D) Trường hợp không được hưởng giới hạn trách nhiệm
3.1.2 Bảo đảm giao lưu quốc tế
Thế kỷ 21, với sự bùng nổ của cách mạng tin học, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức sâu sắc và mạnh mẽ, tác động đến tất cả các nền kinh tế. Xu thế toàn cầu hóa không phụ thuộc vào mong muốn, lợi ích trình độ phát triển, chế độ chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời xu thế toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm kinh tế thế giới, giữa các nước giàu, nghèo, giữa các khối kinh tế khu vực với bên ngoài, giữa các quốc gia trong cùng một khối, mở rộng và làm mờ đi “biên giới” kinh tế quốc gia, tạo ra thị trường chung rộng lớn, đa dạng. Chính vì vậy, nền kinh tế quốc gia muốn đứng vững được chủ yếu nhờ vào khả năng cạnh tranh quốc tế của mình. Lực lượng sản xuất của mỗi quốc gia sẽ không còn “trong sạch”,
mang nhiều yếu tố quốc tế về tài chính, vốn, khoa học - công nghệ, tài nguyên. Cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia phụ thuộc vào trình độ cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường quốc tế, sự phân công lao động quốc tế ngày càng sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa có mặt tích cực là tạo cơ hội cho các nước kém phát triển tham gia vào thị trường kinh tế thế giới, tham gia phân công lao động quốc tế thông qua sự liên kết thị trường, vốn, thành tựu khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên toàn cầu hóa có mặt tiêu cực vì trước hết đó là sự bành trướng và phát huy tối đa khả năng cạnh tranh của các cường quốc thế giới, tăng nguy cơ phá sản nền kinh tế, dẫn đến lệ thuộc kinh tế, chính trị, văn hóa
của các nước nghèo. Với những đặc điểm cơ bản trên xu thế toàn cầu quy định tính tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế của mỗi nền kinh tế.
Không nằm trong trường hợp ngoại lệ, đối với cộng đồng hàng không quốc tế, xu thế toàn cầu hóa thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngành hàng không dân dụng của mỗi quốc gia muốn phát triển hoạt động hàng không dân dụng của mình. Tự do hóa vận tải hàng không đang là quá trình phát triển tất yếu của ngành hàng không dân dụng quốc tế. Tự do hóa tạo ra một thị trường chung rộng lớn cho các hãng hàng không, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với sợ tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhất là đối với hãng hàng không của các nước đang phát triển.
Chính vì những lý do trên, khi xây dựng hệ thống pháp luật về hàng không dân dụng cần chú trọng đảm bảo được yếu tố giao lưu quốc tế. Chính điều này sẽ đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam trên thị trường hàng không quốc tế.