Người vận chuyển hàng không luôn luôn phải chịu áp lực lớn về chi phí do sự đắt giá của phương tiện vận chuyển, do chi phí cao trong giao thông và chi phí cao đối với đào tạo và nuôi dưỡng nhân viên. Hơn nữa vận chuyển hàng không luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Tai nạn kéo theo chi phí bồi thường cao khiến cho hãng hàng không phá sản gây tổn thất cho giao thông công cộng. Vì vậy giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển cần được đặt ra. Các Công ước vận chuyển hàng không quốc tế từ xưa tới nay đều rất chú trọng tới các mức giới hạn và việc áp dụng giới hạn trách nhiệm.
Trước hết phải chia hàng hóa thành hàng hóa có kê khai giá trị và không kê khai giá trị. Đối với hàng hóa có kê khai giá trị thì về nguyên tắc phải bồi thường theo giá trị kê khai. Còn đối với hàng hóa không kê khai giá trị mới tính tới chuyện áp dụng giới hạn trách nhiệm. Kê khai giá trị hàng hóa là việc người gửi hàng hóa có tờ khai đặc biệt về giá trị hàng hóa ở nơi giao hàng hóa, vào lúc hàng hóa được giao cho người vận chuyển và trả một khoản phí bổ sung nếu người vận chuyển yêu cầu. Trong trường hợp giá trị hàng hóa đã được kê khai trên vận đơn thì giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển là giá trị kê khai trên vận đơn. Còn nếu giá trị hàng hóa mà người gửi hàng hóa kê khai trên vận đơn lớn hơn giá trị thực tế của hàng hóa lúc giao
hàng thì người vận chuyển chỉ phải bồi thường tới giá trị của hàng hóa nếu chứng minh được như vậy.
Công ước Warsaw 1929 qui định đối với vận chuyển hàng không quốc tế, trách nhiệm của người vận chuyển được giới hạn ở một khoản 250 F vàng trên một kilogram hàng hóa và một đồng F pháp có hàm lượng vàng là 65,5 mg vàng, độ tinh khiết 900/1000.
Công ước Montreal 1999 qui định, trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp làm mất mát, thiếu hụt, hay hư hỏng hàng hóa hoặc vận chuyển chậm hàng hóa được giới hạn ở 17 SDR (Special Drawing Rights- quyền rút vốn đặc biệt) đối với một kilogam hàng hóa.
Việc tính giới hạn trách nhiệm còn được xem xét đến trong trường hợp mất mát, thiếu hụt, hay hư hỏng, hoặc vận chuyển chậm trễ một phần hàng hóa hoặc vật phẩm bất kỳ nào đó của hàng hóa. Trong trường hợp này trọng lượng được tính đến khi xác định giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển chỉ là tổng trọng lượng của lô hàng hoặc các lô hàng liên quan. Tuy nhiên, khi mất mát, thiếu hụt, hay hư hỏng hoặc vận chuyển chậm một phần hàng hóa hoặc một vật phẩm của hàng hóa gây ảnh hưởng đến giá trị của các lô hàng khác trong cùng một vận đơn hoặc trong cùng một biên lai hàng hóa, hoặc nếu chúng không được cấp, trong cùng một bản ghi được lưu giữ bằng các phương thức khác thì tổng trọng lượng của lô hàng hoặc các lô hàng như vậy cũng sẽ được tính đến khi xác định giới hạn trách nhiệm.