Quá trình dạy – học là một hoạt động phức tạp, trong đó chất lượng, hiệu quả cơ bản phụ thuộc vào chủ thể nhận thức – người học. Để việc học có hiệu quả cao, người học phải thực sự có hứng thú trong quá trình học. Khi có hứng thú, say mê trong học tập thì việc lĩnh hội tri thức trở nên dễ dàng hơn; ngược lại, khi hiểu được bài, người học lại có thêm hứng thú để tiếp tục quá trình học tập. Để tạo được niềm hứng thú này, người giáo viên (GV) – người điều khiển, hướng dẫn học sinh (HS) tham gia vào quá trình học, có vai trò đặc biệt quan trọng.Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều HS chưa có cái nhìn đúng về môn địa lí. Với suy nghĩ đây là môn học thuộc lòng, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khó chọn trường thi Đại học nên các em thường ngại học, học một cách đối phó, miễn cưỡng. Điều này khiến chất lượng học tập chưa cao, HS dễ quên kiến thức, thiếu những kĩ năng địa lí cơ bản.“Học mà chơi – Chơi mà học” là một phương châm được đề cao trong hoạt động dạy học do có tác dụng khơi dậy nhiều hứng thú cho người dạy lẫn người học đồng thời tạo ấn tượng sâu sắc về bài học, giúp việc học nhẹ nhàng mà hiệu quả. Trong chương trình địa lí 12, phần địa lí tự nhiên với nhiều bài học sinh động song nếu không chủ động, tích cực, nhiều HS sẽ khó nắm bắt nội dung bài học. Một trong những cách giải quyết vấn đề này là khéo léo lồng ghép các trò chơi trong giờ học. Trong quá trình giảng dạy thực tế, tôi nhận thấy việc làm trên không chỉ hình thành được hứng thú cho HS đối với môn học mà còn nâng cao hiểu biết kiến thức và các kĩ năng hoạt động theo nhóm, tập thể, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học địa lí lớp 12