Quê tôi giờ này đã vào vụ gặt. Ai nấy hối hả mang liềm, đòn xóc (một đoạn tre dài khoảng 1,5m được chẻ làm hai, hai đầu vót nhọn, dùng để gánh những bó lúa lớn lên bờ), đồ ăn, thức uống rồi kéo xe ra đồng. Mặt trời cũng biết thương người dân quê nên dọn sẵn cho họ những ngày cuối tháng 4 nắng ráo. Trời không một gợn mây, xanh trong và sâu đến mỏi mắt. Trời nắng lắm. Nắng đến héo người. Nhưng như vậy mới đúng ý các bác nông dân. Ẩm ướt mây mù lấy đâu ra nắng mà phơi phong. Nhà nhà tranh thủ kéo nhau ra đồng từ sáng sớm, vừa tránh nắng vừa tiết kiệm thời gian. Mỗi vạt lúa khác nhau được gọi bằng một cái tên, đến người cao tuổi nhất trong làng cũng không biết có từ bao giờ: Nu, Hạ Gấm, Thượng Gấm, Mã, Mồ Cao trên, Mồ Cao dưới, Mồ Chương… Chúng thường được gieo cùng một giống lúa, thảng hoặc lắm mới có thửa ruộng khác giống lạc vào. Cái thú của việc đi gặt sớm là vừa gặt vừa được tắm sương. Những giọt sương lười biếng còn ngái ngủ nên chẳng hiểu tại sao mình bị tan chảy trong nếp áo của mấy người lạ mặt. Cảm giác mát mẻ, tinh khiết mơn man trên da thịt. Lâu lâu, chị gái nào lơ việc còn lấy chai hứng sương để dành chẳng biết làm gì. Cánh đồng lai láng trong màu vàng rộm của lúa chín, màu xanh thẫm của cây lúa mới tuốt hạt, màu vàng tươi của rơm hai nắng, lai láng cả tiếng trò chuyện, tiếng cười giòn tan không chút mệt của những người áo nâu chân chất quê tôi. Đọc sách báo, xem tivi nhiều, tôi mới biết chiếc liềm gặt lúa quê tôi có một không hai. Tôi gọi là liềm để bạn đọc dễ hình dung chứ từ thuở nào đến giờ chúng tôi không bao giờ gọi nó bằng cái tên phổ biến đó. Cái vằng quê tôi không phải hình trăng khuyết mà hình chữ V. Một cạnh chữ V được gắn lưỡi sắc, cạnh còn lại được vót tròn, đầu nhọn và ngắn hơn cạnh kia một chút. Làm thế nào để sử dụng được nó? Tay phải cầm vằng sao cho lưỡi hướng ra ngoài, đầu nhọn hướng vào trong. Dùng đầu nhọn móc lấy một nắm lúa nhỏ vừa một bàn tay, câu lúa sẽ nằm gọn trong hai cạnh chữ V. Sau đó, cùng một lúc, tay trái cầm lấy nắm lúa, cổ tay phải xoay nhẹ vằng cho phần gắn lưỡi chạy vào trong, đầu nhọn chạy ra ngoài. Cuối cùng, đưa lưỡi vằng cắt mạnh vào gốc lúa, trên tay ta sẽ là những bông lúa trĩu hạt. Tôi mê mải đứng nhìn từng động tác móc lúa, xoay vằng, cắt lúa mạnh mẽ, uyển chuyển và mơ một ngày mình cũng trở thành một diễn viên múa lão làng như thế. Lũ trẻ con chúng tôi cũng có thú vui riêng. Khoái nhất là được ăn ké bữa lỡ lúc nghỉ gặt giữa chừng để lấy sức của ba mẹ và mọi người trong gia đình. Mới bảnh mắt ra đã hỏi mẹ hôm nay có gặt không, có gì ăn không. Thức quà quê cũng giản đơn lắm: bánh ướt, bánh bèo, chè đậu xanh, chè đậu đen, có khi là mấy gói mì tôm, nồi cháo nóng, bịch kẹo động phộng, vài ba quả ổi vườn. Vậy mà ngon khiếp! Cảm giác ngon miệng đến khoái trá đó tôi chưa khi nào có được trong 4 năm xa ngôi làng nơi tôi sinh ra. Tôi mãi là đứa trẻ con chỉ biết đứng nhìn và ước mơ trở thành một tay gặt lúa thành thục mà thôi. Thực ra, đám loắt choắt chúng tôi cũng “được việc” lắm. Mà vừa làm vừa chơi mới khoái. Công việc chuyên môn hoá ra trò. Đứa ở nhà thì phơi lúa, phơi rơm, nấu ăn, giặt giũ, tiếp tế đồ ăn, nước uống. Đứa lẽo đẽo theo ba mẹ ra đồng, chẳng biết làm được việc gì hay chực bị la. Vậy mà tôi vẫn thích ra tiền tuyến hơn ở nhà làm công tác hậu cần. Đã không thích là đổ lười. Phơi lúa, phơi rơm cả ngày vẫn ướt mèm, nấu ăn thì thiếu mắm thiếu muối, ai ăn là nhớ một đời. Thời khắc chúng tôi chờ đợi nhất vẫn là lúc về chiều. Mặt trời sau một ngày rực lửa giờ dịu dàng đến lại kì. Có đứa “lãng mạn” ngồi ở bờ mương ngước mắt lên nhìn và tự hỏi tại sao lại có vòm cây in hình lên quả cầu cam. Có đứa nghịch ngợm nhảy lên đống rơm mới thổi đang còn bốc hơi nóng, bay lên bay xuống như chơi bập bênh. Mùi thơm của rơm mới xông lên tận hốc mũi, ngọt mát đến lạ. Có đứa hì hục dán diều giấy cả buổi, chiều mát í ới gọi nhau đi thả thi xem diều ai bay cao hơn. Ham chơi cả ngày, đêm về mới biết mùi. Bột lúa dính vào da, tắm hoài cũng không hết, ngứa gãi trầy cả người. Ấy vậy mà không bao giờ chịu rút kinh nghiệm. Ban đêm, làng xóm vẫn còn nhộn nhịp lắm. Đèn nhà ai cũng sáng trưng, sáng ra ngoài ngõ, sáng đến tận khuya. Tiếng máy tuốt lúa rập rình. Ai đó kéo lúa về còn rầm rì tính chuyện cưới hỏi cho con. Tiếng chó sủa gọi hàng xóm ra ăn hiếp kẻ lạ mặt. Tiếng trẻ con học bài sang sảng. Tiếng vợ chồng bàn chuyện bán lúa may áo mới cho con… Tiếng ngáy ngon giấc khe khẽ của thằng nhỏ nghịch ngợm, ham chơi… Khò…khò… . cho con. Tiếng chó sủa gọi hàng xóm ra ăn hiếp kẻ lạ mặt. Tiếng trẻ con học bài sang sảng. Tiếng vợ chồng bàn chuyện bán lúa may áo mới cho con… Tiếng ngáy