Điều quan trọng trong sản xuất tại Việt Nam chính là phải xây dựng được tác phong công nghiệp cho tất cả các thành viên trong công ty. Tác phong đó phải được thể hiện thống nhất, theo đúng tiêu chuẩn từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp có thể tham khảo tại các mô hình kinh doanh của các nước (đặc biệt là Nhật Bản) và từ đó có thể xây dựng quy trình sản xuất chuẩn cho doanh nghiệp mình. Các quy trình sản xuất tiêu chuẩn như JIT, Lean Sigma manufacturing, TQM… có thể được áp dụng để nâng cao hiệu suất làm việc, giảm bớt thời gian chờ trong sản xuất. Các mô hình quản lý phải được áp dụng thống nhất và chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào, sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm và cần giữ vững ổn định trong thời gian dài, đảm bảo tính thống nhất về chất lượng của sản phẩm.
Việc nâng cao ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng thời gian giao hàng của khách hàng. Đây chính là những điểm cạnh tranh khi doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Việc nâng cao ý thức, tác phong kỷ luật này không chỉ được tiến hành tại các nhà máy, công ty, đặc biệt, nó còn phải được quán triệt tới các nhà nuôi trồng, cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Đó được thể hiện là ý thức trách nhiệm đối với sản phẩm, đối với môi trường, với người tiêu dùng thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, TQM, 6Sigma, các quy trình nuôi trồng, chế biến chuẩn như GAP, BAP, các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14000, Global Trust, Natureland…
Có thể lấy ví dụ như trong ngành dệt may, chúng ta cần chú trọng tới:
• Xây dựng tác phong, kỷ luật công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý sản xuất, xử lý lỗi như TQM, 6Sigma, … Điều này đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng được tỷ lệ yêu cầu về lỗi, đảm bảo chất lượng đồng đều, thỏa mãn yêu cầu về chất lượng của người tiêu dùng.
• Tăng cường nghiên cứu đổi mới mẫu mã, chất lượng vải thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với đối tác Nhật Bản nhằm nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, sở thích và kinh nghiệm tại thị trường khó tính này.
Hoặc ví dụ như đối với ngành thủy sản, chúng ta cần quan tâm tới: o Nhận thức trong nuôi trồng, sản xuất thủy sản
- Nâng cao kỹ thuật nuôi trồng, tránh sử dụng các hóa chất bị cấm
- Nâng ý thức về lợi ích lâu dài của việc phát triển bền vững và chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản
- ứng dụng các mô hình trong nuôi trồng, quản lý sản xuất chế biến như TQM, GAP, BAP, ISO…
o Đầu tư thị trường trọng điểm Nhật Bản
- Đáp ứng yêu cầu về chất lượng, môi trường: JIS, JAS, Ecomark - Tìm hiểu nhu cầu thị trường
- Cập nhật những rào cản mới, đặc biệt là rào cản kỹ thuật - Tham gia các hội chợ ẩm thực, giới thiệu hàng nông sản…
Đối với đặc thù mỗi ngành xuất khẩu, việc xây dựng thương hiệu quốc tế có những đặc trưng riêng, tuy nhiên đối với một quốc gia có tới hơn 96% các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc xây dựng được những thương hiệu quốc tế cần sự gắng sức của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề và cả phía chính phủ. Ví dụ như đối với ngành thủy sản, việc xây dựng thương hiệu cần tới sự tham gia của hiệp hội nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hay đối với các doanh nghiệp dệt may thì cần có sự đầu tư trọng điểm xuất khẩu của nhà nước đối với những thương hiệu như Vinatex, Garco 10, Viettien…
Xây dựng và phát triển thương hiệu công ty là một quá trình lâu dài bền bỉ. Quá trình đó phải được doanh nghiệp thực hiện xuyên suốt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Ban lãnh đạo công ty là những người hơn ai khác phải đưa ra được một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu công ty của doanh nghiệp mình. Dưới đây là 5 bước giúp đưa ra một lộ trình.
Bước 1: Phân tích giá trị cốt lõi của thương hiệu. Phân tích thương hiệu bao gồm phân tích khách hàng, đối thủ cạnh tranh và phân tích nội bộ. Chúng ta sẽ nghiên cứu sau về giá trị cốt lõi của thương hiệu như tầm nhìn và giá trị thương hiệu đem lại và bản thân thương hiệu. Đó là thương hiệu đối nội. Còn thương hiệu đối ngoại là định vị, hình ảnh, và các đặc điểm nhận diện thương hiệu. Căn cứ vào đó, chúng ta sẽ tiến hành vạch ra chiến lược thương hiệu.
Bước 2: Chiến lược không thể thiếu mục đích. Chiến lược tập trung vào tổ chức, hoạt động, và Marketing. Do khách hàng, nhân viên và cổ đông có cái nhìn rất khác nhau về thương hiệu nên chúng ta buộc phải tiến hành tuần tự như sau: Tập hợp các nhóm mục tiêu, Phân tích các yếu tố cạnh tranh, Kiểm tra lại những nhận thức về thương hiệu, Tái định vị lại thương hiệu, Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, Chiến lược tiếp thị tập trung, Hệ thống kiểm tra và phân tích phản ứng, Đánh giá và điều chỉnh.
Bước 3: Truyền thông thương hiệu: Cần chú ý tới các ấn phẩm và các cách tiếp cận những đối tượng bên ngoài như website, tờ rơi, phong bì, giấy tiêu đề, lời văn, văn phòng giao dịch, lễ tân, cách ăn mặc, thông cáo báo chí. Áp dụng cho tất cả các văn phòng của công ty và các nơi có sử dụng tên thương hiệu. Cần có nguyên tắc nhất quán cho hình ảnh thương hiệu trong các mối quan hệ đối nội và đối ngoại.
Một khi thương hiệu của công ty đã được xác định và mục tiêu của công ty đã được xác định mà trọng tâm là thương hiệu, chúng ta phải biết được nhiệm vụ của truyền thông là gì, xác định đối tượng của chúng ta là ai, phát triển mọi thông tin cho mọi đối tượng, và phải xác định rõ là bằng cách nào các thông tin đó được truyền tải một cách tốt nhất.
Bước 4: Quản lý và phát triển thương hiệu: Chắn chắn mọi thương hiệu có thể bị suy yếu vào một lúc nào đó.
Nếu để tự mình xoay sở, phần lớn các thương hiệu cuối cùng đều nhận thấy rằng mình đang trong tình trạng suy giảm khi họ bị mất hoặc bị đối thủ cạnh tranh chiếm mất thị phần. Hãy tưởng tượng nếu như thương hiệu Levi’s vẫn giữ nguyên từ lúc bắt đầu khi mà Levi’s được biết đến là quần cứng dùng cho những người thợ mỏ. Liệu thương hiệu này có thành công như ngày nay không?
Nhưng thương hiệu không bắt buộc phải chết. Không giống như sản phẩm, không có chu kỳ sống cho thương hiệu, và điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết thương hiệu có thể vĩnh cửu. Thương hiệu là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Bằng cách quản lý cẩn thận và uốn nắn chúng, cùng với chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, thương hiệu có thể được bảo vệ khi nền kinh tế suy giảm và nuôi dưỡng khi nền kinh tế phát triển. Đó chính là mục đích cuối cùng của quản lý và phát triển thương hiệu.
Bước 5: đánh giá giá trị thương hiệu thông qua các thước đo sau:
Các định giá qua trung gian: không tính đến sự hiểu biết, cảm nhận cũng như thái độ của cổ đông tới thương hiệu, liên quan tới các đối thủ cạnh tranh. Các vấn đề không bao trùm như là sự thỏa mãn của người tiêu dùng, hay chất lượng cảm nhận thông qua một số nghiên cứu về chất lượng có thể giúp được người sở hữu thương hiệu hiểu được động cơ mua (hay không mua) hàng của người tiêu dùng.
Thái độ: cách thể hiện thực tế của các cổ đông. Doanh số là yếu tố chủ chốt ở đây, bên cạnh đó còn thị phần, khả năng duy trì khách hàng, lòng trung thành và tốc độ mua hàng.
Đánh giá tài sản thương hiệu quan trọng là phải xác định được hiệu quả: o Chiến lược khách hàng: thị trường nào tiềm năng hơn?
o Chiến lược tiếp thị: các yếu tố nào trong 4P cần được chú trọng? o Phân bổ ngân sách: đầu tư bao nhiêu và vào đâu?
o Theo dõi hoạt động: thời gian qua chúng ta làm thế nào so với các đối thủ cạnh tranh. Các yếu tố cấu thành đầu vào: chi phí cho quảng cáo và truyền thông tính theo phần trăm doanh thu. Đối với một số ngành, đây là công cụ chính để tính tài sản thương hiệu. Phương pháp này cũng có thể bao gồm các đánh giá các yếu tố nội tại như là trợ giúp phát huy sáng kiến và các nét văn hóa cấu thành khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng nhiều tới các hoạt động Marketing như chủ động tiếp cận thị trường, tự tìm hiểu để nâng cao hiểu biết một cách sâu sắc về thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu của sản phẩm. Doanh nghiệp cần tránh thái độ chủ
quan và ỷ lại vào các cơ quan xúc tiến, cần chủ động giao tiếp và xây dựng quan hệ đối tác trên cơ sở mong muốn phát triển lâu dài.
Nếu muốn thành công thì các công ty của Việt Nam một mặt cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vào chiều sâu sản xuất (trang bị công nghệ mới, nâng cao chất lượng tay nghề của công nhân, nâng cao thiết kế mẫu mã sản phẩm…), mặt khác có các cách thức trưng bày giới thiệu sản phẩm của Việt Nam với những ưu thế riêng có hấp dẫn người tiêu dùng Nhật Bản. Tham gia triển lãm thương mại ở Nhật Bản để giới thiệu cho người tiêu dùng Nhật Bản về sản phẩm của Việt Nam là một cách rất tốt. Ở Nhật Bản có rất nhiều trung tâm quảng cáo mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia như Khu Hội chợ thương mại quốc tế Harumi ở Tokyo, Tòa nhà triển lãm quốc tế Kobe, Tòa nhà triển lãm tổng hợp miền tây Nhật Bản. Ngoài ra, các công ty Việt Nam cũng có thể áp dụng các hình thức quảng cáo phù hợp với khả năng tài chính của mình: quảng cáo bằng cách phát tờ rơi, dán panô, áp phích ở nơi công cộng như nhà ga, bến xe… Khi quảng cáo cần chú ý nhấn mạnh những ưu điểm trong sản phẩm của mình. Chẳng hạn, khi quảng cáo mặt hàng tơ tằm, cần làm nổi bật sự khác biệt giữa tơ tằm xe bằng tay của Việt Nam với các loại tơ xe bằng máy công nghiệp của các nước khác, nhấn mạnh độ tinh xảo. Đồng thời, chúng ta cũng cần sáng tạo và học tập cách thức quảng cáo, đóng gói và bảo quản hàng hóa của các nước tiên tiến, lựa chọn bao bì, hình thức đóng gói theo yêu cầu thị hiếu của khách hàng. Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản không những phải đảm bảo về nội dung bên trong mà còn phải phù hợp về hình thức bên ngoài, một khiếm khuyết nhỏ về bao bì cũng có thể bị coi là hàng kém phẩm chất. Từng bước nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, không để có tâm lý coi thường hàng hóa Việt Nam phổ biến trong người tiêu dùng Nhật Bản, không để mất lòng bạn hàng, giữ uy tín với khách hàng là những điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần luôn luôn ghi nhớ và thực hiện.
TÓM TẮT CHƯƠNG III
Trong chương III, tác giả đầu tiên đi vào việc thống kê các trường hợp thành công lớn tại thị trường Nhật Bản, tạo dựng các thương hiệu với những câu chuyện độc đáo. Từ đó, có thể nói rằng để khắc phục và nâng cao vai trò của văn hóa trong hoạt động ngoại thương giữa hai nước, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước tạo điều kiện và giáo dục cho doanh nghiệp về văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa và hiểu biết. Còn doanh nghiệp cần chủ động học hỏi, tìm tòi và đưa ra biện pháp khắc
phục của riêng mình, trong đó cần chú trọng nhiều tới việc xây dựng thương hiệu, triết lý kinh doanh và tác phong kỷ luật công nghiệp cho công nhân viên của mình.
KẾT LUẬN
Thật khó có thể thống kê được trong vòng 1 năm, có bao nhiêu vụ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cũng thật khó có thể đo lường một cách định lượng về ảnh hưởng của văn hóa tới những hoạt động đó. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của văn hóa dân tộc tới hoạt động ngoại thương nói chung, hoạt động ngoại thương Việt Nam – Nhật Bản nói riêng.
Để có thể thành công hơn nữa tại thị trường Nhật Bản, doanh nhân Việt Nam cần chú ý tới những đặc điểm văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử và tính cách người Nhật, từ đó, có những biện pháp cụ thể để khắc phục sự khác biệt giữa văn hóa hai nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài đối với thị trường Nhật Bản, chú trọng cải tiến chất lượng, mẫu mã và xây dựng một thương hiệu mạnh, có uy tín. Có như vậy, Việt Nam mới có thể khai thác triệt để những thuận lợi trong quan hệ ngoại thương và từ những ưu đãi mà hiệp định AJCEP đã mang lại.