7. Bố cục khóa luận
2.3.1. Trang trí tại đầu dư
Quan sát có thể thấy 8 đầu dư ở 8 cột cái được tạo tác, biến thể thành các đầu rồng. Rồng có hai mắt mở to, miệng ngậm ngọc hờ, đầu có nhiều tua
32
dài (đao lửa) bay ngược ra phía sau. Từng cặp, đôi một có hình dạng dữ tợn quay mặt vào nhau như đang kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Rồng ở đây không xuất hiện phần đuôi, người xưa đã lợi dụng một phần gỗ thừa phía dưới câu đầu để tạo thành một đầu rồng hoàn hảo.
Trong 8 đầu dư tại đình Đông Đạo thì vào năm 1993 đã bị thay mới 2 cái do bị hư hỏng. Có một điều đặc biệt là 6 đầu dư còn lại thì lại có hai loại đầu rồng. Một loại đầu thon nhỏ nhưng trông dữ tợn, đao lửa (tia chớp) đoạn đầu uốn hình sin rồi bất chợt vút dài chạy thẳng đến hết, loại hình đầu dư này rất giống với hình đầu dư ở đình Chu Quyến (Hà Tây) ở thế kỷ XVII, loại này còn tất cả là năm cái. Loại thứ hai chỉ còn duy nhất một cái nằm ở cột cái phía ngoài của gian bên trái (cạnh gian lòng thuyền). Đầu rồng này trông hiền lành, mềm mại hơn loại thứ nhất, các bờm, râu không tạo thành các đao lửa mà uốn lượn mềm mại vân mây, sóng nước, loại này có đường kính to hơn và chạm có vẻ kỹ thuật, kỹ xảo tinh vi hơn. Loại đầu rồng này chúng ta có thể bắt gặp ở đầu dư ở đình Đình Bảng (Bắc Ninh) - thế kỷ XVIII.
Tại đình Đông Đạo, trong trang trí kiến trúc thì hình tượng rồng xuyên suốt, chi phối toàn bộ công trình, nó như là ngôn ngữ chính để diễn đạt. Hầu hết ở khắp các cấu kiện trong di tích ta đều có thể bắt gặp hình tượng rồng, trong đó được thể hiện dưới nhiều tư thế, hình dáng, kiểu cách... làm cho di tích như vừa gần gũi nhưng cũng thật "cao vời".