Cảnh quan không gian

Một phần của tài liệu Di tích đình làng đông đạo (phường đồng tâm, vĩnh yên, vĩnh phúc) (Trang 26)

7. Bố cục khóa luận

2.2.1.Cảnh quan không gian

Đối với người xưa, trong kiến trúc truyền thống thì thế đất là một yếu tố rất quan trọng, chính lí do ấy người ta có thể quyết định công trình kiến trúc được xây dựng ở vị trí nào, sắp xếp các kiến trúc thành phần ra sao. Người xưa khi chọn thế đất, một trong những thuyết rất quan trọng luôn được ứng dụng là thuật phong thuỷ. Di tích linh thiêng phải được nằm trong dòng chảy sinh lực của trời đất, vũ trụ. Dòng chảy sinh lực ấy phải hội tụ các điều như: Phải là vùng đất cao ráo, sạch sẽ, cây cỏ tốt tươi, chim muông hội tụ...

Đình Đông Đạo được xây dựng ở trung tâm của làng Đông Đạo xưa, ngày nay đình nằm trên trục đường Lý Thường Kiệt, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, trên một khu đất cao và bằng phẳng, quay mặt về hướng Tây (hơi chếch Nam). Hướng Tây cũng là hướng mà nhiều ngôi đình ở đồng bằng Bắc Bộ, mặc dù về mặt khí hậu hướng này rất nóng, nhất là mùa hè. Nhưng về mặt tâm linh người ta cho rằng hướng này phù hợp với quy luật âm dương thuận hoà. Mặt khác, ngôi đình với bộ mái lớn, xà thấp đã tạo nên độ ẩm lớn trong đình có thể làm mục gỗ, nên ánh nắng hướng Tây với thời gian chiếu sáng dài sẽ làm cho đình trở nên khô ráo hơn. Nằm ngay cạnh hai con đường lớn (Quốc lộ 2 và quốc lộ 2b). Với địa thế như vậy, mỗi khi có công việc quan trọng của làng, mọi người có thể tập trung một cách nhanh nhất và cũng là để mọi người có thể nắm bắt nhanh nhất các điều lệ trên đưa xuống cho dân làng.

Đình Đông Đạo ở vào thế đất "đầu tựa sơn, chân đạp thuỷ", sau lưng đình xa xa là dãy Tam Đảo hùng vĩ và vô số những ngọn núi nhỏ, phía trước là Đầm Vạc rộng lớn, quanh năm nước trong xanh mát mẻ… Ngay sát cạnh đình Đông Đạo, về phía trái là chợ làng, cảnh tấp nập mua bán làm tăng vẻ ồn ào sôi nổi vốn ít thân mật với các loại di tích tôn giáo tín ngưỡng khác như

22

đền, đài, lăng tẩm, đặc biệt là chốn thanh tịnh của ngôi chùa… Người dân có thể họp ngay trước và bên cạnh đình (được ngăn cách bởi một tường rào). Vốn dĩ như ta đã biết, chợ làng là trung tâm kinh tế, thương mại của làng xã, vì thế đình Đông Đạo nằm cạnh chợ cũng tức là nằm cạnh trung tâm giao dịch buôn bán của làng - điều đó thể hiện mức độ "nhập thế" của đình làng. Đình như một cánh tay luôn rộng mở, ôm ấp che chở cho tất cả mọi người đến với nó, cũng như kiểm soát mọi công việc của làng, xã. Sau ngôi đình là chùa Đông Đạo (Hội Long tự), đình và chùa nằm sát nhau tạo thành một quần thể kiến trúc tôn giáo kiểu "Tiền thần, hậu phật" như chúng ta đã gặp ở một số làng quê cổ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Như vậy có thể thấy, đình Đông Đạo tọa lạc ở một vị trí khoáng đạt, cảnh vật hiền hòa với tổng thể kiến trúc, phối hợp nhau để tạo nên một đồ án hoàn hảo tưởng như có sự sắp đặt của đấng thiêng liêng, vừa gần gũi thơ mộng vừa thiêng liêng, huyền bí.

Một phần của tài liệu Di tích đình làng đông đạo (phường đồng tâm, vĩnh yên, vĩnh phúc) (Trang 26)