www.nguyenthikhanhhuyen.com - Huyền Chip - Chương 18 - Phần 1 - Tập 1: Lảm nhảm về Myanmar
Trong ngày đầu tiên ở Yangon, tôi vẫn cứ đinh ninh là mình đang ở thủ đô của Myanmar. Tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho kiến thức địa lý của mình khi một người bạn Myanmar nói với tôi rằng Yangon không còn là thủ đô nữa. Yangon từ năm 2005 đã mất danh hiệu này cho Naypyidaw (tên viết tắt chính thức là NPT), cách Yangon chín tiếng đi bằng tàu. Thủ đô mới không mở cửa cho khách du lịch, người nước ngoài phải xin giấy phép đặc biệt mới được vào. Tôi đi qua NPT một lần duy nhất khi đi xe bus từ Bagan về Yangon. Qua thành phố này, tất cả người nước ngoài bị yêu cầu xuống xe để kiểm tra hộ chiếu. Tuy nhiên, Yangon vẫn là thành phố lớn nhất của Myanmar với hơn bốn triệu dân. Đây cũng là thủ đô kinh tế của đất nước này. Có lẽ do tôi đến đúng vào mùa mưa nên Yangon có cái gì đó rất ảm đạm. Xe máy bị cấm trong thành phố nên phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ. Xe có động cơ phần lớn là xe bus, taxi. Xe đạp rất ít. Không biết là do người Myanmar chuộng đồ cũ hay họ không có tiền mua đồ mới mà hầu như đường phố nào ở thủ đô Yangon cũng tràn ngập chợ bán đồ cũ. Cái gì người ta cũng mang ra bán được: điện thoại từ những năm 80, máy tính học sinh, quần áo, thắt lưng, kể cả đôi dép tông cũ hay tấm gương vỡ. Cónhững thứ với người Việt Nam mình chẳng còn giá trị gì, với người Myanmar lại là đồ quý. Mỗi quán chỉ là một tấm vải trải trên đường phố, bày biện khoảng chục món hàng. Nhưng mà mỗi đường phố có hàng trăm quán như thế. Người mua đông nghẹt. Nhưng tuyệt đối không có cảnh chào hàng, níu kéo khách du lịch như ở Việt Nam hay Ấn Độ. Đồ ăn ở Myanmar nếu so với các nước khác thì rẻ, nhưng nếu so với thu nhập bình quân của người dân địa phương thì không rẻ tý nào, bởi tôi không hiểu người dân địa phương lấy thu nhập từ đâu ra. Các cửa hàng đồ ăn nước ngoài thì không nhiều, có chăng chỉ có nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng Ý. Nhưng đồ ăn vỉa hè ở đây hết sức đa dạng. Que xiên trứng chim cút, chim rán, hoa quả khô, ô mai, thạch, xoài dầm, miến nấu, miến khô tôm, bánh trứng ốp lếp . Ở Yangon có cả một quán sushi vỉa hè. Tôi thích nhất món Wet-Thar-Doke-Htoe. Đây đại loại là lòng lợn cắt nhỏ, xâu thành từng xiên, nhúng vào nước sốt nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị đậm đà, béo ngậy. Trang phục truyền thống của người Myanmar là Longyi, một dạng váy cuốn xung quanh mặc cho cả đàn ông và phụ nữ. Khi vừa đặt chân xuống Yangon, tôi đã nghĩ đồng phục của đàn ông quốc gia này là Longyi, áo phông, dép tông. Vì là váy cuốn nên Longyi rất hay tuột. Cứ chừng dăm phút là người mặc váy lại phải dừng lại để cuộn lại cạp váy. Du khách đến đây hay nói đùa rằng kinh tế Myanmar chậm phát triển bởi người dân nơi đây mất quá nhiều thời gian vào việc chỉnh váy. Nhưng bù lại, mặc Longyi cực kỳ thoải mái, đứng ngồi đều tiện, “tiểu đường” càng tiện hơn. Số người Myanmar “tiểu đường” cũng không thua kém gì Việt Nam. Ấn tượng lớn nhất của tôi về Myanmar là người dân quá đỗi thân thiện và đáng mến. Nếu như chỉ nghe những gì truyền thông quốc tế nói về những áp bức người dân Myanmar phải chịu, chắc ai cũng nghĩ người dân ở đây đau khổ lắm. Nhưng không, người dân ở đây đều hết sức vui vẻ, luôn luôn rạng rỡ nụ cười. Chúng tôi gặp một anh chàng mà mọi người ở đây gọi là Joker bởi anh ta có tài kể chuyện cười. Bằng chứng là chỉ bằng tiếng Anh bồi, anh làm cho tôi và anh bạn đồng hành ôm bụng cười như nắc nẻ ở chỗ sửa xe đạp. Khi đi ăn tối ở một cửa hàng vỉa hè, tôi và cô bạn bắt chuyện với hai người phụ nữ trung niên. Tôi kể cho họ về dự định đi vòng quanh thế giới của mình. Lúc đứng dậy thanh toán, chúng tôi được biết là hai người phụ nữ đó đã trả tiền cho chúng tôi rồi. Mọi người đều cho rằng Phật giáo là yếu tố quan trọng tạo nên tính cách của người dân Myanmar. Nói đến Myanmar mà không nói đến chùa chiền thì là một thiếu sót lớn. không chỉ ở Bagan mới có chùa, mà khu dân cư nào cũng có. Cứ ở đâu có người ở thì ở đó có chùa. Một đất nước nghèo như Myanmar mà lại có những ngôi chùa dát vàng nguy nga trị giá hàng triệu đô la như Shwedagon ở Yangon. Người Myanmar làm không ra nhiều tiền, nhưng hễ khi nào tiết kiệm được một chút là lại mua vàng lá mang lên chùa cúng dường. Đất nước sùng đạo là thế nên tầng lớp tăng ni có ảnh hưởng rất lớn đến người dân ở đây.