Quy định về tổ chức hành nghề luật sư:

Một phần của tài liệu Pháp luật về hành nghề luật sư ở Việt Nam (Trang 44)

Tổ chức hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam gồm văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn.

Luật luật sư sửa đổi năm 2012 có quy định mới đối với điều kiện để thành lập tổ chức hành nghề luật sư đó là để thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư thì luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này. Theo đó sau ít nhất hai năm kể từ khi được cấp thẻ luật sư thì luật sư mới có thể thành lập công ty luật hoặc văn phòng luật sư. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng các tổ chức hành nghề luật sư được mở ra một cách tràn lan. Hiện nay nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã được mở ra nhưng không hề có hoạt động trên thực tế. Mục đích của quy định này là muốn các tổ chức hành nghề chỉ được thành lập khi luật sư thực sự có tâm huyết và thực sự muốn thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư; đồng thời quy định thời gian hai năm là để luật sư có đủ điều kiện tiếp xúc và tích lũy kinh nghiệm thực tế trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Bởi khi còn tập sự hành nghề luật sư, một người chỉ được “tập bơi trên cạn” mà chưa được xuống nước nên chưa thể có được những trải nghiệm, những kinh nghiệm thực tế trong nghề.

40

Điều luật còn quy định: một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề. Nghĩa là một luật sư chỉ được là thành viên của duy nhất một tổ chức hành nghề. Đây là điểm khác biệt giữa tổ chức hành nghề luật sư và các loại hình doanh nghiệp khác. Thêm nữa, khác với các loại hình công ty hợp danh được quy định trong luật doanh nghiệp, công ty luật hợp danh không được kết nạp thành viên góp vốn. công ty luật hợp danh là loại hình doanh nghiệp mà toàn bộ thành viên đều phải là thành viên hợp danh (Điều 130 luật doanh nghiệp 2005 và Điều 34 luật luật sư). Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 133 luật doanh nghiệp lại cho phép thành viên hơ ̣p danh được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác khác nếu được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Như vậy, về vấn đề này, luật luật sư có quy định chặt chẽ hơn luật doanh nghiệp. Quy định này là hợp lý bởi hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư liên quan trực tiếp tới quyền lợi của con người, cùng với quy định nghề luật sư không được kiêm nhiệm, quy định này buộc luật sư phải chuyên tâm vào công việc cao quý của mình nhằm đem lại kết quả cao nhất trong hoạt động nghề nghiệp.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư là Sở Tư pháp. Đây cũng là một đặc thù riêng của tổ chức hành nghề luật sư so với các doanh nghiệp khác. Theo quy định của luật luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty. Việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cũng phải được Sở Tư pháp chấp nhận.

Điều 20 luật luật sư quy định “Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở”. Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư chỉ được thành lập ở địa phương nơi có trụ sở của đoàn luật sư mà luật sư đó đã gia nhập. Điều 23 cũng dự liệu được trường hợp nhiều luật sư là thành viên của các đoàn luật sư khác nhau

41

cùng tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp đó, các luật sư có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư có tính chất đặc thù hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác bởi dịch vụ mà nó cung cấp là dịch vụ pháp lý. Các thành viên của tổ chức này đều phải là luật sư và người đại diện theo pháp luật phải là luật sư thành viên của tổ chức hành nghề đó. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng luật sư là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng luật sư là luật sư thành lập Văn phòng luật sư. Người đại diện theo pháp luật của Công ty luật hợp danh, Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là Giám đốc Công ty. Giám đốc Công ty là một thành viên được các thành viên khác của Công ty thoả thuận cử làm Giám đốc. Việc thoả thuận cử Giám đốc Công ty phải được lập thành văn bản và có chữ ký của tất cả các thành viên của Công ty. Người đại diện theo pháp luật của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc Công ty. Luật sư chủ sở hữu Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên đương nhiên là Giám đốc Công ty.

Luật luật sư cũng quy định rõ về trách nhiệm tài sản của tổ chức hành nghề luật sư. Luật sư thành lập Văn phòng luật sư phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của Văn phòng. Các luật sư thành lập Công ty luật hợp danh phải chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của Công ty. Các luật sư thành viên của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của Công ty trong phạm vi tài sản góp vào Công ty. Luật sư thành lập Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của Công ty trong phạm vi phần tài sản của Công ty. Các quy định này hoàn toàn phù hợp với vấn đề lý luận.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được quy định cụ thể tại điều 41 và 42 của luật luật sư. Chi nhánh của tổ chức hành

42

nghề luật sư được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh do mình thành lập. Trưởng chi nhánh là luật sư của tổ chức hành nghề luật sư, được tổ chức hành nghề cử làm trưởng chi nhánh. Các luật sư làm việc tại chi nhánh có thể là luật sư của Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động hoặc nơi có trụ sở của chi nhánh. Khi thành lập chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư cũng phải đăng ký tại Sở tư pháp địa phương nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Văn phòng giao dịch là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng. Văn phòng giao dịch không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý. Khi thành lập văn phòng giao dịch, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của văn phòng giao dịch cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp ghi địa chỉ của văn phòng giao dịch vào Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Ngoài ra, Tổ chức hành nghề luật sư còn được đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài. Trường hợp này, tổ chức hành nghề luật sư phải tuân theo quy định pháp luật của nước sở tại nơi đặt cơ sở hành nghề. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài, hoặc khi chấm dứt hoạt động cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

Tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý - một loại dịch vụ rất đặc thù, rất nhạy cảm, đó cũng là chất xám của con người. Chất lượng dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến con người, có khi đến cả hệ thống pháp luật, chính trị và xã hội. Chất lượng dịch vụ không tốt không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, tính mạng, sức khỏe của con người, tình hình an

43

ninh trật tự của một khu vực. Do đó, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ là vô cùng nặng nề. Các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư phải ý thức được điều đó để cố gắng cung cấp được dịch vụ tốt nhất tới khách hàng.

Quyền và nghĩa vụ hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư được quy định cụ thể tại điều 39 và điều 40 của Luật luật sư.

Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư có các quyền: Thực hiện dịch vụ pháp lý; nhận thù lao từ khách hàng; thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu; hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước; đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Với tư cách là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới khách hàng, Tổ chức hành nghề luật sư cũng có các quyền của doanh nghiệp theo quy định của điều 8 Luật doanh nghiệp 2005. Đó là các quyền:Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp;Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các dịch vụ không được pháp luật quy định; Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hành nghề luật sư ở Việt Nam (Trang 44)