MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mặc dù vẫn không tránh khỏi còn bị hoài nghi, nhưng đã gần như là một xu thế khách quan mà các quốc gia, dân tộc đều phải tham gia. Quá trình này, khi diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống vật chất, đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của các xã hội, tức là tác động đến đời sống giá trị. Hệ giá trị của phần lớn các cộng đồng tại hầu hết các quốc gia trong những thập niên gần đây, đều đã ít nhiều biến động dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Với các nước đi sau và đang phát triển năng động như Việt Nam, sự tác động của toàn cầu hoá cùng đồng thời với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dường như còn mạnh mẽ hơn, làm cho đời sống giá trị, nhất là hệ giá trị con người đứng trước những sự lựa chọn khắt khe, phức tạp và nan giải hơn nhiều, đặc biệt giữa nội sinh và ngoại sinh, giữa truyền thống và hiện đại. Kể từ khi chủ động hội nhập quốc tế với những chính sách rộng mở và đi vào chiều sâu nhằm xây dựng quan hệ phát triển bền vững với cộng đồng thế giới, Việt Nam đã vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù tốc độ và chất lượng của sự phát triển cũng đặt ra nhiều vấn đề không kém phần gay gắt, song nhìn tổng quát, vị thế, vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đất nước đã đứng trước những vận hội đầy triển vọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam ngày càng được cải thiện và tiến bộ trong so sánh với quá khứ và với bên ngoài. Niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và với chế độ ngày càng được củng cố và phát triển theo chiều hướng tích cực. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là sự phát triển con người. Theo Báo cáo của UNDP năm 2020, sự phát triển con người Việt Nam tuy còn có những hạn chế không nhỏ, nhưng cũng đã đạt được những thành tựu rất đáng kể nhờ chủ trương “lấy con người làm trung tâm” và đảm bảo bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội trong các chiến lược, kế hoạch phát triển. Với chỉ số HDI 0,704 Việt Nam lần đầu tiên đã được xếp trong nhóm nước có chỉ số phát triển của con người cao, xếp thứ 117/189 quốc gia và thuộc nhóm đầu trong số 5 nhóm quốc gia về bình đẳng giới [Xem: 114]. Những thay đổi tích cực đó, trên thực tế, là sự phản ánh sâu sắc bước nhảy mạnh mẽ của Việt Nam chuyển sang một xã hội công nghiệp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với cách mạng công nghiệp 4.0 có hàm lượng tri thức cao, với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và với một “xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài viết kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2021. Ông viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm... Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” [96]. Như vậy, quá trình chuyển đổi và phát triển của đất nước cũng chính là quá trình đấu tranh để giải quyết những mâu thuẫn không khoan nhượng giữa các giá trị. Khẳng định của Tổng Bí thư cho thấy rất rõ khía cạnh giá trị của vấn đề: vì con người, chứ không phải chà đạp lên phẩm giá con người. Vì tiến bộ và công bằng, chứ không phải gia tăng giàu nghèo và bất bình đẳng. Vì một xã hội nhân ái, nhân văn, chứ không phải vì lợi ích vị kỷ của một số í t cá nhân và phe nhóm. Hệ thống chính trị là của dân, do dân và vì dân, chứ không phải chỉ phục vụ cho một thiểu số giàu có, bóc lột. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “đó chính là những giá trị đích thực” mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi [96].