KẾ HOẠCH BÀI HỌC Tháng 9 Tiết đọc thư viện Lớp 1 Tiết 1 Bài: Giới thiệu thư viện cho phụ huynh và học sinh đầu cấp I. Mục tiêu: Đối với phụ huynh: Thấy được Thư viện là “trái tim của trường học” là nơi học sinh tiểu học những nhà trí thức tương lai biết cách chọn lựa sách báo; biết tìm những kiến thức và sử dụng kiến thức trong học tập từ đó phụ huynh khuyến khích con em làm bạn với sách, đọc sách cho học sinh nghe ở giai đoạn đầu và cùng đọc với các em ở những tháng cuối năm học trở về sau; Hỗ trợ nhà trường xây dựng hay sửa chữa, bổ sung để thư viện là nơi đẹp nhất, hấp dẫn nhất không chỉ dành cho giáo viên, học sinh mà cả gia đình cha mẹ học sinh cùng đến đọc sách với con em mình tạo thành “văn hóa đọc” cho trẻ ngay từ mái trường tiểu học; Đối với học sinh: Thư viện là nơi mang lại cho trẻ nhiều lợi ích ngoài mục đích đọc sách. Thư viện cần tạo cơ hội thuận lợi nhất cho trẻ em phát triển các tiềm năng của mình một cách toàn diện. Đó là không gian học tập đa chức năng với các góc hoạt động khác nhau như: góc đọc, góc nghiên cứu, góc sáng tạo, góc nghệ thuật, góc nghe, góc trò chơi giáo dục,… II. Thành phần tham gia: Ban Giám hiệu; Phụ huynh học sinh và học sinh; Giáo viên phụ trách lớp; Giáo viên thư viện. III. Nội dung sinh hoạt: 1. Góc sinh hoạt của Ban giám hiệu với phụ huynh: Ban Giám hiệu làm rõ: + Vai trò quan trọng của việc xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày cho học sinh (ở trường, ở nhà). + Nhấn mạnh vào thông điệp việc xây dựng thói quen đọc sách cần có sự góp sức của gia đình cùng với nhà trường. HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH GIÚP (CÙNG) HỌC SINH ĐỌC SÁCH Ở NHÀ Trẻ thích đọc sách khi: Cha mẹ đọc sách với con thường xuyên. Cha mẹ dành thời gian kể cho trẻ những câu chuyện và đặt câu hỏi cho trẻ. Cha mẹ dùng đồ chơi và trò chơi minh họa để làm câu chuyện trở nên sống động hơn. Trẻ hiểu được rằng cha mẹ chúng thích đọc sách và cha mẹ sẽ là tấm gương tốt trong việc đọc sách cho các con. Cha mẹ dành thời gian nói chuyện về những địa điểm và nhân vật trong truyện. Phụ huynh giúp trẻ đọc sách ở nhà thế nào? Cần tập đọc to câu chuyện trước. Đọc rõ với tốc độ vừa phải. Làm cho giọng đọc thêm phần kịch tính, ví dụ như giọng run rẩy khi nhân vật sợ hãi hoặc giọng giận dữ khi nhân vật giận dữ. Cố gắng sử dụng nhiều giọng đọc có sắc thái khác nhau cho các nhân vật khác nhau. Có thể đọc lại câu chuyện khi nào trẻ còn thích nghe. Trẻ em thường thích sự lặp đi lặp lại. Để cho trẻ đọc lại câu chuyện một mình (những tháng cuối của lớp 1). Thảo luận về câu chuyện các sự kiện và nhân vật và đặt những câu hỏi như: Con nghĩ là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tại sao con nghĩ là họ lại làm như vậy?... 2. Góc sinh hoạt của HS – GV: GV (+ GV thư viện) ngồi đọc truyện cho các em nghe trong lúc Ban giám hiệu trao đổi với phụ huynh. KẾ HOẠCH BÀI HỌC Tháng 9 Tiết đọc thư viện Lớp 1 Tiết 2 Bài 2: Đọc to nghe chung Truyện: Thỏ ngọc và Tí chuột I. MỤC TIÊU: Thu hút trẻ đến với việc đọc sách. Giới thiệu trẻ làm quen với sách thiếu nhi dành cho HS đầu cấp. Cho trẻ tiếp cận hình thành giá trị lớn từ những câu chuyện nhỏ. II. CHUẨN BỊ: Truyện: Thỏ ngọc và Tí chuột; Tranh các nhân vật trong truyện. Một số truyện dành cho HS đầu cấp.