MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học (TCĐH) là xu hướng tất yếu để đổi mới và phát triển giáo dục đại học (GDĐH) hiện đại. TCĐH đã trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, gắn với sự phát triển của các trường đại học (TĐH) trong bối cảnh có sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Nhà nước và TĐH dưới tác động của điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia. Sự thay đổi căn bản của GDĐH từ chức năng sản sinh ra tri thức trở thành một ngành/lĩnh vực mang tính dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn đầu vào cho hoạt động của mọi ngành/nghề/lĩnh vực trong xã hội cũng như lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) đã đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh lại mối quan hệ hai chiều giữa Nhà nước và TĐH. Cụ thể, trong mối quan hệ với TĐH, Nhà nước phải ngày càng giảm dần sự can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị, quản lý của các trường để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho TĐH. Ngược trở lại, TĐH trong mối quan hệ với Nhà nước buộc phải tăng cường sự tự chủ và trách nhiệm giải trình (TNGT) đối với mọi hoạt động giáo dục - đào tạo (GDĐT) trên cơ sở tiếp thu các yếu tố hợp lý, hiệu quả từ hoạt động QLNN. Sự điều chỉnh có tính kết hợp hai mặt này của mối quan hệ Nhà nước - TĐH được duy trì và phát triển qua mô hình TCĐH, trong đó, vai trò truyền thống của Nhà nước là quản lý trực tiếp trường đại học công lập (TĐHCL) dần chuyển sang vai trò phi truyền thống là giám sát, hướng dẫn hoạt động GDĐT của các TĐH. Sự chuyển đổi khách quan này diễn ra ở mọi quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh chung đó, thời gian qua ở Việt Nam, môi trường thể chế về TCĐH đã có những chuyển biến tích cực. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh TCĐH đã được ban hành, như Luật Giáo dục (2005); Luật Giáo dục đại học (2012); Điều lệ Trường đại học (2014); Nghị định “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006); Nghị định “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015); Nghị quyết “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, giai đoạn 2014-2017” (Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018); Nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học” (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019); Nghị định “Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020)... Cùng với hệ thống thể chế, đã có nhiều chủ trương lớn về TCĐH cho thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc thúc đẩy tiến trình TCĐH của các TĐHCL. Nghị quyết số 29 Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XI ngày 4/11/2013 (gọi tắt là Nghị quyết số 29) thống nhất chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp cho toàn hệ thống GDĐT của cả nước phải nhanh chóng: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục - đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương. Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục - đào tạo [13]. Trên mọi bình diện, TCĐH đặt ra không ít những yêu cầu mới về cả tư duy, l ý luận cũng như hoạt động thực tiễn của hệ thống QLNN về GDĐH và các TĐHCL. Song, cho đến nay, hiệu quả TCĐH của các TĐHCL, nhất là hiệu quả thực hiện tự chủ về tổ chức của các trường vẫn đang tồn tại khá nhiều vấn đề, trong đó: Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp [14]. Nhận định của Nghị quyết Trung ương số 19 nêu trên về thực trạng tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập phản ánh khá rõ những vấn đề liên quan tới thực hiện tự chủ về tổ chức của TĐHCL, cụ thể: