NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT MỞ ĐẦU Văn học nghệ thuật là một bộ phận tinh tế và nhạy cảm của đời sống văn hóa tinh thần, liên quan chặt chẽ đến công tác tư tưởng văn hóa của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Ngay từ khi ra đời lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã rất quan tâm lãnh đạo lĩnh vực văn học, nghệ thuật, tập hợp và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, phát huy vai trò tích cực của họ trong việc sáng tạo cổ vũ, động viên nhân dân tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sau khi giành được chính quyền, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo nhà nước tập trung xây dựng nền văn học, nghệ thuật cách mạng phát triển không ngừng, trở thành một mặt trận tiên phong trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần cùng toàn dân, toàn quân hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng đất nước theo con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ khi bước vào sự nghiệp đổi mới đến nay, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn luôn luôn được đặt ra và có những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn và phức tạp, cần phải được tiến hành nghiên cứu và tổng kết thường xuyên, rút ra những bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật sau này. Đây vừa là những vấn đề có ý nghĩa lý luận, vừa là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cấp bách hiện nay. 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT 1.1. Tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật Theo quan điểm duy vật về lịch sử, chủ nghĩa Mác đã chỉ rất rõ là tư tưởng thống trị thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị. Trong quá trình diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, các giai cấp thông qua các đảng phái chính trị của mình bao giờ cũng sử dụng văn học, nghệ thuật như một vũ khí sắc bén để tuyên truyền hệ tư tưởng của giai cấp mình. Trong Tuyên ngôn cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: Lịch sử tư tưởng chứng minh gì, nếu không phải chứng minh sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sản xuất vật chất. Những tư tưởng của giai cấp thống trị của một thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị . C.Mác và Ph.Ăngghen đều coi văn học, nghệ thuật như một hoạt động nhằm thức tỉnh giai cấp công nhân và nhân dân lao động về trí tuệ và tình cảm của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và xây dựng chế độ xã hội mới. Hai ông yêu cầu đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ của Đảng phải tiến hành tranh luận, thuyết minh, phát triển và bảo vệ những lợi ích của Đảng, bác bỏ và đánh lại các luận điệu huênh hoang của Đảng đối với địch .