MỞ ĐẦU Báo chí Việt Nam với sứ mệnh cao cả là định hướng dư luận xã hội, là công cụ đắc lực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; là vũ khí sắc bén đấu tranh và đập tan những luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ chế độ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Báo chí đã góp phần làm cho chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, biến thành những phong trào hành động cách mạng sôi nổi của quần chúng. Báo chí tham gia, phát hiện, đấu tranh với cái xấu, cái ác, những hiện tượng tham ô, lãng phí, tiêu cực; biểu dương, cổ vũ, động viên những điển hình tiên tiến, cái tốt, cái đẹp trong đời sống xã hội, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng; là diễn đàn, tập hợp ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Chính từ thực tiễn cuộc sống, báo chí kịp thời phản ảnh những khiếm khuyết của những chủ trương, chính sách đã ban hành… Từ đó đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” trở thành hiện thực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về quy mô, tính chất, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội và mang nhiều tiện ích đến cho người đọc, người xem, người nghe, thì lòng tin vào báo chí cũng có mặt đang bị giảm sút đáng lo ngại. Trong đó đặc biệt xu hướng thương mại hóa báo chí, mà một trong những biểu hiện là lợi dụng uy tín của tờ báo, lợi dụng niềm tin của công chúng để quảng cáo bằng nhiều hình thức nhằm mục đích lợi nhuận mà xem nhẹ xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí vi phạm pháp luật. Vì vậy, các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc phân biệt quảng cáo và tác phẩm báo chí”.