Ngoài việc mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế của địa phương, chợ nổi Phong Điền còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ hoạt động mua bán trên sông, đồng th
Trang 1Bộ GIáO DụC Và ĐàO TạO Bộ VĂN HOá, THể THAO Và DU LịCH
TRƯờNG ĐạI HọC VĂN HOá Hà NộI
********
NGUYễN THị Mỹ
Giá trị VĂN HóA CủA CHợ NổI PHONG ĐIềN
(HUYệN PHONG ĐIềN – THàNH PHố CầN THƠ)
Chuyên ngành: Văn hoá học Mã số: 60310640
LUậN VĂN THạC Sĩ VĂN HóA học
Người hướng dẫn khoa học: TS Phạm Văn Lợi
Hà Nội - 2013
Trang 2LỜI CAM ĐOAN
Bản luận văn này là công trình tổng hợp và nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu và kết quả đã nêu trong luận văn là hoàn toàn chính xác và trung thực Những ý kiến khoa học được đề cập trong luận văn chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác Nếu có gì sai sót, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Mỹ
Trang 3DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
tốt: an toàn, sạch và có chất lượng cao theo một tiêu chuẩn thống nhất chung trên toàn cầu)
Trang 4MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
MỞ ĐẦU 6
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 13
1.1 TỔNG QUAN VỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 13
1.1.1 Văn hóa 13
1.1.2 Chợ và chợ nổi 14
1.1.3 Văn hóa chợ 15
1.1.4 Giá trị văn hóa và giá trị văn hóa chợ 16
1.2 TỔNG QUAN VỀ HUYỆN PHONG ĐIỀN 17
1.2.1 Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên 17
1.2.2 Một số vấn đề về dân cư, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo 19
1.2.3 Một số vấn đề về kinh tế 21
1.2.4 Những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện Phong Điền 24
1.3 TỔNG QUAN VỀ CHỢ NỔI VÀ CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 34
1.3.1 Tổng quan về chợ nổi 34
1.3.2 Tổng quan về chợ nổi Phong Điền 37
Chương 2: NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 47
2.1 GIÁ TRỊ VĂN HÓA VẬT CHẤT 47
2.1.1 Không gian, quy mô chợ 47
2.1.2 Phương tiện mua bán 48
2.1.3 Phương tiện liên lạc 48
2.1.4 Bẹo hàng - cách quảng cáo hàng hóa độc đáo 48
2.1.5 Một số biện pháp bảo quản và vận chuyển hàng hóa 60
2.2 GIÁ TRỊ VĂN HÓA TINH THẦN 65
2.2.1 Phong tục thờ cúng 65
2.2.2 Một số nghi lễ liên quan đến ghe xuồng 73
2.2.3 Những kiêng cữ trong mua bán trên chợ nổi và đóng mới ghe xuồng 76
Trang 52.3 GIÁ TRỊ VĂN HÓA XÃ HỘI 79
2.3.1 Cách thức tổ chức, quản lý chợ nổi và quản lý cư dân 79
2.3.2 Cách thức quản lý, phân loại ghe xuồng xưa và nay 80
2.3.3 Ứng xử giữa người mua và người bán trên chợ nổi 82
2.3.4 Đời sống thương hồ 84
Chương 3: XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 90
3.1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT SINH TỪ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN CỦA CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 90
3.1.1 Gây trở ngại, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông 90
3.1.2 Nguồn nước bị ô nhiễm 91
3.1.3 Tình trạng thiếu thốn về văn hóa tinh thần, trẻ em thất học 91
3.1.4 Gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự trị an của địa phương 92
3.2 XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 92
3.2.1 Những biến đổi của văn hóa vật chất 92
3.2.2 Những biến đổi về văn hóa tinh thần 97
3.2.3 Những biến đổi của văn hóa xã hội 98
3.3 NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỔI CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ DỰ BÁO VỀ CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN TRONG TƯƠNG LAI 100
3.3.1 Nguyên nhân biến đổi các giá trị văn hóa chợ nổi Phong Điền 100
3.3.2 Dự báo về chợ nổi Phong Điền trong tương lai 102
3.4 GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN 103
3.4.1 Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chợ nổi Phong Điền gắn với việc duy trì và phát triển chợ 104
3.4.2 Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chợ nổi Phong Điền thông qua công tác nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch 108
KẾT LUẬN 114
TÀI LIỆU THAM KHẢO 118 PHỤ LỤC
Trang 6MỞ ĐẦU
1 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Từ xưa đến nay, chợ luôn là trung tâm buôn bán, giao lưu hàng hóa của một làng, một vùng hay rộng hơn là cả một quốc gia Không chỉ là nơi phản ánh đời sống kinh tế, chợ còn lưu giữ, tập trung nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân trong vùng Đồng thời, chợ còn là không gian diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin, nơi thể hiện đạo đức xã hội của người dân trong và ngoài địa phương Điều đó cho thấy nghiên cứu về thị trường nói chung, chợ nói riêng sẽ nhận biết được những nét văn hóa tiêu biểu của nhóm cư dân là chủ nhân khu chợ
và rộng hơn là văn hóa của cả vùng, miền nơi chợ hình thành và phát triển
Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe; nền kinh tế nông nghiệp phát triển, nhu cầu giao thương ngày càng tăng… là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các chợ nổi trên sông, một thị trường tiêu thụ hàng nông sản không thể thiếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Qua thời gian dài, bên cạnh việc mang lại hiệu quả trong phát triển kinh
tế các chợ nổi đã trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước, miệt vườn Nam bộ
Ở nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Chợ - thị trường giao lưu, buôn bán hàng hóa, trong đó có chợ nổi đang được tạo điều kiện để phát triển, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm Việc nghiên cứu những giá trị văn hóa của chợ nổi sẽ góp phần cung cấp tư liệu cần thiết để Đảng và Nhà nước có cơ sở hoạch định chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần của người dân ở khu vực này
Chợ nổi thường nhóm họp tự phát trên mặt sông, làm cản trở giao thông đường thủy; nông sản hư hỏng và chất thải sinh hoạt từ chợ nổi tuôn xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước… Vì vậy, các chợ nổi đang đứng trước nguy cơ bị giải thể
Trang 7bằng biện pháp hành chính, những giá trị văn hóa được hình thành và phát triển cùng sự phát triển của chợ nổi đang có nguy cơ bị xóa bỏ Mặt khác, ĐBSCL hiện đang có những bước phát triển nhất là về hệ thống giao thông đường bộ và đô thị: nhiều tuyến đường, nhiều trung tâm buôn bán, thương mại dịch vụ được mở ra đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế hàng hóa, tuy nhiên, các yếu tố này cũng đã ít nhiều làm giảm cường độ giao thương hàng hóa ở chợ nổi
Kết quả nghiên cứu những giá trị văn hóa của chợ nổi vào thời điểm hiện nay còn giúp các cấp các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa có được nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc xác định phương thức bảo tồn và phát huy những yếu
tố văn hóa đặc trưng của cư dân ĐBSCL trong hiện tại và tương lai
Chợ nổi Phong Điền, thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, tọa lạc tại trung tâm một địa phương vốn được mệnh danh là cái nôi văn minh miệt vườn phía Tây sông Hậu Đây là một trong những chợ đầu mối ở ĐBSCL, cung cấp hàng nông sản, đặc biệt là trái cây cho những tỉnh, thành ở miền trên như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An…, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ nông sản của huyện Phong Điền và các quận, huyện lân cận
Ngoài việc mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế của địa phương, chợ nổi Phong Điền còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ hoạt động mua bán trên sông, đồng thời cũng là một điểm tham quan du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn giữa một vùng được coi là “lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ, là niềm cảm hứng cho các sáng tác văn học, nghệ thuật ở nhiều thể loại
Qua thời gian, cũng như những chợ nổi khác ở ĐBSCL, hoạt động của chợ nổi Phong Điền đã phát sinh nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chính thực thể này:
Chợ nhóm họp ở ngã ba sông trở thành một chướng ngại làm cản trở giao thông đường thủy
Nạn ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng bởi các chất thải sinh hoạt hoặc hàng nông sản hư hỏng bị xả xuống sông
Trang 8Cuộc sống không ổn định của dân thương hồ [43, tr.1174] gây khó khăn cho việc quản lý hộ khẩu, an ninh trật tự, an toàn xã hội của chính quyền địa phương; Trẻ em trên các ghe thương hồ thường thất học
Hệ thống đường bộ phát triển đã nối liền các xã, ấp ở thành phố Cần Thơ; ghe, xuồng ngày càng ít được người dân sử dụng làm phương tiện đi lại, đã làm giảm phần nào số lượng xuồng, ghe trên chợ nổi Phong Điền
Đến nay, Nhà nước và các cơ quan chức năng vẫn chưa có kế hoạch nghiên cứu, phương án bảo tồn và phát huy chợ nổi Phong Điền ngoài việc sắp xếp, di dời
để không ảnh hưởng tới giao thông đường thủy và tổ chức đưa khách du lịch trong
và ngoài nước đến tham quan
Xuất phát từ những lý do nêu trên, tôi chọn đề tài “Giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền (huyện Phong Điền - thành phố Cần Thơ)” làm luận văn tốt nghiệp chương trình cao học, với mong muốn góp thêm tư liệu vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc và địa phương
2 LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU
Cho đến thời điểm hiện nay, chợ, chợ nổi ở Việt Nam, chợ nổi Phong Điền, vùng đất Phong Điền đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, sẽ là nguồn tài liệu quan trọng cho luận văn:
Một số sách, công trình nghiên cứu như: “Gia Định thành thông chí” của
Trịnh Hoài Đức [15]; “Một số vấn đề kinh tế xã hội Đồng bằng sông Cửu Long” [27], “Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang” [28] , “Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn”[29], “Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm và Tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long” 30], “Lịch sử khẩn hoang miền Nam [31] của nhà nghiên cứu Sơn Nam; Luận văn Chợ và văn hóa chợ
ở thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Vĩnh Thiện [47]… có đề cập đến việc lập chợ, tiền đề của chợ nổi ở ĐBSCL
Chợ nổi ở ĐBSCL nói chung và chợ nổi Phong Điền, vùng đất, con người Phong Điền nói riêng đã được phản ánh, giới thiệu trong các sách và công trình
Trang 9nghiên cứu như “Địa chí Cần Thơ” [44], “Biên khảo lịch sử Phong Điền - Cần Thơ” [2], “Cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sỹ: Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh” [32], “Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long” [22], “Đề tài bảo tồn
và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi (huyện Phụng Hiệp - tỉnh Cần Thơ)” [6], “Văn hóa sông nước Cần Thơ” [34], “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
số 308 tháng 2/2010” [45]…
kenhvnn.net, v-trip.com.vn, skydoor.net, quehuongonline.vn gần đây đều có đăng các bài viết ngắn, nội dung giới thiệu tổng quan về huyện Phong Điền và chợ nổi Phong Điền (địa điểm, thời gian, hình thức hợp chợ, hoạt động mua bán, các loại hàng hóa, cách tiếp thị hàng hóa…)
Nhìn chung, những sách, công trình nghiên cứu, báo, tạp chí… nêu trên đã ghi chép về lịch sử hình thành và phát triển của huyện Phong Điền, về hệ thống chợ nói chung và chợ nổi nói riêng ở ĐBSCL; các chợ nổi tiêu biểu cũng được tập trung giới thiệu Tuy nhiên, với riêng chợ nổi Phong Điền, trừ phần giới thiệu khái quát trong sách “Địa chí Cần Thơ”, “Biên khảo lịch sử Phong Điền - Cần Thơ” và bài viết của tác giả Nhâm Hùng trong sách “Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long”, các bài viết khác đăng trên các báo, tạp chí, báo điện tử… đều có nội dung gần giống hoặc trích dẫn từ bài viết “Nhộn nhịp chợ nổi Phong Điền” của tác giả luận văn in
trên Báo Cần Thơ ngày 29/4/2007
Như vậy, có thể khẳng định đến thời điểm hiện nay, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về chợ nổi Phong Điền và luận văn sẽ là đề tài đầu tiên
đi sâu nghiên cứu về chợ nổi Phong Điền dưới góc độ văn hóa
3 MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
- Cung cấp nguồn tư liệu mới, toàn diện và có hệ thống về giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền làm cơ sở cho việc nghiên cứu so sánh giữa chợ nổi Phong Điền với các chợ nổi khác ở ĐBSCL, giữa chợ nổi với các loại hình chợ khác ở Việt Nam và thế giới
Trang 10- Tìm hiểu những tác động của việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; bảo vệ môi trường, nguồn nước; quá trình đô thị hóa; sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ… đến chợ nổi và những ảnh hưởng của chợ nổi đến đời sống văn hóa của cư dân
- Từ các kết quả nghiên cứu trên, đưa ra một số nhận xét và kiến nghị nhằm bảo tồn và phát triển Chợ nổi Phong Điền nói riêng, chợ nổi ở ĐBSCL nói chung, trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay
4 ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là Chợ nổi Phong Điền với các giá trị văn hóa hình thành từ hoạt động mua bán trên sông
Bên cạnh đó, nhằm có thêm tư liệu để phân tích, so sánh, đánh giá, đề tài còn nghiên cứu chợ Phong Điền tọa lạc ven sông ngay cạnh chợ nổi Phong Điền (thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) và các chợ nổi lân cận như chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), chợ nổi Trà Ôn (huyện Trà
Ôn, tỉnh Vĩnh Long), chợ nổi Ngã Năm (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), chợ nổi Cái
Bè (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)…
4.2 Phạm vi nghiên cứu
4.2.1 Về không gian
Không chỉ tập trung trong không gian văn hóa chợ nổi Phong Điền, luận văn còn quan tâm đến không gian văn hóa của những cư dân là chủ nhân chợ nổi Luận văn đồng thời mở rộng phạm vi nghiên cứu một số không gian khác liên quan đến chợ nổi ở thành phố Cần Thơ và ĐBSCL như đã nêu ở phần trên
4.2.2 Về thời gian
Luận văn nghiên cứu chợ nổi Phong Điền trong thời điểm hiện nay với tư cách là một loại hình văn hóa đặc trưng của thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL nói chung Bên cạnh đó, luận văn cũng quan tâm tới quá trình hình thành, phát triển
Trang 11của chợ nổi Phong Điền trong lịch sử; xu hướng biến đổi và phát triển của chợ nổi Phong Điền trong tương lai
5 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, để hoàn thành đề tài này, tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:
Phương pháp điền dã kết hợp với phương pháp dân tộc học: quan sát, quan sát tham dự, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh …; Thực hiện phỏng vấn định tính, phỏng vấn hồi cố…
Phương pháp nghiên cứu lịch sử kết hợp với phương pháp so sánh, phân tích,
hệ thống: trên cơ sở những tư liệu bằng văn bản và tư liệu thu thập được trong quá trình điền dã, tác giả luận văn sẽ tiến hành so sánh, phân tích, hệ thống để nêu bật những yếu tố văn hóa tiêu biểu của chợ nổi Phong Điền
Ngoài những phương pháp nêu trên, người viết sẽ kết hợp nhiều phương pháp khác khi cần thiết trong quá trình thực hiện đề tài
6 NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
- Cung cấp cái nhìn tương đối toàn diện về chợ nổi Phong Điền từ góc độ văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương
- Là tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa ở địa phương
- Cung cấp một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong tiến trình đô thị hóa ở thành phố Cần Thơ để làm cơ sở, kinh nghiệm cho việc bảo tồn, quản lý, phát triển các chợ nổi khác ở Cần Thơ và ĐBSCL
- Cung cấp những tư liệu cần thiết làm căn cứ, cơ sở để ngành Du lịch xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng sông nước miệt vườn
Trang 127 BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được chia làm 3 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn
Chương 2: Những giá trị văn hóa tiêu biểu của chợ nổi Phong Điền
Chương 3: Xu hướng biến đổi và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền
Trang 13Chương 1 TỔNG QUAN VỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1 TỔNG QUAN VỀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
Để làm công cụ trong nhận thức, tiếp cận những vấn đề cần nghiên cứu, chúng tôi nêu một số khái niệm có liên quan và được sử dụng nhiều trong luận văn: văn hóa, giá trị văn hóa, chợ và giá trị văn hóa chợ nhằm xác định thêm phạm vi, giới hạn của luận văn “Giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ)”
1.1.1 Văn hóa
Khái niệm “văn hóa” được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hoạt động của
xã hội Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân các nhà khoa học và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đưa ra các định nghĩa về văn hóa xuất phát từ những cách tiếp cận khác nhau, nhưng cho đến nay chưa có một khái niệm nào giành được
sự thừa nhận của tuyệt đại đa số những người quan tâm
“Văn hóa” trong tiếng Latinh là “cultura”, bắt nguồn của từ “colere”, có nghĩa là cày cấy, vun trồng Về sau, “cultura” được dùng theo nghĩa bóng để chỉ việc “trồng trọt” tinh thần (cultura animi) tức việc giáo dục, bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn con người
Văn hóa, theo định nghĩa chung nhất, là “những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử” [57, tr.1796] Năm 2002, Đại hội đồng Unesco đã ra tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa, với nhận định chung “Văn hóa nên được xem là một tập hợp các đặc điểm nổi bật về mặt tinh thần, vật chất, trí thức và tình cảm của xã hội hay một nhóm xã hội, và ngoài văn chương và nghệ thuật thì văn hóa còn bao gồm lối sống, cách thức cùng chung sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng” [59] Định nghĩa nhấn mạnh tính riêng biệt trong văn hóa của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và văn hóa được xem là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần của một xã hội
Trang 14Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã đưa ra khá nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm quan niệm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [46, tr.10] Định nghĩa này đã nêu bật bốn đặc trưng quan trọng của văn hóa, đó là tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử Nhà nghiên cứu văn hóa - Giáo sư Phan Ngọc lại đề cập đến văn hóa ở khía cạnh riêng
của từng cá nhân, từng tộc người hay từng dân tộc:
Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác [37, tr.17]
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, từ văn hóa có hai cách hiểu: “Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng như lối sống, lối suy nghĩ, lối ứng xử Văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp như văn học, văn nghệ, học vấn ” [56, tr.23]…
Tóm lại, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về “văn hóa” Mỗi định nghĩa đề cập đến một vấn đề, thể hiện một cách nhìn, một cách tiếp cận đối với văn hóa Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định: văn hóa là một khái niệm có nội hàm rất rộng, là toàn bộ những mặt hoạt động của đời sống con người hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ Hay nói cách khác, văn hóa là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra và tích lũy được từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các hoạt động thực tiễn, các mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên
1.1.2 Chợ và chợ nổi
1.1.2.1 Chợ
Chợ là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa giữa người bán và người mua Như vậy, muốn có chợ phải hội đủ bốn yếu tố: hoạt động trao đổi, hàng
Trang 15hóa, người bán, người mua Ngày nay, chợ được hiểu rộng hơn là thị trường - nơi diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hóa nói chung
Quy mô, tính chất, hàng hóa, vị trí, thời điểm nhóm họp của chợ rất đa dạng:
có chợ tự sản tự tiêu trong phạm vi nhỏ, có chợ là trung tâm mua bán, giao thương của cả một vùng, một khu vực rộng lớn; có chợ chỉ chuyên doanh một loại hàng hóa nhưng cũng có chợ rất đa dạng về ngành hàng; chợ thường nhóm họp trên bờ nhưng cũng có chợ họp trên mặt sông; có chợ họp ban ngày, có chợ họp về đêm; có chợ họp theo phiên nhất định trong tháng, trong năm hoặc chỉ họp vài giờ, một buổi hay
cả ngày đêm…
1.1.2.2 Chợ nổi
Ở Việt Nam và một số nước châu Á có hình thức họp chợ khá đặc biệt mà nhiều người quen gọi là chợ nổi - chợ họp trên mặt nước bằng các phương tiện giao thông đường thủy, chủ yếu là xuồng và ghe
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng khái niệm “chợ nổi” chỉ mới xuất hiện
ở ĐBSCL trong khoảng ba mươi năm gần đây “khi các nhà nghiên cứu để mắt tới, cũng như sự hấp dẫn của cung cách mua bán trên mặt sông, thu hút ngày càng nhiều tour du lịch, lúc ấy mô hình chợ nổi mới được đề cập nhiều” [20, tr 21]
Chợ nổi ở ĐBSCL là chợ họp trên sông bằng xuồng, ghe… trong một khoảng thời gian nhất định với nhiều chủng loại hàng hóa, nhưng tập trung nhiều nhất là hàng nông sản Đây là một hình thức giao thương, là sản phẩm của quá trình sáng tạo không ngừng trong cung cách làm ăn, mua bán của người xưa trên vùng sông nước miệt vườn Nam bộ
1.1.3 Văn hóa chợ
Buôn bán từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh của một lớp người trong xã hội
Dù mục đích đơn giản nhất trong mua bán là cả hai bên đều mong muốn đạt được một kết quả nhất định: người bán thu lợi nhuận, người mua thỏa mãn nhu cầu về tiêu dùng Tuy nhiên, đã là nghề thì mua bán cũng đòi hỏi phải có những nghệ
Trang 16thuật, bí quyết… mới đạt đến trình độ nhất định trong nghề nghiệp mà dân gian thường gọi là “có duyên trong mua bán” hay “mua bán chuyên nghiệp”
Văn hóa chợ, theo quan niệm của chúng tôi, là những giá trị văn hóa vật chất
và tinh thần được hình thành từ môi trường mua bán trong không gian chợ, bao gồm kiến trúc ngôi chợ (chợ trên cạn), các loại xuồng, ghe… (chợ nổi); các dụng cụ được dùng để bày bán hàng hóa, cách thức trưng bày hàng hóa; cách thức ứng xử, lối sống, phương thức mua bán, thói quen trong trao đổi hàng hóa… của cả người bán và người mua hay nói rộng hơn là của những người góp mặt tại chợ
1.1.4 Giá trị văn hóa và giá trị văn hóa chợ
1.1.4.1 Giá trị văn hóa
Cũng như khái niệm “văn hóa”, mỗi ngành có định nghĩa riêng về thuật ngữ
“giá trị”, vì thế từ “giá trị văn hóa” trở thành một từ đa nghĩa và vẫn chưa có sự thống nhất Tuy vậy, điểm gặp gỡ chung của các định nghĩa là ở chỗ phần đông nhà nghiên cứu đều xem giá trị như là kết quả của hoạt động đánh giá từ phía chủ thể là
cá nhân hoặc một nhóm người trong xã hội Giá trị, theo cách hiểu chung nhất là
“cái được xác định có ích, có hiệu quả trong cuộc sống vật chất và tinh thần” [57, tr.725], “giá trị là những gì vô giá, có ích và được đa số trong một cộng đồng người chấp thuận” [1, tr.345]
Tuy những nhà nghiên cứu đã bàn rất nhiều về giá trị nhưng lại rất ít bàn về giá trị văn hóa Các tác giả của Đề tài KX 03.14/06-10 đã đưa ra quan niệm về giá trị văn hóa được như sau:
Giá trị văn hóa (cultural value) là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng, tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định Giá trị văn hóa hướng đến thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân, thiện, mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất Người Giá trị văn hóa luôn ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng, chuẩn mực văn hóa [48, tr.22]
Trang 17Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, “Các giá trị văn hóa, theo mục đích có thể chia thành giá trị vật chất (phục vụ cho nhu cầu vật chất) và giá trị tinh thần (phục
vụ cho nhu cầu tinh thần)” [46, tr.11]
Như vậy, giá trị văn hóa là những yếu tố văn hóa có lợi cho một cộng đồng (làng, xã, huyện, tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế) được đa số trong cộng đồng thừa nhận Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng, nên tất cả những giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần, giá trị văn hóa xã hội đều nằm trong giá trị văn hóa
1.1.4.2 Giá trị văn hóa chợ
Như đã xác định các khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng ở trên, khi nghiên cứu về giá trị văn hóa chợ chúng tôi xác định đó là những giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần, giá trị văn hóa xã hội được hình thành từ quá trình trao đổi, mua bán tại chợ và những không gian văn hóa có liên quan Bởi vì, ngoài chức năng trao đổi hàng hóa, hoạt động kinh tế, chợ còn là một không gian văn hóa phản ánh trình độ phát triển về nhiều mặt, lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… của từng cộng đồng người, từng địa phương, từng vùng, từng khu vực hoặc rộng hơn - của từng quốc gia, dân tộc
1.2 TỔNG QUAN VỀ HUYỆN PHONG ĐIỀN
1.2.1 Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Phong Điền là huyện vành đai của thành phố Cần Thơ, được thành lập theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 02/01/2004 của Chính phủ Hiện nay, huyện Phong Điền có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long và thị trấn Phong Điền
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ 16 kilometer (km) về hướng Nam, huyện
Đông giáp quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, Tây giáp huyện Thới Lai, Bắc giáp quận Ô Môn và quận Bình Thủy thuộc thành phố Cần Thơ, Nam giáp huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
Trang 18Để đến huyện Phong Điền, giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy
Về đường bộ, từ Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ theo đại lộ Hòa Bình đi tiếp đường 30 tháng 4 ra ngã ba Đầu Sấu, rẽ trái sang đường 3 tháng 2 đến chân cầu Cái Răng thì rẽ phải vào lộ Vòng Cung (tỉnh lộ 923), đi khoảng 10 km sẽ đến huyện lỵ Phong Điền Bằng đường thủy, từ Bến Ninh Kiều xuôi thuyền trên sông Cần Thơ,
rẽ phải đi hết tuyến đường sông nổi tiếng đã đi vào thơ ca “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền” là đến trung tâm huyện Phong Điền
Cũng như những quận, huyện khác của thành phố Cần Thơ, được hình thành chủ yếu từ quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long thông qua sông Hậu nên thổ nhưỡng vùng này thuộc loại đất phù sa ngọt màu mỡ Huyện có diện tích 12.525,6 hecta (ha), chiếm 8,89% diện tích của thành phố Cần Thơ Trong
đó có 3.886,98 ha đất đất trồng cây hàng năm và 6.698,30 ha đất trồng cây lâu năm [10, tr 13-14]
Sông Cần Thơ và kinh Xà No là trục giao thông thủy quan trọng của Phong Điền Ngoài ra, còn rất nhiều kinh [43, tr.66], rạch [43, tr.1023] khác có nước ngọt quanh năm Hệ thống sông, rạch, kinh xáng [43, tr.666] dày đặc này không chỉ thuận tiện về giao thông đường thủy mà còn có tác dụng bồi lắng phù sa cho ruộng đồng và điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, tạo cho Phong Điền diện mạo của một vùng sông nước miệt vườn trù phú Nhà văn Sơn Nam đã viết: “Rạch Bình Thủy, rạch Ô Môn, rạch Cần Thơ (Ba Láng - Phong Điền)
có lẽ là nơi phì nhiêu nhất nhì của Nam phần Vườn cam quít xum xuê, mùa nước son, mỗi ngày đất phù sa bồi lên bãi sông một lớp rõ rệt” [26, tr 31]
Dọc theo sông Cần Thơ là tuyến lộ Vòng Cung đi ngang qua địa bàn vừa như một vành đai chiến lược của trung tâm thành phố Cần Thơ vừa như xương sống của của vùng nông thôn Phong Điền Vành đai này không chỉ có giá trị về giao thông
mà còn rất quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh Lộ Vòng Cung cùng với hương lộ (1) 28 đã nối liền các xã, thị trấn trong huyện, đồng thời nối huyện Phong Điền với các địa phương khác trong và ngoài thành phố
Trang 19Huyện Phong Điền nằm trong vùng thuộc ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới
trong năm 27,6°C, cao nhất là 36,7°C, thấp nhất là 21,1°C [11, tr 17-19] Một năm vùng đất Phong Điền có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 05 đến tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau)
Do nằm trong vùng hạ lưu sông Cửu Long, trải dài dọc bờ Tây sông Hậu, lại ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên hàng năm các quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ trong đó có huyện Phong Điền phải hứng chịu một lượng mưa lớn, trung bình cả năm là 1.310 millimeter (mm) [11, tr 19] và lũ từ thượng nguồn
đổ về, vì vậy vào các tháng cuối mùa nhiều nơi thường bị ngập từ 0,2 - 0,6 meter (m) Tuy nhiên, nhờ hệ thống kinh, rạch chằng chịt, công tác thủy lợi được thực hiện khá tốt nên nước thoát nhanh ra sông lớn, thời gian ngập úng không dài, không ảnh hưởng nhiều đến cây trái, hoa màu; mặt khác mưa và nước lũ cũng mang lại rất nhiều nguồn lợi: nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất không bị thiếu hụt; dòng nước
lũ mang theo nhiều loài thủy sản, vừa là nguồn thực phẩm phong phú, hấp dẫn của người dân vừa tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm… Quan trọng hơn hết, có hàng triệu hạt phù sa từ thượng nguồn đổ về đã lắng đọng lại, bồi đắp cho xứ sở này ngày thêm màu mỡ
Đất đai phì nhiêu; sông, rạch nước ngọt quanh năm; nhiệt độ cao, ít biến động, lượng nhiệt dồi dào và tương đối ổn định… là những điều kiện rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Phong Điền, đặc biệt là trồng cây ăn trái và trồng lúa, đưa huyện trở thành đơn vị đứng thứ ba trong các quận, huyện của thành phố Cần Thơ về diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đứng đầu về diện tích đất trồng các loại cây ăn trái lâu năm Trong đó, có nhiều loại trái cây đã trở thành đặc sản nổi tiếng như cam mật, dâu Hạ Châu…
1.2.2 Một số vấn đề về dân cư, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo
Dân số huyện Phong Điền có 99.966 người (49.748 nam, 50.218 nữ) [11, tr.17-19], gồm 98.696 người Việt, 346 người Khmer, 272 người Hoa và một số ít
Trang 20người dân tộc khác; mật độ dân số trung bình là 798 người/km2; phần đông người dân Phong Điền không theo tôn giáo, số còn lại là tín đồ của Phật giáo: 185 người, Công giáo: 1.738 người, Cao Đài: 987 người, Tin Lành: 1.618 người và Hòa Hảo:
226 người (số liệu thống kê của Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ, năm 2010) Đa số người dân sống bằng nghề nông, một số là công chức Nhà nước, cán bộ hưu trí, mua bán nhỏ, làm dịch vụ du lịch và lao động phổ thông Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của huyện Phong Điền thường xuyên quan tâm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc Những hộ người dân tộc Khmer được hỗ trợ vốn, giống (các loại cây, con) và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để phát triển kinh tế gia đình Đa số người Hoa tập trung mua bán, kinh doanh ở các chợ xã, thị trấn đều
và nhiều miếu nhỏ do người dân tự lập ở ranh đất [58, tr.1391] để thờ Thổ Thần
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của những ngôi đình làng luôn được các cấp, các ngành chức năng thực hiện nhằm hướng nhân dân tổ chức chương trình
lễ hội theo truyền thống, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, mê tín dị đoan, làm cho các ngôi đình thật sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, đồng thời là những điểm du lịch của huyện Phong Điền và của cả thành phố Cần Thơ Trong năm, những người có đạo tùy theo thành phần tôn giáo thường tham gia các kỳ cúng, lễ tại những cơ sở thờ tự của giáo hội Chính quyền địa phương luôn giúp đỡ, tạo điều kiện tốt cho tín đồ các tôn giáo tu hành Các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo và tín
đồ luôn chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, đường hướng hành đạo của Giáo
Trang 21hội; có nhiều đóng góp từ thiện, nhân đạo cho cộng đồng với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” Ngoài ra, một số người còn đi vía Bà Chúa Xứ tại Miếu Bà tận Núi Sam (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) vào những tháng sau Tết Nguyên Đán
1.2.3 Một số vấn đề về kinh tế
Trồng cây ăn trái là thế mạnh truyền thống trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao nhất cho người dân Phong Điền Hiện nay, huyện có hơn 6.000 ha vườn cây ăn trái, chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên Trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác như thương mại, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch… cũng có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương Trong giai đoạn vườn chưa cho trái, người dân có thể xen canh rau màu, cây ngắn ngày theo cách “lấy ngắn nuôi dài”
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm Từ năm 2005, trong quy hoạch phát triển kinh tế, huyện Phong Điền được phân thành 2 vùng: vùng 1 gồm các xã dọc theo lộ Vòng Cung (Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân) tập trung phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái; vùng 2 (xã Trường Long và xã Nhơn Nghĩa) chủ yếu chuyên canh màu (đậu, cải, dưa…) Các xã còn lại kết hợp giữa trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản
và trồng lúa chất lượng cao Dự án quy hoạch tiểu vùng màu khép kín 500 ha (xã Nhơn Nghĩa) và dự án vùng thủy sản (xã Trường Long) đã được triển khai thực hiện từ năm 2005 Phong Điền là huyện đầu tiên được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh rau màu trong quy hoạch phát triển vành đai 5.000 ha rau xanh của thành phố Cần Thơ để cung cấp cho thị trường xuất khẩu với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP (Good Agricultural Practices) Hiện nay, kế hoạch kết hợp với các siêu thị trồng rau an toàn để cung cấp quanh năm cho thị trường đang được triển khai trên địa bàn huyện
Huyện luôn chú trọng phát triển kinh tế vườn thông qua việc vận động nông dân trồng các loại cây ăn trái phù hợp, tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con… Không chỉ siêng năng, cần mẫn chăm sóc vườn theo kinh
Trang 22nghiệm cha truyền con nối, người dân còn nhạy bén tiếp cận khoa học kỹ thuật trong cải tạo và phát triển vườn cây ăn trái, đổi mới từ việc chọn giống, làm đất đến cách dùng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh kết hợp với xử lý nước, áp dụng các phương pháp điều khiển cây ra bông kết trái nghịch mùa… để vừa có được trái đẹp, ngon, không dư lượng thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn GAP vừa đủ sức cạnh tranh, giữ vững phẩm chất thương hiệu đặc sản, mang lại thu nhập cao cho nhà vườn Huyện đã trình Bộ Thương mại đăng ký thương hiệu cho dâu Hạ Châu và cam mật Phong Điền - hai đặc sản của địa phương Ngoài ra, nông dân Phong Điền còn trồng nhiều loại trái ngon của ĐBSCL như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, măng cụt, sầu riêng cơm vàng hạt lép, mít nghệ siêu sớm, mít tứ quý da xanh, cam sành nghịch mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao Tuy nhiên, từ những năm cuối thập kỷ
90 của thế kỷ XX, bệnh vàng lá gân xanh trên cam quýt bắt đầu xuất hiện, tàn phá nặng nề làm suy kiệt các vườn cam mật ở Phong Điền Gần đây, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các nhà khoa học, với quyết tâm giữ vững thương hiệu cho cam mật Phong Điền, nhiều nhà vườn đã khôi phục lại vườn cam mật Song song đó, nông dân đang không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách tăng cường những cây, con có giá trị kinh tế cao; phát triển các mô hình luân canh hiệu quả như “2 lúa 1 màu”, “lúa - cá” Việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để thu hoa lợi cao cũng được áp dụng linh hoạt, sáng tạo trong làm ruộng, trồng màu, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay toàn huyện có thu nhập hàng năm từ 50 triệu đồng trở lên trên 1 ha đất nông nghiệp Gieo trồng thủy sản có xu hướng tăng nhanh với 315 ha, sản lượng thu hoạch 6.789 tấn/năm, chủ yếu nuôi các loài cá sặc rằn, rô phi, trê vàng lai, lươn, ba
ba và tôm càng xanh Từ năm 2005, huyện đã hợp đồng với Công ty Mekong để tiêu thụ lúa chất lượng cao, cá trê vàng lai và cây bắp lai (miền Bắc gọi cây bắp là cây ngô, trái bắp là bắp ngô) cho nông dân Đây là thành công bước đầu trong việc tìm đầu ra cho nông sản, đồng thời phát triển kinh tế hợp tác, liên kết giữa hộ dân với nhà khoa học và doanh nghiệp Nhà nước còn khuyến khích các thành phần kinh tế mở mang buôn bán, giao lưu hàng hóa hướng ra thị trường khu vực, trong
Trang 23nước và xuất khẩu những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao và ổn định như gạo lúa thơm, dâu Hạ Châu, cam mật Phong Điền, cá trê vàng lai, tôm càng xanh…
Hiện nay huyện có có 329 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 5 công ty, 4 hợp tác xã, 16 doanh nghiệp, 304 cơ sở sản xuất cá thể với tổng số lao động là 1.158 người, giá trị sản xuất đạt 201,47 tỷ đồng/năm Các cơ sở này hoạt động khá ổn định và tăng trưởng khá, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất nước mắm, cưa xẻ và chế biến gỗ (số liệu của Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, năm 2010)
Thương mại, dịch vụ, du lịch ở Phong Điền cũng phát triển nhanh, nhất là từ khi huyện được thành lập đến nay Bên cạnh việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích các nhà đầu tư khai thác du lịch sinh thái, huyện đã xây dựng Trung tâm thương mại Phong Điền (với diện tích 25 ha ở thị trấn Phong Điền), nâng cấp các chợ Phong Điền, Vàm Xáng, Trường Long, Mỹ Khánh Trong đó, chợ Phong Điền và chợ nổi Phong Điền là trung tâm mua bán, đầu mối giao lưu hàng nông sản của Cần Thơ và miền Tây Nam bộ từ nhiều năm qua
Phong Điền có tiềm năng du lịch phong phú; là điểm đến của du khách trong
và ngoài nước với nhiều địa chỉ tham quan, du lịch như: chợ nổi, Lộ Vòng Cung; các di tích lịch sử - văn hóa: Mộ nhà thơ Phan Văn Trị, Địa điểm chiến thắng Ông Hào, Giàn Gừa…; Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh; những ngôi nhà ba gian được bài trí theo phong cách nhà vườn Nam bộ: hài hòa giữa không gian cư trú, sinh hoạt của gia đình và thiên nhiên; những vườn cây ăn quả đặc sản của nông dân như vườn cam, quýt của ông Tư Khương, vườn dâu của ông Ba Minh; những cơ sở đóng ghe xuồng (thường gọi là trại ghe); cơ sở làm bánh tráng, sản xuất rượu (từ gạo, nếp than - nếp cẩm, gần đây chế biến thêm rượu cốc - từ trái của cây cốc, được trồng rất nhiều ở địa phương)… Đây là thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế gắn với
du lịch, đặc biệt là kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn và du lịch văn hóa truyền thống Năm 2010, có 350.000 lượt khách đã đến huyện tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm… trong đó có khoảng 22.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng
Trang 24Huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, lấy du lịch làm tiền đề cho phát triển thương mại - dịch vụ với phương châm “nhà nhà làm du lịch”; xây dựng các đề án khôi phục vườn cây ăn quả, phát triển vùng chuyên canh màu hướng đến phát triển đô thị gắn với du lịch sinh thái, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực
để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch
cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp chất lượng cao Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội là định hướng phát triển của Phong Điền trong hiện tại và tương lai
1.2.4 Những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện Phong Điền
“Phong Điền có nghĩa là vùng đất tốt (Tốt về đất đai thổ nhưỡng về phong thủy và văn vật)” [2, tr.17] Tên “Phong Điền” do vua Tự Đức đặt? “Phong Điền” là
do những người khẩn hoang đời vua Minh Mạng đặt ra khi họ thấy vùng này đất tốt? Hay Phong Điền “là sự dịch chuyển của một huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế theo chân đoàn người Nam tiến đến vùng Trấn Giang vào cuối thế kỷ XIX xa xưa?” và “đúng chăng người Phong Điền - Cần Thơ có cội nguồn chung từ người Phong Điền - cố đô Huế?” [21, tr.7] Cho đến nay, chưa có tài liệu nào ghi rõ về nguồn gốc, xuất xứ của địa danh Phong Điền Nhưng chắc chắn vào năm 1868, khi nghĩa quân Đinh Sâm nổi dậy giết chết tên Cai tổng Định Bảo gian ác Nguyễn Văn Vĩnh thì tên Phong Điền đã có - đồn Phong Điền [44, tr.216] Và trong dân gian, từ những năm đầu thế kỷ XX tên Phong Điền cũng đã gắn liền với các địa danh Ba Láng, Vàm Xáng… qua câu ca dao “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền…” Mà trong thực tế Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền, Cầu Nhiếm… là tên gọi dân gian của các vùng đất nối tiếp nhau trên Lộ Vòng Cung
Tuy nhiên, về mặt hành chính, tên gọi “Phong Điền” xuất hiện muộn hơn rất nhiều Khi vua Minh Mạng chia đất Nam kỳ ra làm 6 tỉnh (năm 1832), vùng Cần Thơ thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang thì Nhơn Ái (tên của một xã thuộc huyện Phong Điền hiện nay) là tên của một thôn thuộc tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định Thời Pháp thuộc, năm 1876 hạt Cần Thơ được thành lập và đến
Trang 25ngày 20/12/1889 các đơn vị hành chính cấp hạt được đổi lại thành tỉnh, huyện đổi thành quận (dưới quận là tổng rồi đến xã) thì hầu hết tên các xã thuộc huyện Phong Điền hiện nay đều là tên của các xã thuộc tỉnh Cần Thơ thời điểm đó, như Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Thới Giai (sau này sáp nhập với xã Bình Xuân thành
xã Giai Xuân) và Trường Long Khi đó, “Phong Điền” vẫn chưa xuất hiện trên văn bản hành chính Trong chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, ngày 20/10/1956 tỉnh Cần Thơ được đổi tên thành tỉnh Phong Dinh Từ 1966-1968 hai quận mới của tỉnh Phong Dinh được thành lập, trong đó có quận Phong Điền Quận Phong Điền được duy trì đến khi chính quyền ngụy sụp đổ vào năm 1975
Từ năm 1975-2003, khi huyện Phong Điền (thuộc thành phố Cần Thơ hiện nay) chưa được thành lập, Phong Điền vẫn là tên thường gọi của nhiều công trình công cộng ở khu vực này, như chợ Phong Điền, trường Phong Điền… Đặc biệt, tên gọi chợ nổi Phong Điền đã xuất hiện và tồn tại trong dân gian hàng chục năm qua
Như vậy, có thể thấy rằng tên gọi Phong Điền đã có gần đây nhất là từ những năm cuối thế kỷ XIX Qua các thời kỳ lịch sử, dù cho tên Phong Điền có hay không trong văn bản hành chánh thì vùng đất này vẫn thường được người dân gọi là Phong Điền Việc chọn những địa danh sẵn có trong dân gian để đặt tên cho các đơn vị hành chánh hoặc công trình công cộng là cách mà ở Việt Nam xưa nay vẫn thường được áp dụng
Ngược dòng lịch sử, trong lòng đất Phong Điền, từ những năm 1990 đến nay, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang (nay là Bảo tàng thành phố Cần Thơ) đã phối hợp với các
cơ quan chức năng tổ chức điều tra, đào thăm dò và tiến hành khai quật khảo cổ, sưu tầm được nhiều di vật thuộc nền Văn hóa Óc Eo tại ấp Nhơn Thành và một số
ấp lân cận của xã Nhơn Nghĩa Những di vật được phát hiện có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, gồm dấu vết cư trú, vật dụng sinh hoạt, dụng cụ và sản phẩm của các nghề thủ công - đặc biệt là nghề kim hoàn và nghề gốm, di vật về tín ngưỡng - tôn giáo… cho thấy đây là di tích của một cộng đồng cư dân chuyên sống bằng nông nghiệp và nghề kim hoàn, cư trú chủ yếu trên nhà sàn và có mối
Trang 26quan hệ giao lưu với các nước láng giềng xa xôi Độc đáo nhất là bộ sưu tập 11 khuôn đúc đồ trang sức bằng đá, đã được địa phương lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận là bảo vật quốc gia
Trong tiến trình khẩn hoang đất phương Nam của người Việt, vùng Cần Thơ được khai phá muộn hơn so với miệt trên (Đồng Nai - Sài Gòn) và miệt dưới (Hà Tiên) Năm 1739, thời điểm thủ sở Trấn Giang (Cần Thơ) được thành lập tại vàm sông Cần Thơ, vùng Phong Điền vẫn còn là đất hoang [2, tr.5] Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bắt đầu có lưu dân người Việt từ miền ngoài, những người Hoa vượt sóng biển Đông, những người Khmer băng qua vùng đầm lầy… đến Phong Điền sinh cơ, lập nghiệp Lịch sử còn ghi nhận gia đình ông Nguyễn Văn Phù, bà Hồ Thị Nghĩa đến khai khẩn ở Mỹ Khánh; gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, gia đình bà Tổng từ miền Trung đi thuyền độc mộc đến mở đất ở Giai Xuân; gia đình ông Lê Đăng Nguyệt gốc ở Sa Đéc đến lập nghiệp tại Nhơn Ái Ông Lê Đăng Nguyệt có người cháu tên Lê Mỹ Ý kết hôn với bà Đinh Thị Hương Bà Hương có người cháu gái Đinh Thị Thanh là vợ của Cử nhân Phan Văn Trị Cai tổng Lê Quang Chiểu (học trò Phan Văn Trị) chính là người con thứ năm của ông Lê Mỹ Ý và bà Đinh Thị Hương Đây là dòng họ của lưu dân lập nghiệp mà con cháu còn để lại tiếng tăm ở Cần Thơ đến ngày hôm nay
Dấu ấn thời khẩn hoang còn lưu lại ở Phong Điền qua nhiều con rạch mang tên người đi mở đất như rạch Bà Tổng, rạch Ông Tường, rạch Ông Dựa, rạch Bà
Hồ, rạch Ông Hào, rạch Bà Hiệp, rạch Bà Hương, Bà Đạt… Bên cạnh đó, nhiều lung, rạch mang tên các loài cây cỏ, muông thú cho thấy thuở hoang sơ của khu vực này, như rạch Sấu, lung Sấu, lung Sen, rạch Mật Cật, Xẻo Tre, Xẻo Đế, rạch Sung, rạch Vông, rạch Cần Đước…
Bên cạnh việc khai hoang mở đất, lập làng, tiền nhân còn xây dựng những ngôi đình trên đất Phong Điền làm nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, các vị anh hùng dân tộc, danh nhân và các nhân vật lịch sử ở địa phương Ngôi đình còn là nơi tổ chức kỳ yên kỳ phúc, nơi hội họp của dân làng, nơi nghỉ chân của khách đường xa
Trang 27Hàng năm, tại các đình làng diễn ra hai kỳ lễ hội chính là lễ Hạ điền và lễ Thượng điền thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương tham gia
Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, hàng năm người dân Phong Điền tổ chức cúng tống phong để tống tiễn, xua đuổi tất cả những cái xấu xa, những ngọn gió độc ra khỏi xóm làng, đồng thời đón rước những điều may mắn, tốt lành trong năm mới Lễ Tống phong ở huyện Phong Điền thường diễn ra vào các ngày
13 và 14 tháng Giêng (âm lịch) tại một số cơ sở tín ngưỡng và nhiều gia đình Trong ngày cuối của lễ tống phong, nhiều nơi tổ chức thả bè thủy lục - là mô hình chiếc ghe hoặc tàu đặt trên bè chuối, trang trí cờ hoa thật tươi sáng, sinh động Bên trong mô hình ghe/ tàu có đặt lư hương để cắm nhang; để đủ gạo, muối, bánh ngọt, trái cây, đặc biệt là một con gà luộc, ba chén cháo… Trước lúc đưa bè ra sông dân làng nổi trống, mõ, đồng thời Ban Tế lễ thu gom đồ cúng mỗi thứ một ít cho vào khoang bè để làm lộ phí và hành trang cho ôn binh, cô hồn các đảng rồi khiêng bè xuống ghe lớn đưa ra thả ngoài sông Cần Thơ, với ước nguyện dòng nước sẽ mang
đi tất cả những cái xấu Trước bè có ghe của đoàn lân múa mở đường, hộ tống ghe chở bè là ghe của Ban Tổ chức và hàng chục ghe xuồng của dân làng, đi đến giáp ranh vùng khác thì hội với đoàn ghe của địa phương đó đưa bè ra tới sông lớn Kết hợp cùng lúc người dân ở hai bên bờ sông lập bàn hương án trước nhà để cúng, đồng thời đốt một đống lửa bằng củi và lá cây khô sáng rực Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc một ít gạo, muối, sau đó rót tí rượu lên lửa Khi lửa cháy muối nổ râm ran để xua ôn, tống dịch
Tuy dân số của người Hoa ở huyện Phong Điền không nhiều, nhưng tại xã
Mỹ Khánh có Quảng Đông Kính Nghĩa Đường - một nghĩa trang lớn của người Hoa gốc Quảng Đông, do Ban Quản trị Quảng Triệu Hội Quán (quận Ninh Kiều) quản
lý Hàng năm, vào ngày 19 và 20 tháng Bảy Âm lịch, Ban Quản trị Quảng Triệu Hội Quán tổ chức lễ Vu Lan thắng hội tại nghĩa trang, thu hút sự tham gia của đông đảo người Hoa và người Việt Lễ hội có nhiều nghi thức và hoạt động mang đậm tính nhân văn như: cầu siêu, báo hiếu, phát gạo và quần áo cho người nghèo Lễ hội còn có sự tham gia diễn tấu của đội nhạc lễ người Hoa, làm cho không khí càng
Trang 28thêm trang trọng Lễ Vu Lan thắng hội là một biểu hiện của tính nhân văn, của truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau vốn có từ bao đời nay trong cộng đồng người Hoa, đồng thời thể hiện sự giao lưu văn hóa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa người Hoa và các dân tộc anh em trong vùng
Có thể nói, Phong Điền là vùng đất “địa linh nhân kiệt” Nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công của nhân dân Cần Thơ trong tiến trình đấu tranh giải phóng quê hương, là nơi sinh thành và hội tụ của nhiều chí sĩ, danh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng
Năm 1868, chỉ một năm sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam kỳ, thủ lĩnh Đinh Sâm đã chiêu mộ những người yêu nước khởi nghĩa tại vùng Ba Láng - Trà Niền Quân khởi nghĩa kéo vào đồn Phong Điền giết chết Cai tổng Định Bảo Nguyễn Văn Vĩnh Hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của nghĩa quân, giặc Pháp đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Đây là cuộc đấu tranh kháng Pháp khá sớm ở miền Tây Nam bộ Dù có hàng trăm nghĩa quân bị giết và bị lưu đày biệt xứ nhưng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa vẫn còn kéo dài nhiều năm sau đó
Phong Điền là quê hương thứ hai của Cử nhân Phan Văn Trị (1830-1910), một nhà nho đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc Hưởng ứng phong trào “Tỵ địa” bất hợp tác với thực dân Pháp, năm 1868 ông đã từ Vĩnh Long về Phong Điền trú ngụ, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và âm thầm tham gia các hoạt động yêu nước Ông thường liên lạc với các chí sĩ khác trong vùng để bàn luận thời cuộc, trao đổi văn chương; cùng với Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa góp rất nhiều công sức cho hoạt động của nhóm “Tao Đàn
Bà Đồ” ở Cần Thơ Cảm phục trước tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của thủ lĩnh nghĩa quân Đinh Sâm, Phan Văn Trị đã làm hai câu đối đầy xúc động mà đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền trong dân gian:
“Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết
Văn tinh lạc địa, Trà Niền thôn lý đái sầu nhan”
(Kiếm võ ngút trời, Ba Láng sông sâu đầy máu hận
Sao văn sa đất, Trà Niền thôn xóm thảy sầu mang)
Trang 29Cử nhân Phan Văn Trị đã tham gia cuộc bút chiến có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam với Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường, một trí thức tay sai của thực dân Pháp Trước luận điệu dọa dẫm về sức mạnh lang sa, Phan Văn Trị đã đánh thẳng vào Tôn Thọ Tường những đòn đích đáng bằng những vần thơ đanh thép Ngày 22 tháng 6 năm Canh Tuất (1910), Cử nhân Phan Văn Trị qua đời và được an táng tại làng Nhơn Ái (nay thuộc ấp Nhơn Lộc 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) Trải qua thời gian, ngôi mộ của ông luôn được được dân làng chăm sóc, gìn giữ Ngày 20/01/1991, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng
Mộ nhà thơ Phan Văn Trị là Di tích lịch sử - văn hóa Khu mộ tọa lạc giữa vườn cây trái xanh tươi bên bờ rạch Cái Tắc, là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước Vào ngày 22/6 âm lịch hàng năm, lễ giỗ của Cử nhân Phan Văn Trị được địa phương tổ chức rất trang trọng, có cả sự tham gia của đại diện chính quyền
và nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - quê hương ông
Một trong những học trò xuất sắc của cụ Cử Trị ở Phong Điền ông Lê Quang Chiểu (1853-1924) Lê Quang Chiểu là chắt nội của ông Lê Đăng Nguyệt, người đã đến Phong Điền khai hoang từ thời chúa Nguyễn Xuất thân trong một gia đình gia thế, lại có học thức, ông bị Pháp gọi ra làm Cai tổng Định Bảo Trong thời gian làm Cai tổng, ông đã làm nhiều bài thơ góp phần cùng với Phan Văn Trị vạch mặt, lên
án những tên tay sai phản nước, hại dân Vì thế, Lê Quang Chiểu bị thực dân Pháp
và tay sai tìm cách ám hại, vu cáo ông ăn cắp công quỹ Sau 7 năm, Lê Quang Chiểu đã từ chức Cai tổng vào năm 1897 Năm 1903 ông tập hợp nhiều bài thơ của các sĩ phu yêu nước Nam kỳ cùng thời, trong đó có thơ của Phan Văn Trị (ghi là của thầy Cử Trị) và của ông, dịch sang chữ quốc ngữ, xuất bản thành tập “Quốc âm thi hợp tuyển”, được phổ biến rộng rãi trong vùng Có lẽ đây là tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được xuất bản ở Cần Thơ và cũng là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất ở Nam bộ đầu thế kỷ XX Mộ phần của Lê Quang Chiểu vẫn còn trong khu mộ gia đình tại xã Nhơn Ái, bên phải con đường về Trường Long, cách cầu Tây Đô trên một cây số
Trang 30Không chỉ có trữ lượng ca dao, dân ca dồi dào như những điệu hò, điệu lý, những câu hát huê tình… Phong Điền còn là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ Từ những năm đầu thế kỷ XX, ở Phong Điền đã
có một nhóm đờn ca tài tử hoạt động rất mạnh là Ban tài tử Ái Nghĩa (ghép từ tên 2 làng Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa) Ông Trương Duy Toản (1885-1957), một chí sĩ yêu nước quê ở Vĩnh Long cũng chọn Phong Điền làm nơi “an trí” vào khoảng năm 1914-1915, là người đỡ đầu cho Ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa Ông sáng tác một số bài ca có nội dung tiến bộ như Lão quán ca, Khen chàng Tử Trực, Thương nàng Nguyệt Nga Về sau, khi tham gia gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, Trương Duy Toản đã ghép các bài ca lẻ này thành tiết mục ca ra bộ đầu tiên “Bùi Kiệm thi rớt trở về”, sau đó phát triển thành vở cải lương “Kiều Nguyệt Nga” Trương Duy Toản được xem là soạn giả cải lương đầu tiên ở Nam bộ Ban tài tử Ái Nghĩa về sau cộng tác với Ban đờn ca tài tử Bình Thủy thành Gánh cải lương Ái Nghĩa do ông Tư Thể
ở ngã ba Rạch Điều, Xà No - Nhơn Nghĩa làm bầu gánh, tập hợp nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng như đào Mỹ Dung, kép Tám Quắn, kép Tám Đỏ, nhạc
sư Sáu Hóa (đờn/ đàn tranh), Sáu Cẩn (đờn cò) và nhiều đào, kép khác Gánh cải lương Ái Nghĩa lưu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh Cần Thơ cho đến những năm 1940 mới tan rã
Bên cạnh gánh cải lương Ái Nghĩa, vào những thập niên đầu thế kỷ XX, ở Giai Xuân còn có gánh hát bộ của ông Lê Văn Kiễng (thường gọi bầu Kiễng) gồm
10 người, chủ yếu là người thân trong gia đình Trong những dịp cúng đình, làng đều mời gánh của ông về hát Nhờ Bầu Kiễng khổ luyện ngón đàn của Cao Văn Lầu, gánh hát ngày càng phát triển Ông tuyển thêm nhiều đào kép, thầy đờn lập gánh hát bộ pha cải lương Đến năm 1934 ông còn pha thêm điệu Hồ Quảng gốc ở Chợ Lớn và hát bộ miền Trung để làm phong phú thêm giai điệu cổ truyền Gánh hát vừa phục vụ cho người dân địa phương vừa lưu diễn đến nhiều tỉnh ĐBSCL Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai (1945) bầu Kiễng và một số đào, kép tham gia kháng chiến, gánh hát tan rã [13, tr.22-23]
Trang 31Phong Điền có nhiều nghệ sĩ khởi nghiệp và thành danh từ rất sớm, tiêu biểu
là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Phương Danh và soạn giả Điêu Huyền Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Phương Danh (kép Tám Danh) quê ở Vàm Xáng, xuất thân từ một gia đình truyền thống ba đời theo nghiệp hát Năm 1954 ông đi tập kết, trở thành cánh chim đầu đàn của nghệ thuật cải lương ở miền Bắc Nghệ sĩ Tám Danh còn vạch ra bước phát triển mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương với “Giáo trình hệ thống vũ đạo cải lương” được các trường nghệ thuật ở nước ta sử dụng giảng dạy suốt hơn 50 năm qua Nguyễn Phương Danh là nghệ sĩ cải lương đầu tiên ở nước ta được bầu vào Quốc hội (Khóa II), là người Cần Thơ đầu tiên và duy nhất cho đến nay được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Soạn giả Điêu Huyền (1915-1983), một bậc thầy của sân khấu cải lương miền Nam, cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật ở Phong Điền Soạn giả Điêu Huyền (tức Chín Điều), em của nghệ sĩ Sáu Cận và Tám Đỏ trong Gánh cải lương Ái Nghĩa, là tác giả của nhiều vở cải lương nổi tiếng, như “Tiếng hò sông Hậu”, “Khách sạn Hào Hoa”… Ngoài ra, Phong Điền còn có nhóm ca nhạc tài tử của Bầu Ấu, Bầu Hẹ ở xã Nhơn Nghĩa chuyên trồng ấu, trồng hẹ để gây quỹ hoạt động, làm nhiệm vụ tuyên truyền cho cách mạng…; nghệ nhân Tám Trống với hơn 50 năm làm đạo cụ, phục trang cho các gánh hát lớn ở miền Nam cùng nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân từng tham gia quản lý các đoàn nghệ thuật, văn công của tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang…
Là một địa phương giàu truyền thống cách mạng, nhân dân Phong Điền đã kiên cường, bất khuất lập được nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Toàn huyện hiện có 47 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2.479 liệt sĩ Nhân dân và lực lượng vũ trang 6 xã trong huyện đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Một trong những chiến công vẻ vang của nhân dân Cần Thơ, Phong Điền là chiến thắng oanh liệt của lực lượng vũ trang địa phương tại kinh Ông Hào, xã Trường Long, góp phần đánh bại kế hoạch “bình định nông thôn” của Mỹ - Ngụy ở chiến trường miền Nam Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt Địch càng đánh càng thua nên đã điên cuồng dùng máy bay ném bom hủy diệt địa hình, hủy diệt cả nhà
Trang 32thờ Ông Hào làm 121 người chết trong đó có 112 giáo dân Kết thúc trận chiến ta tiêu diệt 889 tên địch, xóa sổ tiểu đoàn 2 “Cọp Đen”, bắn rơi 1 máy bay B57, thu nhiều quân trang, quân dụng Đây là trận tập kích lớn đầu tiên, khẳng định lực lượng vũ trang Cần Thơ trưởng thành vượt bậc, phá vỡ cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch tại vùng IV chiến thuật Ngày 25/5/1998, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ đã ra quyết định số 256-QĐ-UBT xếp hạng Địa điểm Chiến thắng Ông Hào là Di tích lịch sử - văn hóa Hiện nay, khu di tích đã được địa phương đầu
tư xây dựng phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày, bia lưu niệm… trở thành tụ điểm sinh hoạt truyền thống, văn hóa của nhân dân trong vùng
Nếu như thành phố Hồ Chí Minh có “Củ Chi đất thép” thì Cần Thơ có
“Vòng Cung tuyến lửa”, nhiều người đã từng so sánh như vậy Lộ Vòng Cung là con có lộ hình cánh cung chạy dọc theo sông Cần Thơ, bắt đầu từ ngã ba cầu Cái Răng, ôm gọn phường An Bình (quận Ninh Kiều) và các xã: Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân; thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) cùng một phần quận
Ô Môn Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, lộ Vòng Cung nằm trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch Mỹ - Ngụy xem lộ Vòng Cung là lá chắn phòng thủ, bảo vệ nhiều cơ quan đầu não của vùng IV chiến thuật ở thị xã Cần Thơ Địch đã thiết lập
hệ thống đồn bót dày đặc trên toàn tuyến, tập trung các loại quân càn quét, đánh phá liên tiếp ngày đêm với mật độ bom đạn dày đặc nhằm quét sạch lực lượng cách mạng ra khỏi lộ Vòng Cung, bình định cho bằng được địa bàn chiến lược này Về phía ta, lực lượng cách mạng xem lộ Vòng Cung là cửa mở, là bàn đạp cho quân chủ lực tiến công vào thị xã Cần Thơ Tuyến lộ Vòng Cung cũng là nơi cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội, là đường nối vững chắc giữa căn cứ của tỉnh, khu với căn cứ Miền Vì vậy, dù ác liệt đến mấy ta cũng phải giữ vững và bảo đảm an toàn cho con đường này Từ lộ Vòng Cung quân ta đã tổ chức cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thị xã Cần Thơ Lộ Vòng Cung trở thành tiền phương và hậu phương lớn cho các lực lượng quân sự của ta đánh trận cuối cùng, từ kinh xáng Xà No, qua rạch Cần Thơ - Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng đã tiến chiếm Sân bay Trà Nóc và tiếp quản Đài phát thanh Cần Thơ, phát đi lời kêu gọi ngụy
Trang 33quân đầu hàng, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ Ngày 07/02/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 677/QĐ-BVHTTDL xếp hạng
“Địa điểm chuyển quân, Trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ” trong kháng chiến chống Mỹ là Di tích lịch sử
Trong những tháng ngày bám trụ để chiến đấu giải phóng quê hương, các chiến sĩ cách mạng luôn nhận được sự đùm bọc, chở che của quần chúng nhân dân Phong Điền Giàn gừa cổ thụ với thân rễ bò ngang dọc nhiều tầng, lớp ôm một vòng
Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa từng là căn cứ địa của lực lượng biệt động thành Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ Giàn gừa um tùm, rậm rạp ít người lai vãng nằm gọn giữa rạch Bà Thợ, mương Ngang, rạch Bàng, kinh Ranh, các kinh, rạch này lại ăn thông với nhiều kinh, rạch khác nên là vị trí rất an toàn và thuận lợi cho lực lượng biệt động thị xã Cần Thơ chọn làm địa điểm huấn luyện Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đã từng sống và chiến đấu tại căn cứ này Trong giàn gừa có miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ, hàng năm vào ngày 27/2 âm lịch diễn ra lễ cúng Bà, thu hút hàng trăm lượt người tham dự Hiện nay, nơi đây đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ xếp hạng là di tích lịch sử Địa phương
dự định xây dựng khu vực này thành địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp với sinh thái, đồng thời bảo tồn giàn gừa - di sản thiên nhiên độc đáo, giàn cây cổ thụ đầu tiên của thành phố Cần Thơ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam” vào tháng 4/2013 Đây cũng là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên tại ĐBSCL được công nhận
Trong công cuộc xây dựng quê hương, huyện Phong Điền tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân Hiện nay, 7/7 xã, thị trấn thuộc huyện đều đạt chuẩn văn hóa Hướng đến xây dựng Phong Điền thành huyện điểm văn hóa trên cơ sở những giá trị truyền thống lâu đời không phải là việc làm ngoài tầm tay của các cấp, các ngành chức năng cùng Đảng bộ và nhân dân Phong Điền
Trang 341.3 TỔNG QUAN VỀ CHỢ NỔI VÀ CHỢ NỔI PHONG ĐIỀN
1.3.1 Tổng quan về chợ nổi
Không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng có chợ nổi, như chợ nổi Taling, chợ nổi ChanDamnoen Saduak… rất nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch ở Thái Lan; các chợ nổi dọc sông Mekong và bên bờ hồ Tonle Sap ở Campuchia
Tại Việt Nam, chợ nổi cũng không chỉ có ở Nam bộ mà còn có cả trên đất miền Trung, như chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh trên phá Tam Giang (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) Tuy nhiên, chợ nổi tập trung nhiều nhất ở Nam
bộ, đặc biệt khá dày đặc ở ĐBSCL với chủng loại hàng hóa, phương thức mua bán, nhiều nét văn hóa đặc trưng… gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất, thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân nơi đây
Trải qua hơn 300 năm, từ kinh nghiệm trong hành trình khai khẩn, mở mang vùng đất phương Nam của tiền nhân, bằng tư duy nhạy bén, sáng tạo, năng động, người Nam bộ đã tiếp tục duy trì và phát triển hình thức mua bán trên sông bằng ghe xuồng phù hợp với địa hình nhiều sông ngòi, kinh rạch Nhà văn Sơn Nam cho rằng, chợ nổi đầu tiên ở Nam bộ hình thành sau khi Thống suất chưởng cơ - Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định Chợ nổi ra đời gắn với tích ông phú hộ Võ Hữu Hoằng, giữ một thủ (đồn trạm kiểm soát) ở tổng Tân Chính, thuộc trấn Biên Hòa, phủ Gia Định xưa (thường gọi ông Thủ Huồng), nhờ tham nhũng nên trở thành khá giả Về già, ông lo ngại cho kiếp sau của mình nên rất chăm lo làm điều thiện Ông “mua tre rừng khá nhiều, kết lại chiếc bè to, nổi trên mặt nước Bè này có mái lợp che nắng che mưa, lại bố trí từng phòng cho khách vãng lai Chiếc bè ấy đậu tại vị trí ngã ba sông ngày nay Vốn hào hiệp, ông dự trữ gạo, nước ngọt, cá mắm, phân phát cho những ai túng thiếu, không lấy tiền” [30, tr.17-18] “Tiếp đó dân buôn cũng kết bè, vay tiền mua sắm thức ăn, nhiều đến hai
ba chục bè, họp thành chợ trên sông” [15, tr.29], gọi là chợ Nhà Bè - chợ nổi đầu tiên ở Nam bộ Tuy nhiên, “Trải qua cuộc loạn Tây Sơn, nhà bè tan nát, đến nay cũng không trở lại như cũ” [15, tr.29]
Trang 35Vào thế kỷ XIX, hoạt động mua bán nhộn nhịp bằng ghe, xuồng theo kiểu
“trên bến dưới thuyền” hoặc hoàn toàn trên sông cũng đã diễn ra ở nhiều địa phương khác thuộc phủ Gia Định:
Chợ Long Hồ ở phía đông trấn thự cách 1 dặm, hai mặt trông xuống sông, chợ này lập từ năm Nhâm Tý Túc Tông thứ 8 (1732) phố xá nối liền, bách hóa tụ tập, đăng dài 5 dặm, thuyền ghe suốt bến, đền thần, đình làng đàn hát náo nhiệt, là chợ phố lớn của trấn
Chợ Sa Đéc ở phía Đông huyện lỵ Vĩnh Am, phố chợ ven sông, nhà phố nối liền nhau, san sát như vảy cá, dăng dài 5 dặm Bè tre ở dưới sông cũng dựng nhà buồng san sát thành hàng Chỗ thì bán đoạn lụa, đồ dùng nam bắc chỗ thì các thứ như dầu rái, than gỗ mây tre, muối mắm, trên bờ dưới sông, hàng hóa choáng mắt say lòng [15, tr.200]
Ở Cần Thơ, từ những năm đầu thế kỷ XX, chợ nổi Cái Răng đã manh nha hình thành Để khẳng định cho điều này, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng đã trích dẫn lại tài liệu “Cần Thơ trước năm 1899” (bản dịch tiếng Pháp, lưu trữ tại Thư viện TP Cần Thơ) như sau: “Người ta đặc biệt thấy nhiều nhà bè ở hai bên rạch Cái Răng và Cần Thơ Tất cả những ngôi nhà đó, được làm bằng trên những mảng bè, là của các nhà buôn Trung Quốc và An Nam…”; đồng thời ông còn ghi chép lại lời kể của luật
sư Ái Nhân, hơn 90 tuổi, người sinh sống ở Cần Thơ lâu đời “thuở nhỏ, hàng năm gần Tết, ông đều theo ghe nhà đi mua dưa hấu ở chợ Cái Răng, việc mua bán ngay tại ghe dưới sông chứ không cần lên bờ” [6]
Kiểu mua bán trên sông khu vực Ngã Bảy và Ngã Năm thuộc ĐBSCL vào thế kỷ XX cũng được nhà văn Sơn Nam miêu tả thật sinh động:
Chợ Ngã Bảy trở thành huyện lỵ, khách thương hồ từ bảy ngả kinh xáng gặp nhau, un đúc nên điệu hò Ngã Bảy khá độc đáo Chợ Ngã Năm sung túc hơn nhiều huyện lỵ, có thể nói là phồn thịnh hơn tỉnh lỵ Hà Tiên (…) Buổi sáng, lúc nhóm chợ, xuồng ghe tấp nập đến đỗi chúng ta có thể
Trang 36đi một vòng tròn qua năm con kinh xáng, bằng cách bước chuyển từ xuồng này sang ghe kia, đậu sát bên… [28, tr.122-123]
Ở chợ nổi Ngã Bảy “Tàu đò chở khách, ghe hàng nông sản cùng đội quân thương hồ khắp nơi tụ về, nhộn nhịp ngày đêm” [22, tr.24]
Từ năm 1945-1975, nhiều chợ nổi ở ĐBSCL không còn hoạt động Một mặt
do chế độ cũ không khuyến khích, bởi số lượng tàu, ghe tập trung đông đúc gây khó khăn trong kiểm soát về an ninh; mặt khác, do ruộng rẫy, vườn tược của nông dân
bị tàn phá hoặc bỏ hoang khá nhiều bởi chiến tranh, bom đạn nên nông sản ngày càng ít đi Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, hòa bình lập lại, đất vườn, đất rẫy được hồi sinh, sản xuất phát triển, nhất là từ khi có chủ trương đổi mới, hình thức chợ nổi được khôi phục với nhiều cung cách mua bán chuyên nghiệp hơn: các chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Trà
Ôn (Vĩnh Long) chuyên mua bán trái cây; chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy, Ngã Năm mua bán đa ngành hàng; hai chợ nổi Cà Mau, Long Xuyên ra đời muộn hơn cũng chủ yếu mua bán trái cây, rau củ từ miệt vườn đưa về bởi vùng Long Xuyên, Cà Mau chưa phát triển nghề vườn
Những năm gần đây, do nhu cầu giao thương nên nhiều chợ nổi có quy mô vừa, tiếp tục ra đời như: chợ nổi Vĩnh Thuận (Kiên Giang), chợ nổi Ngang Dừa (Bạc Liêu), chợ nổi An Hữu (Tiền Giang)… Mặt khác, do hoạt động của chợ nổi ảnh hưởng tới giao thông đường thủy nên chính quyền một số địa phương có sự điều chỉnh, dịch chuyển vị trí chợ: chợ nổi Ngã Bảy dời ra địa điểm kinh Ba Ngàn (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), gọi là chợ nổi Ba Ngàn; chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) dời về các ngã sông đối diện khu chợ trên bờ; chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long) dịch chuyển qua đầu doi cù lao Lục Sĩ Thành…
Hiện nay, ở ĐBSCL có hơn 10 chợ nổi đang hoạt động, tiêu biểu như chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), chợ nổi Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), chợ nổi Long Xuyên (tỉnh An Giang)… Bên cạnh một số chợ nổi hình thành từ thời thuộc Pháp như chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Cái Răng, còn lại đa số
Trang 37các chợ nổi ra đời từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) Đây cũng là thời điểm chợ nổi được nhân rộng khắp ĐBSCL, song song với quá trình phát triển kinh tế vườn, rẫy của nông dân Tại thành phố Cần Thơ hiện có hai chợ nổi: chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Điền, thu hút khá đông nông dân và thương lái các nơi tham gia trao đổi, mua bán
1.3.2 Tổng quan về chợ nổi Phong Điền
1.3.2.1 Lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại
Chợ nổi Phong Điền do cơ quan, doanh nghiệp hay cá nhân nào đứng ra thành lập và ra đời chính xác vào thời gian nào? Cho đến nay, vẫn chưa có tư liệu ghi chép lại một cách chính xác Sách “Biên khảo lịch sử Phong Điền - Cần Thơ” cũng chỉ nói chung về thời gian và nguyên nhân ra đời của chợ nổi Phong Điền như
sau: “Chợ nổi Phong Điền có từ khi nào người ta không nhớ rõ nhưng chắc chắn là
nó tồn tại cả mấy chục năm qua, kể từ khi kinh tế vườn ở Phong Điền phát triển và chợ trên bờ không đáp ứng yêu cầu buôn bán kiểu sông nước miệt vườn” [2, tr.27] Tuy nhiên, trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên ở Phong Điền, người dân sống ven
bờ sông đoạn xung quanh khu vực chợ nổi hay những người mua bán trên sông từ khi chợ nổi mới hình thành, hình ảnh xuồng, ghe đậu kín cả ngã ba sông, nhộn nhịp mua bán vào những thập niên cuối thế kỷ XX vẫn còn đậm nét Tất cả đều có chung một câu trả lời về thời gian ra đời và tồn tại của chợ nổi Phong Điền: cách nay khoảng 30 năm
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nông nghiệp ở Phong Điền phát triển, đặc biệt là vườn và rẫy với khối lượng lớn nông sản cần phải tiêu thụ nhanh, chỉ riêng cam, quýt vào mùa chín rộ đã có hàng trăm tấn Do địa hình bị chia cắt bởi nhiều kinh, rạch nên phương tiện đi lại, vận chuyển của người dân nơi đây chủ yếu
là xuồng và ghe Mỗi buổi chiều, khoảng 17-18 giờ (5-6 giờ chiều), nông dân từ trong vườn, trong ruộng dùng ghe, xuồng chở nông sản ra chợ Phong Điền để bán Chợ Phong Điền có vị trí thuận lợi nằm ven sông Cần Thơ, chỉ cách bờ sông bởi lộ Vòng Cung rộng chừng 5 m Sau khi cho xuồng, ghe cặp bến, nông dân mang nông
Trang 38sản lên họp chợ đêm ở hai bên lộ, đoạn từ trước chợ Phong Điền đến chân cầu Trà Niền Một số người vẫn thường gọi khu vực mua bán này là chợ ma (do chợ nhóm vào ban đêm) Kẻ mua, người bán hội tụ về đông đúc; ngã giá, thỏa thuận xong thì cân, đếm và giao hàng ngay Hoạt động mua bán tại chợ đêm diễn ra rất náo nhiệt
và nhanh chóng, đến khoảng 8-9 giờ tối (tức 20-21 giờ) thì chợ tan Do mật độ mua bán ngày càng tăng, chợ trên bờ quá tải, mặt bằng hai bên lộ thì hẹp, không đủ chỗ
để bày bán hàng tấn trái cây Vì vậy, khi lên bờ mua bán các nhà nông vẫn phải để khối lượng lớn hàng dưới xuồng, ghe Dần dần, việc giao thương đã phải lấn xuống bến sông theo kiểu “trên bến dưới thuyền” Đến những năm 1979-1980, chợ trên bờ không còn đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân bởi có một khối lượng rất lớn hàng nông sản được thu hoạch từ vườn, rẫy cần tiêu thụ trong thời gian ngắn vì thuộc loại nhanh chín, khó bảo quản, dễ héo úa, mau hỏng… Hàng hóa càng dư thừa thì sức cạnh tranh càng tăng Do đó, yêu cầu về thời gian trao đổi, mua bán càng rút ngắn càng tốt; phương thức mua bán, phương tiện vận chuyển, chuyên chở cũng cần phù hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo giá cả và chất lượng hàng hóa Do cả người bán và người mua đều đến chợ bằng ghe, xuồng nên người ta dần họp chợ ngay trên mặt sông Việc mua bán, trao đổi diễn ra trực tiếp giữa người bán và người mua, phổ biến nhất là giữa nông dân và thương lái [43, tr.1175] ngay trên mặt bằng xuồng, ghe theo lối bán buôn (bán sỉ) có rất nhiều lợi thế: cả hai bên đều giảm được chi phí bốc vác, vận chuyển; bỏ qua khâu lưu kho trung gian; rút ngắn thời gian mua bán, đưa nhanh hàng hóa có chất lượng (đặc biệt là nông sản tươi nguyên) đến tay người tiêu dùng Nhờ vậy, giá cả của hàng hóa sẽ vừa phải, có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường Thêm nữa, mua bán ngay trên ghe, chủ ghe có thể an tâm vừa mua bán vừa trông giữ ghe, trông giữ hàng, không cần có thêm người phụ giúp như khi mua bán trên cạn Mua bán dưới ghe còn không phải góp hoa chi (2), nộp thuế, vì thời điểm đó Ban Quản lý chợ Phong Điền chỉ thu của người bày bán hàng hóa trên bờ Nhiều người nói vui rằng mua bán trên sông là để trốn thuế Để tiện lợi hơn, ghe thương lái thường neo đậu chờ “ăn hàng” (3) ở giữa ngã ba sông
để đón mua được hàng nông sản do xuồng, ghe từ 3 ngã sông chở đến Xuồng, ghe
Trang 39của nông dân chở nông sản đến cặp vào ghe lớn, sau khi ngã giá xong thì sang chuyến hàng ngay, không phải lên bờ, lên chợ Lúc đầu chỉ một số ít người theo cách này, dần dần, khu vực mua bán được mở rộng cả một đoạn sông, ra đến giữa dòng, hình thành kiểu họp chợ trên sông Chợ nổi Phong Điền ra đời từ đó Khoảng
từ năm 1990 đến 1995 là thời kỳ chợ nổi phát triển nhất cùng với những vụ trúng mùa nông sản (chủ yếu là cam mật) của các nhà vườn ở Phong Điền
Như vậy, chợ nổi Phong Điền hình thành vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX do cây trái ở địa phương và các vùng lân cận phát triển, chợ trên bờ không đáp ứng đủ quy mô, nhu cầu giao thương, mua bán ngày càng tăng của người dân Đồng thời, chợ nổi ra đời còn gắn liền với đặc trưng địa hình nhiều sông rạch
và tập quán di chuyển bằng xuồng, ghe của người dân địa phương Mặc dù ra đời muộn hơn so với một vài chợ nổi khác ở ĐBSCL, như chợ nổi Phụng Hiệp (thập niên đầu thế kỷ XX), chợ nổi Cái Răng (những năm 1940); dù đã có nhiều đổi thay
do chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những thăng trầm của kinh tế, của quá trình đô thị hóa, nhưng cho đến thời điểm hiện nay chợ nổi Phong Điền vẫn tồn tại Cùng với chợ Phong Điền, chợ nổi đã mở rộng trung tâm mua bán, giao thương, góp phần phát triển kinh tế và duy trì nét văn hóa đặc trưng của vùng đất vốn được mệnh danh là một trong những cái nôi của văn minh miệt vườn Nam bộ
Chợ thường nhóm họp từ 3-4 giờ sáng và kéo dài đến khoảng 15 giờ (3 giờ chiều) Mỗi buổi sớm mai, thiên nhiên và vạn vật như bừng tỉnh giấc bởi
Trang 40tiếng khua nước của những mái chèo, tiếng nổ của các loại động cơ, tiếng ghe, xuồng va chạm vào nhau, tiếng gọi chào, nói cười í ới, rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng ngã giá bán - mua Hoạt động mua bán được diễn ra trong ánh sáng lung linh như những chòm sao của các loại đèn bão, đèn dầu, đèn bình trên những ghe xuồng đang nhấp nhô, tròng trành [58, tr.1713] trên sóng nước Tuy nhiên, thời gian họp chợ vẫn có thay đổi sớm, muộn đôi chút để phù hợp với việc thu hoạch nông sản của nông dân, kịp những chuyến hàng đi xa của thương lái
và tùy theo con nước lớn, nước ròng Đặc biệt, những ngày giáp Tết chợ họp rất sớm (từ 1-2 giờ sáng) và có thể kéo dài đến tận xế chiều Xuồng ghe tới lui liên tục, chen nhau như mắc cửi, kín cả mặt sông, hàng hóa chất đầy tận mui, kẻ bán
- người mua ồn ào náo nhiệt
Cao điểm mua bán của chợ nổi Phong Điền vào khoảng từ 5-8 giờ sáng, vì
đó là thời điểm nông dân chở các loại sản phẩm của ruộng, của rẫy đã được thu hoạch từ chiều hôm trước ra chợ bán cho thương lái kịp đưa hàng đến những nơi xa Một số ghe, xuồng nhỏ bán hàng bông (4), hàng tạp hóa cũng rời chợ từ sáng sớm đưa hàng về bán lẻ cho nông dân vùng sâu, xế chiều lại tụ về chợ nổi sau một ngày dong ruổi tận các ngọn rạch, ngả sông Từ trưa đến chiều chợ vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng chủ yếu bán mua những loại hàng nằm (5), hàng tạp hóa, đồ gia dụng thiết yếu hoặc một số nhà vườn chở nông sản vừa thu hoạch đến bán cho những ghe lớn đang neo đậu chờ mua thêm cho đầy hàng
Tham gia mua bán trên chợ nổi chủ yếu là những người dân địa phương và thương lái Một số thương lái đưa ghe đến chợ thu mua sản vật của nông dân rồi chở đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh vùng Hậu Giang, Tiền Giang và miền Đông Nam bộ;
số khác đưa hàng từ những làng nghề, phố thị, đặc sản miền xa về bán làm cho chợ nổi càng thêm tấp nập, hàng hóa càng thêm phong phú Mỗi ngày có từ một đến hai ghe (tải trọng 15-20 tấn) của thương lái từ Nam Vang (6) chở me muối, dầu chai, vải, đường sang bán rồi mua các loại nông sản như cốc, cam, chuối, bưởi… của các nhà vườn cho chuyến về