PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Về mặt lý luận: Đối thoại xã hội (ĐTXH) là nội hàm và là một nội dung cốt lõi trong quan hệ lao động (QHLĐ). Tại doanh nghiệp, đối thoại được coi là "chìa khóa", là sợi chỉ đỏ làm lành mạnh hóa QHLĐ [38]. Bởi vì nếu không có đối thoại điều hòa mối quan hệ giữa các chủ thể thì sẽ thường xuyên dẫn đến nguy cơ mất cân bằng về lợi ích gây ra xung đột, tranh chấp, ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của các bên và lợi ích chung của xã hội [7]. Hơn nữa, ĐTXH còn là quyền cơ bản của NLĐ tại nơi làm việc. Đối thoại xã hội tốt làm giảm các xung đột lao động và là cơ sở để ổn định, phát triển sản xuất, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp. Được cung cấp đầy đủ thông tin, được tham gia đóng góp ý kiến vào các chính sách của doanh nghiệp giúp NLĐ yên tâm làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua việc tăng năng suất lao động. Đồng thời, đối thoại tốt tạo môi trường làm việc thân thiện góp phần giảm thiểu những mâu thuẫn, làm giảm tỷ lệ thay thế lao động và tăng sự gắn bó của NLĐ với doanh nghiệp. Những nguyên lý về ĐTXH trong QHLĐ cần được bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Nguyên lý về ĐTXH đã được nghiên cứu trong các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên trong bối cảnh ra đời của nhiều định chế kinh tế mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu thì điều kiện ra đời, vận hành, phát triển QHLĐ, nguyên lý về các thành tố cơ bản của QHLĐ trong đó có ĐTXH cũng cần có những bước chuyển thích hợp để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Về mặt thực tiễn: Các doanh nghiệp may là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên tình hình ĐTXH ở đây còn nhiều tồn tại. Dệt may luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp may (chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp trong ngành). Các sản phẩm may mặc của Việt Nam đứng top 5 trong số 153 nước xuất khẩu may trên thế giới (VITAS, 2019) và sẽ tiếp tục đạt lợi ích khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định kinh tế trong khu vực và thế giới như: EVFTA, CPTPP,... Doanh nghiệp may sử dụng nhiều lao động phổ thông, lực lượng lao động không ổn định và có độ nhạy cảm cao về QHLĐ nói chung và ĐTXH nói riêng. Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (VGCL), các doanh nghiệp may luôn dẫn đầu cả nước về số vụ tranh chấp lao động (TCLĐ) và đình công. Các cuộc đình công đều là tự phát, không có sự tham gia của tổ chức công đoàn (TCCĐ) (VGCL, 2019). Đối thoại xã hội được xem là chìa khóa để bình ổn QHLĐ trong ngành. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, ĐTXH đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các doanh nghiệp may trong thương mại quốc tế, đặc biệt là sự phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Một cơ chế đối thoại cởi mở giữa tập thể NLĐ và NSDLĐ giúp cải thiện điều kiện làm việc (ĐKLV) và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình ĐTXH tại các doanh nghiệp may hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: Đối thoại còn hình thức, nội dung không rõ ràng, thậm chí một số doanh nghiệp còn lập biên bản đối thoại khống nhằm đối phó với các đối tác và cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) khi kiểm tra, giám sát; Chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) còn thấp; Việc thực hiện nội dung TƯLĐTT chưa thường xuyên, đầy đủ (MOLISA, 2018); Văn hóa đối thoại trong các doanh nghiệp may còn “mờ nhạt”; Tổ chức công đoàn cơ sở (TCCĐCS) còn nặng về hoạt động phong trào, chưa thực sự chủ động trong việc đề xuất nội dung, yêu cầu ĐTXH và thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ (VGCL, 2019). Các doanh nghiệp may hoạt động trong ngành đầu tiên ký TƯLĐTT ngành ở Việt Nam. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện thì số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều. Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam được ký lần đầu tiên vào năm 2011. Từ đó đến nay Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐDMVN) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã 3 lần đối thoại và điều chỉnh vào năm 2012, 2014 và 2017. Thỏa ước lao động tập thể ngành tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển QHLĐ cho các doanh nghiệp may. Thực tế cho thấy tại các doanh nghiệp may tham gia TƯLĐTT ngành, TCLĐ giảm đáng kể. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào TƯLĐTT ngành vẫn còn khiêm tốn (lần 1 là 69 doanh nghiệp và lần 4 là 81 doanh nghiệp trên tổng số gần 6000 doanh nghiệp may của cả nước) (CĐDMVN, 2019). Cho thấy mức lan tỏa của TƯLĐTT ngành còn chưa cao. Thực tế thì VITAS và CĐDMVN chỉ đại diện cho một số nhỏ doanh nghiệp mà chưa thể đại diện cho cả ngành để giải quyết những vấn đề liên quan đến QHLĐ.