn quả: Diện tích bố trí khoảng 910 ngàn ha, trong đó 810 ngàn ha các cây ăn quả chủ lực như vải 140 ngàn ha, nhãn 140 ngàn ha, chuối 145 ngàn ha, xoài 110 ngàn ha, cam quýt 115 ngàn ha, dừa 55 ngàn ha. Các vùng trồng chủ yếu là trung du miền núi phía Bắc 200 ngàn ha, đồng bằng Sông Hồng 80 ngàn ha, Bắc Trung Bộ 70 ngàn ha, duyên hải Nam Trung Bộ 30 ngàn ha, Tây Nguyên 30 ngàn ha, Đông Nam Bộ 145 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 350 ha. Sản phẩm các loại cây ăn quả phải hướng tới mỏ rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nâng cao công suất và hiệu quả của các nhà máy chế biến hiện có (hiện mới đạt khoảng 30% thiết kế toàn ngành). Sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, chiên xấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh; chú trọng các loại sản phẩm đông lạnh, nước quả cô đặc (dừa, vải, lạc, xoài cô đặc). Tăng cường năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả số lượng và chất lượng từ 25% hiện nay xuống dưới 15% trong vòng 10 năm tới. Áp dụng khoa học công nghệ kéo dài thời vụ các loại trái cây, các biện pháp bảo quản tiên tiến, các phương pháp chiếu xạ, khử trùng bằng nước nóng để xuất khẩu tươi các loại trái cây chủ lực (thanh long, vải, xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm…).

Theo hướng đó, có thể thu hút nguồn vốn FDI để thực hiện các mục tiêu sau: - Đầu tư các vùng nguyên liệu cây ăn quả chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, tập trung cho các nhà máy theo hướng chủ yếu là thâm canh, xây dựng các vườn giống đạt tiêu chuẩn quy định, sản xuất đủ giống tốt, có kiểm soát chất lượng;

- Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, trong đó có một số loại cây chủ lực phục vụ xuất khẩu như: thanh long, dứa, nhãn, xoài, bưởi, chuối, đồng thời xây dựng các nhà máy chế biến có công suất 1.000 - 2.000 tấn/năm, tăng tỷ lệ chế biến lên 20%;

- Hiện đại hóa công nghệ bảo quản rau, quả tươi; nâng cấp, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại, công nghệ phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ;

- Xây dựng hệ thống thu hái, tuyển chọn, bảo quản, đóng gói những loại rau quả có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu tươi và tiêu dùng tươi ở thành thị; chế biến thành đồ hộp, nước quả, nước cô đặc... các loại quả không tiêu thụ tươi được; xây dựng hệ thống kho mát từ vùng nguyên liệu đến thành phố, cửa khẩu, cảng biển để bảo quản hàng hoá; trang bị các phương tiện chuyên chở có phòng lạnh để vận chuyển trong nước và xuất khẩu tập trung vào thị trường Mỹ, Nhật, Đài Loan, EU, SNG và Đông Âu.

Một phần của tài liệu ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG THU HÚT VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 – 2020, ĐỊNH HƯỚNG 2030 (Trang 30)