1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền Trung Việt Nam

229 6 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 229
Dung lượng 3,3 MB

Nội dung

1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Theo Quyết định 1423/QĐ/BNN-TCLN ngày 15 tháng 4 năm 2020 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019, nước ta có khoảng 14,609 triệu ha. Trong đó, diện tích rừng trồng là 4,317 triệu ha được giao quản lý và sử dụng cho 09 nhóm chủ thể, gồm các tổ chức và hộ gia đình. Chỉ tính riêng cho các hộ gia đình (HGĐ), diện tích rừng trồng là 1,594 triệu ha, được quản lý bởi 1,4 triệu hộ (Tek & cs., 2017), bình quân mỗi HGĐ có khoảng 1,1 ha rừng trồng, nhưng có đến trên trên 60% số HGĐ có diện tích nhỏ hơn 1 ha (Hoàng Liên Sơn & Vũ Duy Hưng, 2018). Tuy vậy, năng lực sản xuất gỗ nguyên liệu của các hộ gia đình rất lớn, (đạt khoảng 10 triệu m 3 gỗ/năm) chiếm khoảng 50% tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm. Theo Điều 27, Luật Lâm nghiệp 2017, các chủ thể là HGĐ được khuyến khích xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững (QLRBV) trên diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng gỗ nguyên liệu được giao. Tuy nhiên, với sự tham gia đông đảo và sự nhỏ lẻ về diện tích rừng trồng của các HGĐ, các giải pháp chính sách khuyến khích thực hiện QLRBV đối với HGĐ là rất khó khả thi. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tham gia chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao với sự đòi hỏi nghiêm túc về QLRBV và chứng chỉ rừng. Kinh doanh rừng trồng của HGĐ sẽ gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật của thị trường và hiệu quả kinh tế không được cải thiện nếu các hộ không hợp tác liên kết mở rộng quy mô diện tích theo nhóm hộ trồng rừng có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Hoàng Liên Sơn & Vũ Duy Hưng, 2018). Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là Hiệp định VPA/FLEGT) chính thức đàm phán giữa Việt Nam và EU từ năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01/06/2019. Đây là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ khi xuất khẩu sang thị trường EU, một thị trường khó tính về chất lượng, thúc đẩy Quản lý rừng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất lâm nghiệp, khuyến khích những chủ rừng nhỏ là các hộ gia đình thay đổi phương án và mục tiêu kinh doanh rừng trồng phục vụ chế biến xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng liên tục cao trong suốt 2 thập kỷ qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2020, từ khoảng 3,64 tỷ USD năm 2010 đã tăng lên khoảng 12,05 tỷ USD năm 2020 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2020), đã giúp cho hàng hóa lâm sản trở thành một trong ba trụ cột ngành hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á. Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản cần tiếp tục bứt phá để đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025. Do đó, chứng chỉ QLRBV ngày càng trở nên quan trọng để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu có chất lượng, hợp pháp và có nguồn gốc từ những khu rừng được thực hiện QLRBV. Tuy vậy, tính đến tháng 02 năm 2019, tổng diện tích rừng của Việt Nam được cấp chứng chỉ là 209.239 ha (FSC, 2019); trong đó, rừng trồng là 152.281 ha, đạt 7,7% mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, diện tích rừng trồng có chứng chỉ rừng của nhóm hộ gia đình khoảng 12.000 ha, chiếm 7,9% tổng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng, so với diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có của hộ gia đình là rất nhỏ bé, chỉ chiếm 0,8%. Do đó, hoạt động sản xuất lâm nghiệp phải tăng cường liên kết giữa các tác nhân, bao gồm: liên kết giữa các chủ rừng để tạo quy mô diện tích lớn, liên kết theo chuỗi giá trị giữa chủ rừng với cơ sở chế biến, thương mại sản phẩm gỗ để hình thành những diện tích rừng đạt chứng chỉ QLRBV, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các bên, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2013). Khu vực miền Trung Việt Nam có diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu khoảng 1,728 triệu ha, chiếm 40,79% tổng diện tích rừng trồng cả nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2019c). Loài cây trồng rừng sản xuất chủ lực của vùng là Keo lai và Keo Tai tượng, chiếm tỷ lệ trên 90% diện tích rừng gỗ nguyên liệu (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2014b). Từ thực tiễn sản xuất và tác động của chính sách phát triển rừng trồng gỗ nguyên liệu, trong khu vực đã hình thành một số liên kết trong kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu giữa các HGĐ theo nhóm hộ trồng rừng đạt chứng chỉ QLRBV và liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân từ khâu trồng rừng, đến khâu chế biến, thương mại sản phẩm gỗ. Các liên kết này đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của một số dự án (KFW2, WWF, WB3, v.v…) và kết quả đã hình thành nên các liên kết, như: Hội các nhóm hộ trồng rừng đạt chứng chỉ rừng QLRBV ở Quảng Trị có lịch sử phát triển lâu dài, với sự tham gia của nhiều bên, gồm HGĐ, hợp tác xã, doanh nghiệp. Quy mô diện tích tăng dần từ 300 ha năm 2008 đến trên 1.722,4 ha năm 2016, với sự tham gia của trên 500 hộ gia đình (Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị, 2016). Ngoài ra, Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (Dự án WB3) triển khai tại 06 tỉnh miền Trung trong giai đoạn 2005 – 2015 đã thành lập được 806 nhóm với 26.968 hộ tham gia trồng 76.571 ha rừng, trong đó 1.052,5 ha rừng của 342 HGĐ đã được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp, 2015). Theo đánh giá bước đầu, rừng trồng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng (FSC). Các nhóm hộ tham gia đã nâng cao hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng, từ đó góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và có tích lũy để tái sản xuất đầu tư phát triển rừng trồng và kinh tế hộ theo hướng bền vững. Tuy nhiên, số lượng HGĐ và diện tích rừng tham gia liên kết còn rất nhỏ so với tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ QLRBV, các mối quan hệ hợp tác giữa các bên thiếu bền vững, trong đó liên kết nhóm hộ tại 06 tỉnh miền Trung dễ dàng tan vỡ khi dự án WB3 kết thúc. Mặt khác, các nghiên cứu đánh giá tổng kết về liên kết tại khu vực chưa thấu đáo về tính bền vững của liên kết, chưa lượng hóa được các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển và phá vỡ liên kết, chưa xây dựng được hệ thống giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển liên kết trong kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu của khu vực. Do đó, những câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu này là: (1) Có những hình thức và mô hình liên kết phát triển rừng gỗ nguyên liệu nào tại khu vực miền Trung Việt Nam?; (2) Các liên kết hiện nay tại khu vực miền Trung được triển khai thực hiện như thế nào, đã đạt được kết quả và lợi ích cho các tác nhân tham gia liên kết như thế nào?; (3) Yếu tố nào ảnh hưởng tới việc tham gia liên kết và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đó ra sao?; (4) Giải pháp nào cần được thực hiện để thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu tại khu vực miền Trung Việt Nam?. Vì vậy, thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền Trung Việt Nam” là hết sức cần thiết, nhằm cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất giải pháp thúc đẩy liên kết trong kinh doanh rừng trồng gỗ nguyên liệu.

Ngày đăng: 02/07/2021, 08:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w